Giấc mơ "kho báu" của người đàn bà cô độc

Giấc mơ "kho báu" của người đàn bà cô độc
Đùng một cái, bà Bảy được Công an huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, tuyên trả lại bức tượng nải chuối 12 trái, nặng 2,8 kg và tượng ngựa nặng 31 kg đều bằng kim loại màu vàng bị thu giữ từ năm 2001.
Giấc mơ "kho báu" của người đàn bà cô độc ảnh 1

Sau 5 năm, những cuộc điều tra, giám định của cơ quan chức năng đã cho thấy những món đồ trên hoàn toàn không phải là vàng hay kim loại quý, không phải “cổ vật”, cũng chẳng có giá trị gì về văn hóa lịch sử nên chúng đã được tuyên trả lại cho bà Bảy.

Thoát khỏi cái án buôn bán mặt hàng Nhà nước cấm kinh doanh, bà Bảy lại xoay mòng mòng với những rắc rối nảy sinh từ những lời đồn đại. Người nhẹ dạ, trong đó có chính bà, cứ đinh ninh những hiện vật trên là vàng ròng.

Thì ra bao nhiêu năm qua người đàn bà ấy đã ngủ trên cả một “kho báu” mà không ai hay biết. Trí lượng dân dã và những giấc mơ kém hiểu biết phủ lên cuộc đời lam lũ của bà Bảy cả một vầng hào quang sáng chói.

Ngược lại, không ít kẻ độc mồm thì đoan quyết rằng chẳng vàng bạc châu báu gì sất, tất tật chỉ là một kịch bản lừa đảo mà trong đó bà Bảy nếu không là tác giả thì cũng là diễn viên chính! “Chạy ngả nào? Đừng chạy ngả nào?”, vừa thắc thỏm hy vọng, vừa sợ hãi, người đàn bà tội nghiệp cứ bấn xúc xích cả lên.

Cơ khổ! Thuộc loại người thật thà như đếm phải tội hay đếm lộn, bà Bảy nào đã dám lừa ai, cũng chẳng dám tưởng tượng gì cao xa cho lắm. Cuộc đời bà chỉ là một chuỗi dài những năm tháng nhọc nhằn.

Thuở nhỏ, gia đình bà Bảy rất nghèo. Bà Bảy sinh năm 1952, học chưa xong lớp 3, học chưa xong lớp 3, đã phải đi ở đợ bồng em 7 năm liền cho gia đình ông chủ hãng nước mắm Hồng Sanh ở Phan Thiết.

Năm 1967, cha mất, bà trở về nhà làm nghề trồng hành chạy chợ phụ mẹ nuôi một đàn em lít nhít. Một năm sau, cô Bảy lấy chồng, anh nông dân Trần Văn Sang ở cùng làng. Giấc mơ con của vợ chồng cô lớn dần lên cùng ruộng rẫy và đàn trâu bò cứ đông dần cùng năm tháng.

Sau 6 lần sinh nở, nhan sắc của cô Bảy đã trở nên tàn tạ, lại thêm cái sự cứ phải suốt ngày cắm mặt với luống hành nên mắt mũi cô lúc nào cũng kèm nhèm.

Anh chồng của cô Bảy vốn cộc cằn, vũ phu, nhìn cái dáng lọ mọ, lam lũ và nước da đen đúa của vợ mình là... thấy ghét, là không chịu được. Khó chịu thì đánh. Một lần, hai lần rồi nhiều lần...

Đánh thì chạy, có sao đâu. Cô Bảy cứ im lặng chịu đựng, không cãi lại, cũng không chịu ra tòa sợ mang tiếng bỏ chồng. Sự nhịn nhục của vợ càng khiến anh chồng điên tiết.

Một lần vào đầu năm 1990, cô Bảy chạy không thoát, bị anh chồng túm được bóp cổ trào máu họng. Đến đó thì cô quá sợ, đành chấp nhận ký đơn ly dị.

Ngày 20/4, cô đành sắp tay nải bước ra khỏi nhà, dựng một túp lều giữa vùng đất um tùm cỏ dại nép lưng vào động cát do một người cháu họ xa nhượng lại với cái giá hồi công khai hoang rẻ như bèo chỉ nửa chỉ vàng.

Tòa xử phân chia tài sản, phần cô được đôi trâu, 17 con bò, chiếc cũi cá (gạc măngrê), chiếc tủ đứng... Anh chồng sở hữu căn nhà, chiếc xe máy và nửa bầy bò còn lại.

Cô Bảy chưa kịp nhận phần của mình thì anh chồng dắt hai đứa con nhỏ đến bảo: “Cô ở một mình lấy của làm gì, mai mốt cũng cho trai ăn hết. Tôi còn 6 đứa con, để của lại đó tôi nuôi tụi nó!”.

