Đừng để quyền tự do kinh doanh chỉ là hư quyền

Quán cà phê, ăn sáng, cơm trưa văn phòng của ông Nguyễn Văn Tấn
Quán cà phê, ăn sáng, cơm trưa văn phòng của ông Nguyễn Văn Tấn
Liên quan đến vụ việc hàng phở chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày bị khởi tố hình sự, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã lên tiếng bày tỏ quan điểm. 

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Trưởng ban Thư ký Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư: Thật sự rất đáng buồn!

Thật sự đọc thông tin trên báo, tôi thấy rất buồn, thật sự buồn. Dù qua quá trình rà soát việc thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, chúng tôi thấy có những biểu hiện pháp luật chưa được thực thi nghiêm túc, nhưng đem ra xử lý hình sự hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm như thế này là trường hợp hy hữu. 

Chúng ta đã có 30 năm cải cách, chuyển sang nền kinh tế thị trường; sau quá trình bàn thảo hết sức cặn kẽ trong Chính phủ, trong Quốc hội, luật pháp hiện đã quy định rất rõ việc tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Ngay cả khi chưa đăng ký kinh doanh thì việc bán phở vẫn hoàn toàn hợp pháp. Tôi rất đồng tình với cách trả lời của UBND huyện Bình Chánh như đã nêu trong bài báo. 

>>Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày: Bị xử lý hình sự

Rất đáng buồn là ở chỗ trong khi Đảng, Nhà nước nỗ lực cổ súy và hiện thực hóa, hợp pháp hóa quyền tự do kinh doanh, đảm bảo độ an toàn tài sản, cho nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho mình, cho gia đình và xã hội thì lại vẫn tồn tại tình trạng o ép, xử phạt, thậm chí xử lý hình sự.
Quay trở lại vụ việc cụ thể này. Chắc chắn không thể xử lý hình sự người kinh doanh ấy, tôi tin thế, nhưng vụ việc đã làm giảm lòng tin vào hiệu lực thực thi luật pháp. Mà lòng tin đã mất đi thì lấy lại vô cùng khó. Không xử lý triệt để vụ việc hy hữu này thì đâu đó có thể lại nảy sinh vụ việc khác.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng ban Pháp chế VCCI: Để tự do kinh doanh không phải là hư quyền

Vụ việc xử phạt cửa hàng bán phở của Công an huyện Bình Chánh thật đáng lo ngại và cần phải lên án. Người dân phải có quyền tự do mưu sinh, tự do kinh doanh, bổn phận của cơ quan nhà nước là phải bảo vệ, bảo đảm quyền quan trọng này; hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện đúng, chứ kinh doanh không phải quyền của cơ quan nhà nước để “trao”, để “cho”. Sự hạn chế kinh doanh trong một số ngành nghề, nếu có, như đặt ra giấy phép, chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định, các quy định về an toàn, vệ sinh, môi trường... chỉ trên cơ sở duy nhất: vì lợi ích, trật tự công cộng.

Ở vụ việc của cửa hàng bán phở tại Bình Chánh, tôi vẫn chưa nghĩ ra lý do gì, nguy cơ gì kinh khủng khiến cơ quan công quyền ở đây phải liên tiếp, kiên quyết vào cuộc, thậm chí tiến hành khởi tố hình sự. Nếu họ lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm thì hãy để cho các cơ quan an toàn thực phẩm đến thẩm định, hướng dẫn họ làm đúng; nếu họ chưa hoàn tất thủ tục hành chính. Chẳng lẽ việc người dân vay tiền, lăn lộn mở hàng quán ra vừa tự nuôi mình, vừa phục vụ xã hội, đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước lại trở nên “nguy hiểm” như vậy sao?!

Khuyến khích được hàng chục triệu công dân làm giàu, đấy là nghĩa vụ và lợi ích lớn nhất của quốc gia. Có lẽ không có gì triệt tiêu động lực kinh doanh của người dân ghê gớm bằng những rào cản hành chính và nguy cơ hình sự hóa.

