Gây hậu quả hơn 2 tỷ sẽ xử lý hình sự?

Gây hậu quả hơn 2 tỷ sẽ xử lý hình sự?
TP - Làm thế nào xác định chính xác tội danh của tội phạm chứng khoán? Tội phạm chứng khoán gây hậu quả hoặc thu lời bất chính bao nhiêu thì bị xử lý hình sự?

Đó là các nội dung được đưa ra tại Hội thảo về dự thảo Thông tư hướng dẫn BLHS xử lý các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Khó xác định tình tiết định tội

Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định 3 tội phạm về chứng khoán (Điều 181a- Tội Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; Điều 181b- Tội Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Điều 181c- Tội Thao túng giá chứng khoán).

Từ năm 2010 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện và xử lý 7 cá nhân có hành vi giao dịch nội gián, 27 cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán, xử phạt 300 triệu đồng.

Theo ông Trần Thanh, Điều tra viên cao cấp (Cơ quan ANĐT - Bộ Công an), từ khi BLHS có quy định loại tội phạm này, năm 2010, các cơ quan tố tụng mới chỉ điều tra, xét xử được một vụ Tổng giám đốc Cty Dược phẩm Viễn Đông Lê Văn Dũng cùng đồng phạm thao túng giá chứng khoán.

Cũng theo ông Thanh, do đây là loại tội phạm mới, CQĐT đang gặp nhiều khó khăn trong đấu tranh, nhất là làm thế nào xác định được tình tiết thu lợi bất chính, một trong những tình tiết định khung hình phạt và định tội đối với 3 tội danh trên.

“Do chưa có quy định, hướng dẫn về mức độ xác định tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “thu lợi bất chính”, nên thực tiễn điều tra gặp nhiều khó khăn.

Giữa cơ quan tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng, nhất là người bào chữa thường không nhất trí với mức độ xác định tình tiết này”- ông Thanh cho biết.

Bà Dương Tuyết Miên (ĐH Luật Hà Nội) còn cho rằng, Điều 181b BLHS có sự bất cập khi quy định về tình tiết định tội “có thể gây ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán”.

“Nhà làm luật đã mô tả không rõ ràng và mập mờ khi dùng từ có thể. Trong BLHS, không có điều luật nào khác có cụm từ này”- bà Miên nói.

Tránh hình sự hoá

Dự thảo Thông tư hướng dẫn BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán (Bộ Tư pháp soạn thảo) đã đưa ra một số tình tiết để định tội, định khung hình phạt.

Theo đó, dự thảo quy định, sẽ xử lý hình sự nếu tội cố ý công bố thông tin sai lệch có mức thu lời bất chính từ 200 triệu đồng trở lên; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và tội thao túng giá chứng khoán có mức thu lợi bất chính và gây hậu quả từ 1 tỷ đồng trở lên.

Theo ông Nhữ Đình Hoè (Tổng giám đốc Cty Chứng khoán Bảo Việt), các mức quy định như trong dự thảo là thấp, chỉ phù hợp áp dụng ở thời điểm năm 2000, khi đó các giao dịch có giá trị nhỏ, một phiên chỉ vài tỷ đồng.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, cho rằng, nếu quy định thấp sẽ dẫn tới tình trạng hình sự hoá các vi phạm hành chính, làm cho các nhà đầu tư không dám đầu tư.

Mặt khác, các sở giao dịch cũng sẽ kiểm soát không xuể, cơ quan điều tra cũng khó mà xử lý hết được. “Với mức gây hậu quả bằng vật chất hoặc thu lời bất chính dưới 2 tỷ đồng có thể dùng biện pháp xử lý hành chính, còn trên 2 tỷ đồng mới xử lý hình sự là đủ tính răn đe và ngăn ngừa vi phạm”- ông Vũ Bằng đề xuất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG