Giải quyết án dân sự: Viện Kiểm sát cần tham gia từ đầu

Ông Phương Hữu Oanh. Ảnh: Xuân Phú
Ông Phương Hữu Oanh. Ảnh: Xuân Phú
TP - Thạc sĩ Phương Hữu Oanh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự của VKSND Tối cao khẳng định với Tiền Phong: Nếu tiếp tục quy định Viện Kiểm sát không tham gia giải quyết ngay từ đầu vụ án dân sự như hiện nay thì còn dẫn đến xét xử oan sai.
Ông Phương Hữu Oanh. Ảnh: Xuân Phú
Ông Phương Hữu Oanh. Ảnh: Xuân Phú.

Tòa đóng 2 vai

Theo ông Oanh, do đặc điểm của Luật Tố tụng Dân sự Việt Nam, để giải quyết vụ án dân sự, các đương sự bao gồm cả nguyên đơn và bị đơn có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa án. Pháp luật nước ta còn quy định luật sư, bào chữa viên cũng có thể tham gia tố tụng trong những trường hợp có yêu cầu hoặc qua hợp đồng dân sự với đương sự; họ có một số quyền thay mặt đương sự thu thập, cung cấp chứng cứ cho tòa.

Nhưng thực tế, không phải đương sự nào cũng có khả năng tài chính để thuê luật sư, trong khi đó việc trợ giúp pháp lý miễn phí mới chỉ áp dụng trong phạm vi đối tượng hẹp như người nghèo hoặc gia đình chính sách. Các trường hợp còn lại, đương sự phải đứng ra thu thập, cung cấp chứng cứ và tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước tòa trong khi trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế.

Ngay như trường hợp thu thập chứng cứ tại các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, nhà cửa và các loại phương tiện giao thông có giá trị lớn... đương sự phải đi lại nhiều lần mà chưa chắc hoàn thiện đủ thủ tục.

Theo quy định, đương sự không tự thu thập chứng cứ được thì yêu cầu tòa án tiến hành. Thực tế, nhiều trường hợp thẩm phán thụ lý vụ án trực tiếp thu thập chứng cứ sau đó trực tiếp xét xử. Ở nhiều nước phát triển, tòa án là cơ quan tài phán đứng giữa, thu thập chứng cứ hoàn toàn là công việc của đương sự, tòa án không làm việc đó.

Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, người xác minh thu thập chứng cứ chủ yếu là thẩm phán. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của quá trình xét xử và ra bản án. Mặt khác, mặc dù khi xét xử ở cấp sơ thẩm có 2 hội thẩm nhân dân cùng tham gia, nhưng những người này cũng chủ yếu dựa vào các chứng cứ mà do chính thẩm phán chủ tọa thu thập.

Cần có Viện Kiểm sát tham gia

Vì lý do trên, theo ông Oanh, nếu không có sự tham gia của Viện KSND ngay từ đầu, cũng như trong cả quá trình giải quyết vụ án dân sự, với tư cách là kênh phản biện, giám sát và đưa ra quan điểm giải quyết vụ án thì việc giải quyết vụ án đó có nguy cơ thiếu chính xác, khách quan.

Cũng theo ông Oanh, thực tế hiện nay có nhiều vụ án đã qua 2 cấp xét xử nhưng kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; hoặc có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Điều đó càng khẳng định rõ, việc tham gia của Viện KSND trong quá trình giải quyết vụ án dân sự là một đòi hỏi bức thiết từ thực tế. Vì thế, trong tờ trình về Dự án Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII vừa qua, Chánh án TAND Tối cao cũng đề nghị quy định Viện KSND tham gia giải quyết tất cả các vụ án dân sự ngay từ đầu và cả trong quá trình giải quyết vụ án.

“Tôi nghĩ đó là điều cần thiết và cần nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là những người có trách nhiệm” - Ông Oanh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.