Giải mã các sát thủ tuổi teen

Giải mã các sát thủ tuổi teen
TP - Hôm qua, Công an Hà Nội đã phát lệnh truy nã nhóm đối tượng dùng súng truy sát trên phố Xã Đàn khiến một cô gái trẻ tử vong hôm 28-4. Đây là một trong những vụ gây án hết sức manh động, liều lĩnh xảy ra thời gian gần đây, đối tượng gây án phần lớn là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ.
 Nhóm đối tượng gây án trên phố Xã Đàn đang bị truy bắt
Nhóm đối tượng gây án trên phố Xã Đàn đang bị truy bắt.

Truy sát như phim

Trong nhóm này, 3 đối tượng bị Công an quận Đống Đa ra lệnh bắt khẩn cấp và truy nã về hành vi giết người gồm: Đồng Cao Cường (SN 1983, tức Cường “hổ”, quê Bắc Ninh), Lưu Quang Đức (SN 1987, quê Hà Nam), Nguyễn Mạnh Cường (SN 1989, ở Hải Phòng).

Hai đối tượng khác trong nhóm này bị ra lệnh bắt về hành vi không tố giác tội phạm là Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1991, ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) và Nguyễn Quang Anh (SN 1977, ở Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa).

Trước đó, khoảng 23 giờ 45 ngày 28-4, chị Nguyễn Thị Liên (SN 1991) cùng Nguyễn Quang Anh, Phạm Thanh Tùng (tức Tùng “con”, SN 1991, ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) và Phạm Quốc Anh (SN 1993, em trai Tùng) đi xe taxi của hãng Thành Công do anh Bùi Mạnh Quân điều khiển. Đến trước số nhà 488 phố Xã Đàn, có khoảng 9 đối tượng đi trên 4 xe máy chặn đầu xe taxi, dùng súng bắn thẳng vào đầu chị Liên khiến nạn nhân tử vong. Lái xe taxi cũng bị đạn làm rách da đầu, hở hộp sọ…

Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân dẫn đến vụ truy sát trên do chị Liên nợ tiền của nhóm Cường, Đức. Hiện Nguyễn Ngọc Ánh đã bị bắt giữ. Công an đang khẩn trương làm rõ và truy bắt các đối tượng còn lại trong nhóm sát thủ.

Cũng liên quan đến lối hành xử côn đồ “như trong phim” của giới trẻ, mới đây, tại Phòng cấp cứu của Bệnh viện Việt – Tiệp (Hải Phòng) xảy ra vụ truy sát bằng dao kiếm, gây náo loạn bệnh viện. Công an Hải Phòng cho biết, đã khoanh vùng được 2 nhóm đối tượng và đang truy bắt.

Ngày 2-5, Công an Vĩnh Phúc cũng đã khởi tố, bắt giữ nhóm thanh niên gây án bằng súng hoa cải. Theo đại úy Trần Quang Tùng Khánh, Đội phó Điều tra trọng án - Công an Vĩnh Phúc, xuất phát từ va chạm nhỏ, Hùng Quốc Việt (SN 1993, ở huyện Tam Dương) đã gọi 5 chiến hữu đi tìm anh Cao Quý (trú cùng huyện) để trả thù.

Khoảng 23 giờ đêm 27-4, thấy anh Quý đang uống bia ở một quán ăn ven đường, Việt cùng nhóm bạn lao vào đâm chém, rút súng hoa cải bắn anh Quý tử vong tại chỗ.

Giải mã

Là một điều tra viên kinh nghiệm, từng xử lý hàng trăm vụ trọng án, đại úy Trần Quang Tùng Khánh cho rằng, xét về lứa tuổi, đối tượng trong các vụ trọng án thường còn rất trẻ, dễ manh động, dễ bị lôi kéo và luôn tồn tại tư tưởng “tâm lý đám đông” nên rất dễ gây trọng án dù chỉ từ những xích mích cỏn con.

Cũng theo ông Khánh, một bộ phận thanh niên mới lớn bắt đầu xuất hiện tình trạng “đa quan hệ” với nhiều mối quan hệ phức tạp, chồng chéo, dễ tụ tập thành băng nhóm, thích ăn chơi quậy phá, thể hiện bản lĩnh. Trong khi đó, việc quản lý của gia đình, nhà trường với các em lại lỏng lẻo. Không ít vụ án xảy ra, nhiều bậc cha mẹ mới ngã ngửa người, bởi trước đó họ chỉ biết đến con mình là đứa trẻ hiếu học, ngoan ngoãn.

Ngoài ra, theo một điều tra viên, chỉ với dăm bảy triệu đồng, qua một số mối quan hệ xã hội, các đối tượng có thể sở hữu một khẩu súng tự chế, hoặc súng quân dụng nhập lậu. Khi bị bắt giữ, nhiều thanh thiếu niên khai lận lưng súng để… phòng thân!

Bổ sung cho những phân tích trên, ông Nguyễn Duy Lãm, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, ở Việt Nam, bộ môn Giáo dục công dân được coi là môn học định hướng cho giới trẻ trong cách hành xử lại chưa bao giờ được đưa vào thành môn thi tốt nghiệp. Điều này cho thấy đây là môn học chưa thật sự được quan tâm(?).

“Sự phối kết hợp lỏng lẻo giữa gia đình, nhà trường cùng các cơ quan hữu quan trong giáo dục, bồi dưỡng pháp lý và quản lý học sinh ngay từ cấp THCS là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hành xử thiếu suy nghĩ của các em. Gia đình, nhà trường chưa áp dụng triệt để các biện pháp quản lý, chưa xử lý nghiêm từ những vi phạm nhỏ của các em, từ đó tạo ra hiện tượng nhờn luật trong giới trẻ” - ông Lãm nói.

Cũng theo ông Lãm, để giảm thiểu các hành vi tiêu cực, nhất là theo xu hướng bạo lực trong giới trẻ, ngoài việc giải quyết các tồn tại nói trên, việc quan trọng nhất chính là nâng cao sự hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật và tạo ra các sân chơi lành mạnh cho thanh, thiếu niên.

Theo ông Nguyễn Duy Lãm - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, trong tháng 5 này, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng phương án triển khai Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên (giai đoạn 2010-2015) của Chính phủ.

Bộ Tư pháp cũng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn, Uỷ ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam rà soát, đánh giá thực trạng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản về phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG