Giả mạo giấy tờ nhà đất, chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng

Hai bị cáo An và Hải
Hai bị cáo An và Hải
TPO - Tin lời Hải khoác lác có hơn 200m2 đất làng nghề, chị Mười giao gần 10 tỷ đồng cho văn phòng nhà đất của Hải và sau đó phát hiện giấy tờ lô đất trên giả mạo.

Ngày 13/5, TAND TP Hà Nội mở tòa xét xử theo trình tự sơ thẩm hình sự đối với Ngô Xuân An (SN 1983) và Phạm Xuân Hải (SN 1972) cùng ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, tháng 1/2012, cơ quan chức năng nhận được đơn của chị Nguyễn Thị Mười (ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), tố cáo hai “siêu lừa” nói trên chiếm đoạt 9,6 tỷ đồng, thông qua việc mua đất ở làng nghề Vạn Phúc.

Qua điều tra được biết, tháng 3/2011, thông qua mối quan hệ quen biết, chị Mười đến văn phòng Công ty cổ phần bất động sản Hà Đông (thuộc phường Vạn Phúc) gặp Ngô Xuân An nhờ mua đất.

Tại văn phòng, chị Mười gặp Phạm Xuân Hải và được Hải giới thiệu 'hiện có 225m2 đất làng nghề, giá từ 40 đến 43 triệu đồng/m2'. Tin lời Hải 'chém gió', chị Mười đã 4 lần mang tổng cộng 9,6 tỷ đồng nộp tại văn phòng nhà đất này. Ngoài ra, mỗi lần mang tiền vào nộp, chị Mười đều gọi điện trước cho Hải và được dặn: “Cứ mang vào nộp, nếu Hải không có ở văn phòng thì nộp cho vợ chồng An cũng được”.

Tháng 6/2011, An gọi chị Mười tới văn phòng và giao bộ giấy tờ nhà đất. Hai tháng sau, do có nhu cầu sử dụng vốn, chị Mười mang bộ hồ sơ này lên gặp Hải để nhờ bán lại thì vỡ lẽ đây là bộ giấy tờ giả do An tự lập.

Mặc dù vụ án đã đưa ra xét xử nhiều lần, song, đều chưa thể ra phán quyết bởi còn nhiều nội dung chưa được làm rõ.

Ở phiên xử ngày 13/5, luật sư Nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho bị cáo Hải) tiếp tục đưa ra hàng loạt những tình tiết, như việc có hay không nội dung trao đổi giữa chị Mười và Hải trước mỗi lần chị này mang tiền đến nộp cho An, nhằm làm rõ tính đồng phạm trong vụ án… 

Sau phần hội ý, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.