“Quyền tự do kinh doanh” bắt đầu được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 và tiếp tục được tái khẳng định theo hướng cởi mở hơn trong Hiến pháp năm 2013. Nó cũng được nhắc nhiều đến gần đây trong các bài phát biểu của lãnh đạo quốc gia và bộ, ngành. Nhưng suy cho cùng thì đảm bảo quyền tự do kinh doanh không nên chỉ dừng lại ở bài phát biểu của những vị bộ trưởng, mà cần chuyển thành những hành động cụ thể của các quan chức. Nếu không thì quyền tự do kinh doanh cũng chỉ là hư quyền mà thôi!

TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Phòng tránh tình trạng lạm quyền

Nếu sự việc như Báo SGGP nêu là chính xác thì có thể thấy đây là một vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc báo chí vào cuộc là rất đúng đắn. Báo SGGP đã phản ánh sự việc, nên tiếp tục theo đuổi, không chỉ để giải quyết một vụ việc cụ thể này mà còn để tránh xảy ra những việc đáng tiếc tương tự.

Tôi nghĩ với sự hỗ trợ của báo, đương sự có thể mời các luật sư vào cuộc và khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thì khởi kiện vụ án lạm dụng quyền hạn trách nhiệm ra tòa.

Nên coi đây là một vụ điển hình để thông qua vụ việc này phòng tránh tình trạng lạm quyền của các cơ quan quyền lực.

Nếu bị xác định làm sai, thì cá nhân và cơ quan làm sai có trách nhiệm bồi thường cho người dân theo luật định.

ThS. Luật gia ĐỒNG MẠNH HÙNG: Cố hình sự hóa hành vi vi phạm hành chính

Các cơ quan công quyền cần hiểu việc xử lý vi phạm chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật. Nhưng từ những thông tin mà báo đã nêu, nhiều người cho rằng có động cơ nào khác đằng sau sự việc này chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động nhằm quản lý trật tự xã hội thuần túy theo thẩm quyền của Công an huyện Bình Chánh.

Cách làm của Công an huyện Bình Chánh cho thấy đang hình sự hóa một sự việc hành chính đơn giản trong xã hội, thể hiện ở cách thức mà họ tạo lập hồ sơ vụ án. Biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính không thống nhất. Biên bản vi phạm chỉ ghi 1 hành vi nhưng khi ra quyết định xử phạt đến 4 hành vi là không thống nhất.

>>Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày: Bị xử lý hình sự

Điều đó vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP “Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm, thì biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ từng hành vi vi phạm”. “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ” (khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).

Do vậy, dựa vào biên bản không đúng pháp luật để khởi tố vụ án hình sự là oan sai.

Luật sư ĐẶNG HUỲNH LỘC: Thiếu quyết định phối hợp liên ngành, công an không được quyền tự mình xử phạt an toàn vệ sinh thực phẩm

Vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay được quy định rất rõ ràng trong Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành 15 thông tư để hướng dẫn thi hành. 

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước; Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn; phòng y tế thuộc UBND cấp huyện, trung tâm y tế huyện chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện; UBND xã, phường, thị trấn; trạm y tế xã chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn xã; cơ quan có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quy định tại Điều 69 Luật An toàn thực phẩm. Đoàn kiểm tra do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra về an toàn thực phẩm quyết định thành lập có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 70 Luật An toàn thực phẩm.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định căn cứ để kiểm tra, nội dung kiểm tra và thẩm quyền thành lập đoàn kiểm tra để tránh lộng quyền, chồng chéo. Do vậy, công an muốn kiểm tra an toàn thực phẩm phải phối hợp liên ngành. Việc trong hồ sơ vụ án không có quyết định phối hợp liên ngành mà dựa vào biên bản của công an xử lý về an toàn thực phẩm là không đúng pháp luật. Việc khởi tố hình sự theo kiểu suy diễn của cơ quan công an là không có cơ sở pháp luật.

>>Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày: Bị xử lý hình sự

Theo Theo Sài Gòn Giải Phóng
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.