Giải cứu nhóm trẻ bị 'bán sống'

Giải cứu nhóm trẻ bị 'bán sống'
Chủ xưởng may gần như biến các em nhỏ thành công cụ làm việc bất kể giờ giấc. Từ thông tin bạn đọc tên Tiến báo có người cháu đang làm công và bị chủ cơ sở may ở Q.Bình Tân (TP.HCM) nhốt không cho ra ngoài, công an Q.Bình Tân đã hỗ trợ giải cứu nhóm trẻ đang bị bóc lột sức lao động ở đây.

Giải cứu nhóm trẻ bị 'bán sống'

> 'Đột kích' hang ổ bọn 'buôn người'
> Bóc gỡ đường dây buôn bán trẻ sơ sinh

Chủ xưởng may gần như biến các em nhỏ thành công cụ làm việc bất kể giờ giấc. Từ thông tin bạn đọc tên Tiến báo có người cháu đang làm công và bị chủ cơ sở may ở Q.Bình Tân (TP.HCM) nhốt không cho ra ngoài, công an Q.Bình Tân đã hỗ trợ giải cứu nhóm trẻ đang bị bóc lột sức lao động ở đây.

Ba trẻ vị thành niên vừa được giải thoát khỏi cơ sở may gia công ở quận Bình Tân (TP.HCM). Ảnh: Đức Tuyên
Ba trẻ vị thành niên vừa được giải thoát khỏi cơ sở may gia công ở quận Bình Tân (TP.HCM). Ảnh: Đức Tuyên (Tuổi Trẻ).

Đó là cơ sở may gia công đặt tại số 59/18 đường số 8, khu phố 16, phường Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân của ông chủ Hoàng Bá Bùi. Tìm đến đây, chúng tôi phát hiện ba học sinh lớp 9D Trường THCS Nguyễn Tất Thành (xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, Phú Yên) được cho là “mất tích” từ tháng 10-2010 cũng đang làm việc tại cơ sở may này.

Ba em học sinh đang phải ngày đêm quần quật làm việc tại cơ sở may của ông Bùi là Trần Minh Hoàng, Phan Tấn Hợp và Phạm Trường Hận (cùng 15 tuổi), đang được Công an tỉnh Phú Yên thông báo truy tìm trên toàn quốc.

Bị “bán sống” ở bến xe miền Đông

Theo thông tin em Trần Minh Hoàng cung cấp, ngày 12-10-2010, sau khi tan học buổi sáng, Hoàng, Hợp và Hận (cùng ngụ thôn Mỹ Lệ, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) rủ nhau bắt xe đò vào TP.HCM để tìm việc làm theo một số người rủ rê trước đó.

Khi đến bến xe miền Đông, ba em đang lơ ngơ chưa biết về đâu thì được một người đàn ông chạy xe ôm đến bảo chở đi tìm việc làm. “Chú ấy nói sẽ đưa ba đứa đi làm công nhân tại một cơ sở may, họ vừa bao ăn ở và được trả lương nữa. Sau đó, chú ấy kéo cả ba đứa lên xe máy chở đi” - Hoàng kể lại.

Sau đó Hoàng được đưa về một ngôi nhà cấp bốn để ở, còn Hận và Hợp được đưa ngay đến cơ sở may của ông Bùi (lúc này đang ở khu vực chợ Tân Hương, Q.Tân Phú). Theo lời khai ban đầu của bà Nguyễn Thị Thường (vợ ông Bùi): “Do các cháu có mong muốn ở cùng nhau nên tôi đón cháu Hoàng làm việc cùng với Hận và Hợp”.

Bà Thường thừa nhận thông qua sự giới thiệu của một chủ cơ sở may khác, gia đình bà đã quen với người chạy xe ôm tại bến xe miền Đông - người đã đón cả ba cháu Hoàng, Hợp, Hận. Hỏi bà Thường trả bao nhiêu khi được người chạy xe ôm đưa lao động tới thì bà không trả lời mà lái qua chuyện khác.

Ba trẻ em tại Phú Yên được cho là mất tích Hận, Hợp, Hoàng phải làm việc quần quật trong xưởng may. Hợp (giữa) đang lên cơn đau. Ảnh: Đức Tuyên
Ba trẻ em tại Phú Yên được cho là mất tích Hận, Hợp, Hoàng phải làm việc quần quật trong xưởng may. Hợp (giữa) đang lên cơn đau. Ảnh: Đức Tuyên (Tuổi Trẻ).

