Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc lĩnh án tử hình

Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc lĩnh án tử hình
TPO - Đúng 17h30 ngày 16/12, HĐXX TAND Hà Nội đã tuyên án tử hình hai bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, về các hành vi tham ô và cố ý làm trái.

> Dương Chí Dũng có thoát án tử hình?
> Vụ Dương Chí Dũng: Thơ và những giọt nước mắt
> Ông Bá Thanh bất ngờ dự tòa xử Dương Chí Dũng 

Theo đó, hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc cùng bị tuyên tử hình về tội tham ô; 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước  về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Tám bị cáo còn lại bị tuyên thấp nhất 4 năm, cao nhất 22 năm tù, cùng về các hành vi trên.

Trước đó, Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình đối với hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

Dương Chí Dũng và đồng phạm tại tòa nghe phán quyết. Ảnh: Bảo Thắng
Dương Chí Dũng và đồng phạm tại tòa nghe phán quyết. Ảnh: Bảo Thắng.

HĐXX xác định, những sai phạm tại Vinalines đã gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, làm mất lòng tin của nhân dân đối với bộ phận lãnh đạo cũng như làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của nền kinh tế.

Về căn bản, Tòa nhận định, quá trình xét xử, nhiều bị cáo không khai nhận thành khẩn, thậm chí không nhận tội.

Dẫn giải các bị cáo về lại Trại tạm giam
Dẫn giải các bị cáo về lại Trại tạm giam. Ảnh: Bảo Thắng

Trong vụ án, Dương Chí Dũng bị cáo buộc cùng đồng phạm đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.

Đồng tình nội dung truy tố trước đó của Viện KSND Tối cao, trong nội dung Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX cho rằng, bị cáo Dương Chí Dũng đóng vai trò chủ mưu, đã ký quyết định phê duyệt chủ trương, phê duyệt đầu tư Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước.

Với những nhận định tương tự, Tòa án khẳng định, bị cáo Mai Văn Phúc cũng là người đóng vai trò cầm đầu, đã ký tờ trình đề nghị Hội đồng quản trị phê duyệt chủ trương, phê duyệt đầu tư Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký hợp đồng, ký thanh toán tiền hợp đồng mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng.

Chủ tọa Ngô Thị Ánh tuyên đọc bản án. Ảnh: Bảo Thắng
Chủ tọa Ngô Thị Ánh tuyên đọc bản án. Ảnh: Bảo Thắng.

Trong hành vi tham ô, bị cáo Dũng cùng đồng phạm “đút túi” hơn 28 tỷ đồng, trong đó, ông Dũng và ông Phúc cùng được chia mỗi người 10 tỷ đồng.

Quá trình thẩm vấn cũng như tranh luận, rất nhiều luật sư đề nghị Tòa tuyên vô tội đối với các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc... Có luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vì cho rằng vụ án còn nhiều nội dung chưa được làm rõ.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, đây là những đề nghị không có căn cứ, do đó, không chấp thuận.

Diễn biến vụ án

Ngày 1/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng công ty Hàng hải, Vinalines.

Ngày 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines.

Cùng ngày, 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công khởi tố bị can với ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện và Trần Hải Sơn về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Lúc này, ông Dũng đã rời Vinalines được 2 tháng sau nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT để giữ chức Cục trưởng Hàng hải. Tuy nhiên, ông Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt vào ngày 18/5/2012. Đầu tháng 9/2012, ông Dũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế.

Ngày 25/9/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội Tham ô tài sản với các ông Dũng, Phúc, Sơn và Chiều.

Ngày 12/12/2013, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án 'Cố ý làm trái' và 'Tham ô tài sản' xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Theo Viết
MỚI - NÓNG