Chuyện cho con trai, cô Bảy bảo “hồi sau sẽ rõ”, có điều cô thương con nên thấy anh chồng nói vậy thì nghe, chỉ ra đi với hai bàn tay trắng. Chưa sung sướng bao giờ, người đàn bà bị chồng con ruồng bỏ cũng chẳng hề biết rằng đời mình thậm khổ.

Bị đau đầu kinh niên, không ngủ được, tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 Âm lịch) năm 1990, cô Bảy xách liềm ra bụi chùm bao (miền Bắc gọi là lạc tiên) tính hái mớ lá về sắc nước uống cho dễ ngủ.

Tiếc mớ rễ chùm bao, cô Bảy cố sức nhổ. Túm  rễ bật lên, lôi theo cả một nải chuối  12 trái bằng kim loại màu vàng. Nghe như đoạn mở đầu của một trang cổ tích, người đàn bà bần hàn vội xách cuốc ra đào và nhặt được thêm một bức tượng hình con ngựa cũng màu vàng.

Run lên bần bật, cô Bảy vội đưa hai “báu vật" về nhà giấu vào xó giường và vơ hết mùng mền phủ lên trên để đừng ai trông thấy.

“Được của” vẫn chẳng thấy sung sướng vào đâu, chỉ toàn thấy bi kịch đè lên bi kịch. Hơn 10 năm liền sau đó, đinh ninh những bức tượng mà mình đào được là vàng, cô Bảy, giờ đã già sọm đi thành bà Bảy hầu như chẳng dám đi đâu ra khỏi mảnh vườn, túp lều quá lâu, sợ khi vắng nhà “báu vật “của mình bị kẻ bất lương cuỗm mất.

Thế nhưng, sự bất lương lại không mò vào nhà khi bà đi vắng mà đàng hoàng đi cửa trước, do chính sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của bà Bảy rước vào.

Giấu nhẹm tất cả mọi người nhưng lòng vẫn day dứt không yên, cuối cùng bà Bảy cũng phải thổ lộ cho một người khác biết chuyện. Người này tên là Võ Huỳnh Huân, người ở thị trấn Phú Long, làm nghề chạy xe ôm.

Những ngày bị Tòa án triệu tập xét xử vụ ly hôn, bà Bảy thường đi nhờ xe của gã ra Tòa. Nghe chuyện và được bà Bảy cho xem tận mắt nải chuối, con ngựa, Võ Huỳnh Huân bảo bà: “Phải mời thầy về cúng trả lễ thôi, nếu không thì tai bay vạ gió, không chừng bị thần thánh vật chết”. Run như cầy sấy, bà Bảy bèn năn nỉ gã giúp đỡ chuyện tìm thầy.

Không hiểu giá thật các loại thần thánh tính bao nhiêu, nhưng gã thanh niên mà Võ Huỳnh Huân giới thiệu là “một ông thầy rất cao tay rước tận Sông Pha, Ninh Thuận” về.

Hắn khẳng định rằng, chắc giá cứ phải là một cây tư, bà Bảy mới mong giải hạn. Đầu óc mê muội, người đàn bà khốn khổ không dám cò kè mặc cả với thánh thần, vội vay mượn và nộp đủ 14 chỉ vàng để hai gã cúng tạ giúp! 

Để các “thầy” cúng cho chính xác, bà vội chỉ cho họ nơi đào được nải chuối, con ngựa. Ngay đêm đó, hai gã này trùm áo mưa kín mít vác cuốc đến hì hục đào.

Bị bà Bảy phát hiện, cả hai bỏ chạy mang theo một lư hương và một chiếc lọ độc bình vừa đào được.

Sợ bị lừa thêm lần nữa, bà Bảy hì hụi một mình xới tung cả mảnh vườn lên và nhặt được thêm một số đồ vật khác gồm một bức tượng người ngồi xếp bằng, một chiếc đĩa, một quày cau 6 quả và 3 lá trầu được chế tạo bằng cùng một chất liệu với nải chuối và con ngựa, tất cả nặng chừng một tạ.

 Đào một cái hố ngay bên góc nhà, bà chôn tất cả kho báu xuống, lấy lá khô phủ lên, lòng ngay ngáy lo bị ai đó phát hiện và cuỗm mất.

Trẻ thời làm mướn, khi có khi không, sống bữa no bữa đói nhưng bà Bảy cũng không hề dám đem “báu vật” ra bán. Khi sức lực đã cạn, bà thôi làm mướn sống lắt lay cùng luống hành, mấy gốc mãng cầu còi cọc và vạt bầu bí bò loằng ngoằng trong vườn, dây nhiều hơn quả.