Làm việc thâu đêm suốt sáng

Hôm nay 3 trẻ ở Phú Yên được về nhà

Chiều 15-4, Công an P.Bình Hưng Hòa A cho biết, ba em Hoàng, Hợp, Hận được đơn vị này lo chỗ ở trong tối 15-4. Sang ngày 16-4 Công an tỉnh Phú Yên và người nhà của ba em vào tiếp nhận và đưa ba em về gia đình.

Các trường hợp còn lại đang chờ các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng pháp luật.

Nhắc lại những ngày khổ cực ở cơ sở may, em Phạm Trường Hận kể: “Một ngày làm việc của tụi cháu bắt đầu từ 7h-12h nghỉ trưa, 13h30 lại làm việc tiếp đến 19h nghỉ ăn cơm tối, sau đó lại làm việc đến 23h. Hôm nào có hàng nhiều phải làm đến tận 0h mới được đi ngủ. Cơm ông chủ bao ăn ngay tại nhà nên tụi cháu không được ra ngoài. Tết vừa rồi mới được con của ông chủ đưa ra ngoài chơi một lần. Mà cũng chỉ ra tiệm Internet ở đầu hẻm chơi một tí rồi về”.

Ông chủ cơ sở may Hoàng Bá Bùi cũng thừa nhận đã quy định giờ làm việc của các em đúng như lời Hận kể.

Ông Bùi phân bua: “Thế nhưng, những lúc ít hàng các cháu cũng được nghỉ ngơi và chúng tôi có ký hợp đồng lao động hẳn hoi với các cháu, mỗi cháu được trả lương 12,5 triệu đồng/hai năm. Và các cháu phải làm hết đúng hai năm mới được trả lương một lần, nếu bỏ việc trước không nhận được đồng lương nào...”.

Trong ba em thì Phan Tấn Hợp đã có dấu hiệu bệnh rất nặng. Khi gặp chúng tôi, đôi mắt Hợp thâm quầng, đờ đẫn, người rũ như tàu lá chuối héo. Lâu lâu, Hợp lại ôm đầu kêu đau nhức, khóc lóc, gào thét rồi đập đầu xuống nền nhà.

Bà Nguyễn Thị Thường chỉ vào Hợp, nói như quát: “Nó bị ma ám, quỷ nhập hồn từ tết tới giờ, báo hại tôi phải đưa tới các thầy lang, chùa chiền để chữa bệnh nhưng chưa thấy đỡ...”.

Không chỉ ba em

Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi đã liên hệ với Công an Q.Bình Tân để tìm hiểu về vụ việc này. Công an quận đã chỉ đạo Công an phường Bình Hưng Hòa A lập đoàn liên ngành kiểm tra cơ sở may của ông Bùi.

Khi đến kiểm tra, ngoài ba em học sinh ở Phú Yên, lực lượng chức năng đã phát hiện tại cơ sở may này còn sử dụng tám lao động khác. Trong đó, có thêm ba lao động đang ở độ tuổi vị thành niên cùng có địa chỉ thường trú tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông là Trần Quốc Vương (14 tuổi), Hoàng Quốc Truy và Trần Văn Bảo (đều cùng 15 tuổi).

Sau khi lập biên bản về vi phạm trong việc sử dụng lao động trẻ vị thành niên, Công an phường Bình Hưng Hòa A đã mời ông Hoàng Bá Bùi về trụ sở lấy lời khai. Riêng ba em Hoàng, Hợp, Hận cũng được đưa về đây để các em trình bày vụ việc.

Trưởng Công an phường Bình Hưng Hòa A Nguyễn Tấn Phát cho biết, trước mắt đang điều tra để làm rõ những sai phạm đối với chủ cơ sở may Hoàng Bá Bùi.

“Chúng tôi cũng báo vụ việc lên các cấp có thẩm quyền để chờ chỉ đạo, có ý kiến giải quyết và sẽ có kết luận trong những ngày tới...” - ông Phát nói.

Theo Đức Tuyên
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG