Gia Lai: Sai phạm của UBND xã Ia Ly đã rõ

Gia Lai: Sai phạm của UBND xã Ia Ly đã rõ
TP - Về bài báo: “Xã Ia Ly, huyện Chư Pah: Chặt cây chung lập quỹ riêng”, những sai phạm của UBND xã la Ly mà báo Tiền phong đã phản ánh là chính xác.
Gia Lai: Sai phạm của UBND xã Ia Ly đã rõ ảnh 1 Gia Lai: Sai phạm của UBND xã Ia Ly đã rõ ảnh 2 Gia Lai: Sai phạm của UBND xã Ia Ly đã rõ ảnh 3
Một số đơn thư tố cáo các sai phạm ở xã Ia Ly

Ngày 9/10/2006, báo Tiền phong nhận thư phản hồi của ông Hà Xuân Vượng - Chủ tịch UBND xã Ia Ly (Chư Pah, Gia Lai) thanh minh 3 nội dung mà báo Tiền phong đã nêu trong số báo 193 ra ngày 5/9/2006 và cho rằng “phóng viên báo Tiền phong đưa những tin chỉ mới nghe qua sự phản ánh của nhân dân, chưa tìm hiểu cụ thể làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của cán bộ nói chung và cá nhân tôi”.

Để ông Vượng và bạn đọc rõ hơn sự việc, chúng tôi chứng minh từng nội dung đã viết:

1 - Việc chặt phá cây xanh trên địa bàn xã Ia Ly: Số cây này được các đơn vị thi công Nhà máy thủy điện Ia Ly trồng trong nhiều năm để tăng độ che phủ, tạo bóng mát. Thế nhưng năm 2005, lãnh đạo xã Ia Ly đã tự ý chặt bán số cây này.

Báo cáo số 04/BC kết quả điều tra xác minh của Công an huyện Chư Pah (Gia Lai) đã khẳng định: “Việc UBND xã Ia Ly ký hợp đồng bán cây xanh trên là vượt quá thẩm quyền (trái với quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý kinh tế tài sản)...

Việc bán thanh lý số gỗ của UBND xã Ia Ly đã vi phạm vào Quyết định 4059 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đề xuất: Kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ Hạt Kiểm lâm, cán bộ Phòng Kinh tế, cán bộ UBND xã Ia Ly trong việc kiểm tra báo cáo sai sự thật số cây gỗ đã khai thác (thực tế đã khai thác 270 cây, chỉ báo cáo 50 cây)...

Yêu cầu cán bộ UBND xã Ia Ly liên quan đến việc chỉ đạo ký hợp đồng, giám sát việc khai thác cây gỗ kiểm điểm trách nhiệm tùy theo mức độ để có hình thức xử lý phù hợp”. 

Số cây này UBND xã Ia Ly báo cáo với cơ quan chức năng cắt tỉa song đã chặt trắng. Ông Vượng bảo cây đã đến tuổi khai thác gây ngã đổ là không đúng bởi đến nay số cây trồng cùng lúc khu vực Nhà máy thủy điện Ia Ly đang quản lý không cho UBND xã khai thác vẫn xanh tốt.

UBND xã cho rằng khai thác số cây này để mua đất nghĩa địa lại càng thiếu tính thuyết phục bởi tiền mua đất nghĩa địa đã có nhân dân đóng góp, tại diện tích nghĩa địa hiện nay phần lớn đất đang là rẫy cà phê có thu nhập đáng kể. Nghĩa địa hiện tại là do xã tự ý chỉ định mà chưa có quy hoạch.

2 - Việc cho dỡ lều của ông Phan Văn Cử: Ông Vượng nêu: “Ông Cử đã vi phạm cam kết, lén lút xây dựng móng nhà trong khu đất ông đang tạm mượn để dựng lều ở. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, lấn chiếm đất trái phép buộc phải xử lý tháo dỡ, chứ không phải như nội dung bài báo nêu”.

Sự thật ông Cử chưa từng “đào móng xây nhà”, hiện nay ông Cử vẫn ở trong túp lều dựng tạm bằng những que gỗ, xung quanh che bạt, trên lợp tôn, thấp lè tè.

3 - Về việc ông Rơ Chăm Vik tố cáo ông Vượng lấy 500.000 đồng mới chịu ký giấy xác nhận, ông Vượng nêu: “Tôi đề nghị Tổng biên tập báo Tiền phong xem xét lại nội dung mà phóng viên báo đã nêu khi các cơ quan chức năng chưa có kết luận việc tôi có nhận hay không nhận tiền của ông Vik”.

Về vấn đề gây phiền hà cho dân mỗi khi có việc phải ký các giấy tờ, từ nhiều năm nay chúng tôi nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo hành vi này của ông Hà Xuân Vượng.

Ví dụ như đơn của ông Nguyễn Doãn Hán tố cáo ông Vượng nhận 300.000 đồng của ông Ngọc để ký giấy tờ; đơn của ông Hồ Đức Kiểm tố cáo ông Vượng nhận của gia đình ông 2 lần tiền một lần 500.000 đồng và một lần 1 triệu đồng mới chịu ký giấy tờ đất...

Riêng trường hợp ông Vik, ngoài đơn tố cáo của cá nhân ông Vik, còn có đơn tố cáo của hơn mười người. Một nhân chứng khẳng định, sau khi sự việc đổ bể ông Vượng đề nghị họ giúp mang số tiền 500.000 đồng trả lại cho ông Vik, song người này đã từ chối.

Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, ngày 23/11 ông Hà Xuân Vượng đã thừa nhận trước cơ quan điều tra: Đã nhận số tiền 500.000 đồng mà ông Vik đã “bồi dưỡng”.

MỚI - NÓNG