Đầu tháng 11/2001, trồng hành lỗ vốn, nợ chồng chất, không còn cách nào khác, bà Bảy đành đào con ngựa và nải chuối lên nhờ bà Nguyễn Thị Muộn, một tiểu thương bán vải ở chợ Phan Thiết từng có thời gian buôn bán đá quí, tìm mối bán giúp...

Bà Muộn, ông Võ Long và một người tên Khuya, em trai bà Muộn đã dắt ông Mến, một người buôn đồ cổ ở khu vực đường Lê Công Kiều. Q.I, TP HCM tìm đến.

Sau nhiều lần tận mắt xem xét hiện vật và cưa chân ngựa cùng một mảnh nải chuối đem về phân kim thử, bên mua tự đánh giá rằng những bức tượng nói trên không phải là vàng mà được đúc bằng “nguyên liệu đồng 3 (?)”.

Căn cứ trên con số 1412 đúc nổi bên hông con ngựa, họ cho rằng hai món đồ này là cổ vật thế kỷ XV. Bà Bảy đã đồng ý bán ngay 2 bức tượng này khi nghe ông Mến trả 35 cây vàng.

Chiều ngày 6/11/2001, ông Mến nhận hàng và thanh toán tiền cho bà Bảy bằng đôla Mỹ. Vì không rành ngoại tệ, bà Bảy đã yêu cầu quy ra vàng trả cho bà đủ 35 lượng.

Cả ba bên đến tiệm vàng Võ Lực - Út Minh, ông Mến giao đủ tiền cho tiệm vàng để tiệm quy ra vàng trả cho bà Bảy. Không đủ vàng, tiệm đưa trước cho bà 30 lượng, số còn lại hẹn hôm sau đến lấy.

Theo thỏa thuận, bà Bảy trả công dắt mối cho bà Muộn, ông Long 7 lượng vàng, 3 lượng còn lại bà sẽ giao đủ sau khi đã nhận nốt 5 cây còn lại từ chủ tiệm.

Đêm hôm đó bà Bảy đã thức trắng, sung sướng mơ một cuộc sống sung túc,  không tin nổi với bọc vàng dồn trong túi vải đang thật sự kè kè đeo ở bên mình. Ngay lập tức, bà bán 4,5 lượng trả ngay nón nợ 17 triệu tiền hành giống.

Sáng hôm sau, đúng hẹn, bà Bảy lần đường lên Phan Thiết để lấy nốt 5 lượng vàng còn lại. Nhưng tại nhà ông Võ Long, bà Muộn và ông Long đã giật lại số vàng bà đã nhận từ hôm trước, lúc đó bà Bảy vẫn mang theo bên mình bởi họ cho rằng đã bị người đàn bà này lừa, bán cho họ những món hàng bằng vàng giả.

Lời kêu cứu vì bị “cướp vàng” của bà Bảy đã khiến Công an phường Đức Thắng phải can thiệp, thu giữ 239,76 chỉ vàng bà Bảy mang theo, 5 lượng vàng do tiệm vàng Võ Lực - Út Minh giao nộp, cùng nải chuối và con ngựa.

Sau đó, toàn bộ vụ việc cùng tang vật đã được chuyển giao cho Công an huyện Hàm Thuận Bắc giải quyết.

Sau hàng loạt khiếu nại của bà Bảy, ngày 13/11/2003, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã ra quyết định phạt hành chính bà 1 triệu đồng “về hành vi mua bán hàng hóa Nhà nước cấm kinh doanh”, đồng thời tịch thu hai món đồ bà đã bán lẫn  số vàng bà đã nhận.

Lo sợ “kho báu” bị tịch thu hết, bà Bảy tức tốc đào những “cổ vật” còn lại đem gửi nhờ người quen mỗi nơi một món, đồng thời tiếp tục nhờ người viết đơn khiếu nại.

Tiện thể, trong đơn bà cũng tố cáo luôn việc bị Võ Huỳnh Huân lừa lấy mất chiếc lư hương và chiếc lọ độc bình để cho cơ quan luật pháp thu giữ luôn. Riêng về 14 chỉ vàng đưa cho Huân để trả công thầy cúng thì bà không đề cập.

Dùng dằng hơn 3 năm, Hội đồng giám định thuộc Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin mới kết luận: “Bốn hiện vật trên không phải là cổ vật mà đều là những hiện vật mới, không có giá trị về lịch sử nghệ thuật”.

Bà Bảy đã không vướng vào hành vi mua bán cổ vật. Con ngựa và nải chuối lại được trao trả lại cho bà. Thay cho niềm vui, bà Bảy lại ngay ngáy lo chuyện bị chồng con trách móc vì “đào được của mà không chịu nói, chỉ giữ ăn một mình”.

