Dựng chứng cứ giả để chiếm nhà đất của một thương binh

Dựng chứng cứ giả để chiếm nhà đất của một thương binh
TP - Căn nhà của thương binh Nguyễn Đức Dục ở TX Vĩnh Yên đang có nguy cơ bị kẻ xấu chiếm đoạt vì những dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã bị cơ quan chức năng bỏ qua…

Năm 1989, anh Dục mua ô đất 107m2 giáp QL 2 của bà Đàm Thị Thẩn ở phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) và nhờ người thân là ông Nguyễn Tiến Luân (hàng xóm nhà bà Thẩn) đứng tên sở hữu.

Vợ chồng anh Dục xây lên căn nhà cấp bốn, nhưng vì công tác ở xa nên không về ở, mà nhờ gia đình ông Luân trông nom. Năm 1990, ông Vũ Văn Kiêm đến mua một căn nhà của ông Luân, cạnh nhà đất của anh Dục. Nhà này bị dột nát, nên ông Kiêm được ông Luân cho ở nhờ chính căn nhà của anh Dục.

Được “ở nhờ” liền 12 năm, gia đình ông Kiêm không trả nhà cho anh Dục mà còn ngang nhiên phá bỏ, định dựng nhà mới kiên cố. Ông Luân và anh Dục cùng kiện ông Kiêm, đòi lại nhà đất…

Anh Dục giải trình nhiều chứng cứ sở hữu đất, gồm: sổ đỏ (anh Dục đã dùng sổ này để vay tiền ngân hàng, hiện còn nợ ngân hàng hơn 80 triệu đồng); sơ đồ lô đất; xác nhận của các nhân chứng; giấy biên nhận tiền mua bán đất với nhà chủ; giấy “cho tặng nhà đất” do ông Luân viết khẳng định nhà đất đó là của anh Dục; xác nhận của UBND phường về lô đất…

Và quan trọng hơn, lời khai của ông Luân và nhân chứng trước toà đã nói rõ nhà đất đó là của vợ chồng anh Dục. Trong khi ông Kiêm chỉ có một giấy viết tay về cuộc trao tiền mua bán nhà với ông Luân (giấy không ghi rõ ngôi nhà nào, vị trí nào…).

Qua nhiều cấp xét xử, TAND TC đã xử giám đốc thẩm tuyên huỷ kết quả xét xử trước, giao cho TAND tỉnh Vĩnh Phúc xử lại từ đầu, lý do: Một số bên liên quan đã không được các cấp xét xử trước mời dự toà (như: vợ ông Kiêm, vợ ông Luân, đại diện ngân hàng…).

Ngoài ra, đầu năm 2005, gia đình ông Kiêm bỗng… tìm thấy bộ hồ sơ nhà đất tại UBND phường Tích Sơn (lập năm 1990, chưa có dấu xác nhận của UBND phường), trong đó có những chữ ký của ông Luân - người bán nhà cho ông Kiêm!?

Đó là khi vụ án đã kéo dài nhiều năm, và nhân chứng quan trọng nhất là ông Luân đã chết.

Anh Dục khẳng định bộ hồ sơ này là giả vì có quá nhiều chi tiết đáng ngờ, trong đó thể hiện rõ nhất là chữ ký của ông Luân không giống với chữ ký thật của ông, nên đã yêu cầu giám định.

Nhưng cơ quan chức năng chỉ giám định chữ ký đáng ngờ nọ với… chính nó, nên đương nhiên đã kết luận chữ ký này do cùng một người ký ra, mà không so sánh với chữ ký thật của ông Luân tại các hồ sơ gốc.

Kỳ lạ hơn, những chữ ký tên Luân tại bộ hồ sơ đáng ngờ kia, cũng không giống nhau, nhưng bản giám định không kết luận về chi tiết này?!

Dân địa phương, nhân chứng, hàng xóm, và đặc biệt là nhiều anh em thương binh ở Vĩnh Phúc, vô cùng bức xúc trước âm mưu kẻ xấu định chiếm đoạt nhà đất của thương binh Nguyễn Đức Dục.

Họ ký vào những lá đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ những kẻ tiếp tay cho âm mưu này, và mong đợi một phán quyết công minh của phiên toà sắp tới. 

MỚI - NÓNG