Đứng lên từ vũng bùn ma túy

Đứng lên từ vũng bùn ma túy
TP - “Tôi muốn giữ lại hình ảnh ghê rợn này để nhắc nhở con cháu sau này và cả những ai đang bị quyến rũ, u mê bởi làn khói ma túy ma quái, hãy quyết tâm tránh xa nó ra, đừng dại dột như tôi, như bạn bè của tôi”, Tuấn nói...
Đứng lên từ vũng bùn ma túy ảnh 1
Gia đình anh Tuấn

Xẩm tối, cả thôn Bắc Thái (xã Ia Lâu, Chư Prông, Gia Lai tràn ngập trong ánh điện. Căn nhà cấp 4 rộng gần 70m2 của vợ chồng anh chị Lương Văn Tuấn – Lương Thị Thực thật gọn gàng, sạch sẽ, hàng chục bao lúa căng tròn chất cao gần đến trần.

Bé Thảo 6 tuổi ra cổng đón bố. Chân tay còn lấm lem bụi đất sau những chuyến chuyên chở lúa, Tuấn chào con bằng cái nháy mắt vui vẻ. Tắm rửa xong xuôi, anh ngồi vào mâm cơm, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Không khí gia đình thật yên ấm và hạnh phúc.

Cụ Lương Thị An, 65 tuổi, mẹ Tuấn – từ nhà bên bước sang cười móm mém: “Cuộc đời tôi không có gì sung sướng hơn khi thấy thằng Tuấn thành người như ngày hôm nay”. Tuấn cười bẽn lẽn rồi chậm rãi hồi tưởng về quãng đời tăm tối của mình bên bàn đèn.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, trước cảnh gia đình nheo nhóc, một mình mẹ phải cáng đáng nuôi nấng 4 đứa em trứng gà trứng vịt. Để giúp mẹ Tuấn vất vả đủ nghề song cuộc sống cũng không khá hơn là bao.

Theo bạn bè, Tuấn lên đường đến xã Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) đãi vàng sa khoáng. Những hạt vàng óng ánh, nhỏ như hạt cát đã đem về cho anh những món tiền kha khá. Tiền vào túi rủng rỉnh cũng kèm theo cả tai họa. Cuộc sống hỗn tạp nơi bãi đào vàng như cơn lốc cuốn anh vào các trò đỏ đen và ma túy.

Thế là Tuấn đã không mang được đồng nào về nhà lại còn hành hạ người mẹ tội nghiệp. Bao nhiêu lời can ngăn của mẹ, của họ hàng, làng xóm và cũng bấy nhiêu lời hứa quyết tâm cai nghiện của Tuấn. Nhưng rồi đâu lại hoàn đấy.

Cũng kiên quyết đấy, cũng gian khổ đấy sau khi ghìm cơn nghiện, song lũ bạn nghiện ngập kia đâu có tha cho. Họ cứ đeo bám, dụ dỗ. “Nghĩ lại những lúc đấy thấy mình thật là khốn nạn” – Tuấn cúi đầu cay đắng.

Tuấn lại quyết tâm “cai bằng được”. Sức mẹ yếu lắm chẳng giữ được Tuấn những lúc lên cơn. Một ông bác được giao trách nhiệm trực tiếp ở bên cạnh để cai thuốc cho Tuấn.

Với quyết tâm cao độ và sự giúp đỡ của người thân, những cơn vật vã vì đói thuốc của Tuấn thưa dần. Nhưng vì sợ “gần mực thì đen”, Tuấn xin phép mẹ khăn gói vào Tây Nguyên cùng ông anh họ theo diện kinh tế mới.

Dựng tạm túp lều, ngày ngày Tuấn miệt mài với những mảnh đất trồng lúa, trồng bắp và làm thêm nghề thợ mộc. Thời gian sau, Tuấn đã đón mẹ và các em vào cùng. Năm 1999, kinh tế ổn định, Tuấn cưới vợ.

“Nhóm bạn nghiện hút cùng tôi thời ấy bây giờ gần như về với đất gần hết. Số còn lại thì sống dặt dẹo, không ra hồn người. Nhớ lại những năm tháng sa lầy trong vũng bùn ma túy mà vẫn thấy rùng mình. 

Nói rồi Tuấn lấy từ trong album ra một tấm ảnh chụp lúc mình đang cơn “phê” bên bàn đèn.

“Tôi muốn giữ lại hình ảnh ghê rợn này để nhắc nhở con cháu sau này và cả những ai đang bị quyến rũ, u mê bởi làn khói ma túy ma quái, hãy quyết tâm tránh xa nó ra, đừng dại dột như tôi, như bạn bè của tôi”.

Đứng lên từ vũng bùn ma túy ảnh 2
Gia đình anh Trường

Cũng quyết tâm giã từ ma túy chết người và cũng giã từ luôn bãi vàng sa khoáng Võ Nhai đến đây lập nghiệp với Tuấn còn có anh Nguyễn Xuân Trường. Năm nay mới ngoài 40 tuổi nhưng anh đã là đệ tử của “nàng tiên nâu” tới 14 năm trời.

"Lúc ấy tôi như con ma đói, chỉ còn 39 cân, bước đi liêu xiêu chỉ chực ngã. Cha mẹ, vợ con tủi nhục với tôi không biết bao nhiêu mà kể.

Mang tiếng đi đào vàng đấy nhưng có mang về cho vợ con được đồng nào đâu; chỉ về “khoét thêm” để thỏa mãn những cơn “vật”. 14 năm lún sâu trong vũng bùn ma túy là 14 năm tôi sống trong nơm nớp lo sợ.

Bản thân luôn bị dằn vặt vì chẳng giúp gì được cho vợ con mà chỉ chực “chôm chỉa” đồ đạc trong nhà đem đi đổi lấy vài “bi” để thỏa mãn cơn nghiện. Thấy vợ con đói khổ nheo nhóc vì mình nhưng cũng không sao vượt qua được những cơn ghiền. Cứ vài tháng, có khi vài ngày lại phải đi đưa những đứa bạn cùng hội về nghĩa địa.

Tôi nghĩ nếu không quyết tâm cai, có lẽ cũng đến lượt mình. Vậy là khăn gói vào đây. Nhờ ông anh vợ giúp đỡ mà tôi mới có ngày hôm nay”.

11 năm qua miệt mài với đồng ruộng, đến nay vợ chồng anh đã làm được ngôi nhà khang trang, rộng rãi. Với thu nhập hàng chục triệu đồng một năm từ lúa, bắp lai và nghề mộc của 2 cha con, gia đình anh đã sắm được các phương tiện nghe nhìn hiện đại, mua được cả xe công nông và xe máy.

Lúc tôi chụp ảnh, anh tỏ ra nuối tiếc: “Con gái lớn đang học một lớp trung cấp tại TP Pleiku, cách nhà gần trăm cây số, con trai 20 tuổi đang lái công nông đi chở lúa cho bà con nên bức ảnh sẽ thiếu vắng 2 đứa nhỏ rồi, chỉ còn toàn người lớn thôi”.

Rồi anh tự hào: “Ông bà ngoại năm nào cũng vào đây thăm vợ chồng con cái chúng tôi. Các cụ bảo: “Cả bản ta ngoài ấy ai cũng mừng vì bố lũ nhỏ đã hoàn lương”.

Thanh Thủy
(Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em tỉnh Gia Lai)

MỚI - NÓNG