Vụ việc đã được kết luận và giải quyết nhưng vẫn chưa thật sự kết thúc. Bà Bảy không vi phạm pháp luật pháp nghĩa là việc giao dịch dân sự giữa người bán 2 hiện vật với người mua phải được thừa nhận.

Trong trường hợp đó, số vàng đã bị tịch thu lẫn số vàng cơ quan chức năng thu giữ từ tiệm vàng Võ Lực - Út Minh phải được giao lại cho bà Bảy, còn con ngựa và nải chuối phải được giao lại cho bên mua là ông Mến, bởi lẽ trước khi bị thu giữ, quan hệ mua bán của đôi bên là tự nguyện và đã hoàn tất.

Thế nhưng, thực tế vụ việc đã không diễn ra như thế. Mặt khác, trước khi mua, ông Mến – người mua đã xem xét hiện vật nhiều lần và thử nghiệm kỹ lưỡng. Là một chuyên gia buôn bán đồ cổ, hiển nhiên ông Mến không thể bị lừa khi đồng ý mua với giá 35 cây vàng.

Vả chăng, nếu có yếu tố lừa đảo, sau gần 5 năm điều tra, bà Bảy chắc chắn đã bị luật pháp xử lý, thay vì đem trả lại hiện vật.

Cũng từ nội dung tố cáo của bà Nguyễn Thị Bảy, cơ quan luật pháp mới phát hiện và thu giữ được chiếc lư hương và chiếc lọ độc bình mà Võ Huỳnh Huân đã đào được trong vườn bà Bảy để đem đi giám định.

Việc sau đó cơ quan luật pháp đã trả chúng lại không phải cho bà Bảy mà cho ông Võ Huỳnh Huân cũng khiến cả người trong cuộc lẫn người biết chuyện thắc mắc không ít.

Chưa hết, bà Bảy vẫn bán tín bán nghi, rằng có khả năng bà đã bị những người liên quan lừa và đánh tráo những món đồ. Theo bà, con ngựa và nải chuối được trả vàng bóng, sáng rực, “quá mới” so với lúc mới đào có màu đen xỉn.

Bà đã đồng ý cho chúng tôi xem một lá trầu trong nhóm hiện vật mà mình còn cất giấu. Chúng có màu đồng, hơi cũ, đã bị teng trên bề mặt, hoa văn đơn giản và không tinh xảo.

Theo bà, con ngựa, nải chuối trước đây cũng có màu y như vậy. Cả lư hương và lọ độc bình mà cơ quan chức năng đã thu giữ rồi trả lại cho Võ huỳnh Huân cũng chưa chắc đã đúng những chiếc cũ.

Bà Bảy khẳng định, khi bị bà phát hiện, chiếc độc bình mà Võ Huỳnh Huân và tay thầy cúng đào lên có miệng loe thành hình một bông hoa bốn cánh. Thế nhưng, “cổ vật” mà Huân nộp cho Cơ quan điều tra để giám định lại được chế tạo từ một vỏ đồng của... đạn pháo 105 ly!

Ngoài ra, việc cơ quan giám định không đưa ra kết luận cụ thể về thành phần kim loại của những đồ vật vẫn nhen nhóm trong lòng bà Bảy lẫn những người liên quan một ngọn lửa dai dẳng của niềm hy vọng.

Họ vẫn tin rằng, đó đích thực là những “báu vật” đầy giá trị. Người đàn bà nghèo vẫn khư khư ấp ủ một hy vọng đổi đời, vẫn đang bí mật nhưng ráo riết tìm người mua để bán, “được bao nhiêu thì được, cho đỡ khổ”.

Hình như đã có người định mua “kho báu” ấy với giá ve chai đồng nát, trả mua toàn bộ khoảng một tạ đồng với giá... 1 triệu đồng.

Hiện thực đã không lấp lánh và huy hoàng như huyền thoại. Dù sao, chúng tôi vẫn mong có sự quan tâm đúng mức, kịp thời và đầy đủ của chính quyền địa phương và những cơ quan chức năng có liên quan, để mọi việc sớm chấm dứt thật sự.

Kho báu, cổ vật, huyền thoại... tất cả những khái niệm ấy quá xa lạ và hoàn toàn không thích hợp với cuộc sống cơ hàn của một người đàn bà bị chồng con ruồng bỏ.

Điều mà bà Bảy thật sự cần  là được dứt khỏi cơn mê để trở về với cuộc sống yên bình bên luống bầu đang ra hoa và những tán mãng cầu sắp đâm chồi nảy lộc.

Theo Nguyễn Hồng Lam
CAND

MỚI - NÓNG