Được thu nợ nhưng không được cưỡng đoạt

Được thu nợ nhưng không được cưỡng đoạt
TP - Khác với những vụ ma túy hoặc băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp, hơn ba chục bị cáo của vụ án “thu nợ trái pháp luật” (tạm gọi như vậy) hầu hết chưa có tiền án tiền sự.
Được thu nợ nhưng không được cưỡng đoạt ảnh 1
33 bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: M.Thùy

Lê Anh Tuấn - Lê Anh Tiến là hai anh em ruột, mới vào làm lái xe cho Cty Cổ phần Thu nợ Phương Đông từ tháng Ba và tháng 4/2007 (hợp đồng thử việc ba tháng, mức lương 1,5 triệu đồng/tháng).

Tính đến khi vụ án được khởi tố (25/5/2007) hai anh em Tuấn - Tiến vẫn trong thời gian thử việc. Cả hai đều bị truy tố với hai tội danh “cưỡng đoạt tài sản” và “bắt giữ người trái pháp luật”, hành vi cụ thể của họ chủ yếu là lái xe đưa cán bộ, nhân viên Cty Phương Đông tới nhà các con nợ.

Bị cáo Phạm Mạnh Hùng nguyên là người bị oan trong vụ án “trộm cắp cổ vật” ở Bắc Giang. Tiền Phong từng có bài viết giải oan cho Hùng và các bị cáo trong vụ án đó.

Nhận quyết định đình chỉ điều tra của Công an tỉnh Bắc Giang ngày 13/2/2007, trong khi chờ được xin lỗi, bồi thường, Hùng mua báo về tìm đọc mục “tuyển nhân viên”, rồi mang hồ sơ đến nộp vào Cty Phương Đông. Cũng như hai anh em Tuấn - Tiến, Hùng bị bắt khi đang thời gian thử việc, ra tòa với hai tội danh “cưỡng đoạt tài sản” và “bắt giữ người trái pháp luật”.

“Chồng em bị bắt khi em đang mang bầu gần sáu tháng. Nghe chồng kể công việc ở Cty cứ phải dậm dọa con nợ mới lấy được tiền, em khuyên anh ấy nghỉ việc. Chưa tìm được việc mới thì lãnh đạo Cty gọi điện giục đi làm. Thế là bị bắt”, chị Lê Kim Dung (25 tuổi) vợ bị cáo Vũ Mạnh Toản, kể với PV Tiền Phong.

Trao đổi với PV, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án này đưa ra quan điểm: “Hầu hết bị cáo có nhân thân tốt. Động cơ, mục đích của họ khi vào Cty Phương Đông là có việc làm, có thu nhập. Đó cũng là động cơ lành mạnh. Khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thực tế họ đang thực hiện mệnh lệnh của giám đốc. Chúng tôi không kêu oan cho thân chủ nhưng chúng tôi sẽ đề nghị HĐXX xem xét cụ thể hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo. Theo chúng tôi, họ đáng được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ mà pháp luật quy định”. 

Luật sư Trịnh Trực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho hai anh em bị cáo Tuấn - Tiến nói thêm: “Cần đánh giá đúng số tiền Cty Phương Đông thu hồi của các con nợ và số tiền thực tế các bị cáo nhận được từ Cty Phương Đông. Đây là hai con số chênh lệch nhau rất lớn, trong khi con số trước lại quyết định khung hình phạt cho các bị cáo”.

Từ nhu cầu thu hồi nợ, khách hàng đến với Cty Phương Đông là hợp pháp. Cty Phương Đông (và nhiều Cty khác) đăng ký ngành nghề “dịch vụ thu nợ” và được cấp phép hoạt động, đáp ứng một nhu cầu thiết thực của xã hội. Tuy nhiên, pháp luật nghiêm cấm và xử lý nặng những hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để thu giữ tài sản người khác, đặc biệt là hành vi bắt giữ người trái phép.

Số đông nhân viên Cty Phương Đông không tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu này, để rồi đang từ người làm công ăn lương, lao động chủ chốt trong gia đình, họ đang chờ một mức hình phạt sẽ được TAND TP Hà Nội dự kiến tuyên vào tuần tới.

MỚI - NÓNG