Giám đốc Vinapco hay "ông vua"?

Giám đốc Vinapco hay "ông vua"?
Chưa đầy một năm, kể từ ngày nhận chức đến nay, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) Trần Hữu Phúc đã nhiều lần "phớt lờ" chỉ đạo của Chính phủ, ban hành nhiều quyết định mang tính độc đoán, chuyên quyền, lãng phí...

Sự kiện "ngày 1/4" gây chấn động trong ngành hàng không trong nước cũng như quốc tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia trong lĩnh vực đầu tư khi Vinapco cắt nhiên liệu không cung cấp xăng máy bay đối với Hãng hàng không Pacific Airlines (PA).

Vụ việc xảy ra khi ông Phúc ngang nhiên đưa ra "tối hậu thư", đòi tăng giá dịch vụ cung cấp xăng dầu, nếu PA không chấp nhận ông sẽ cho ngừng cung cấp xăng Jet A-1 đối với PA.

Và thực tế, Vinapco đã cắt xăng đối với hãng này vào ngày 1/4/2008 trong khi Vinapco là đơn vị cung cấp xăng độc quyền cho ngành hàng không trong nước.

Cú "bắt chẹt" vô tiền khoáng hậu, trái thông lệ quốc tế này đã gây ra dư luận ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực đầu tư và hình ảnh Việt Nam trên thương trường quốc tế. Chưa nói đến lúc đó, Pacific Airlines là một công ty cổ phần nhưng thực ra đó là công ty nhà nước vì Nhà nước nắm tới trên 70% vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, quyết định của ông Phúc đưa ra đúng lúc Thủ tướng Chính phủ vừa chủ trì Hội nghị kiềm chế lạm phát.

Chính phủ yêu cầu, và tất cả các doanh nghiệp đang gồng mình, chung sức cùng Chính phủ thực hiện kiềm chế lạm phát. Bất chấp chỉ đạo của Chính phủ, khi Pacific Airlines không đồng ý với giá mới mà Giám đốc Trần Hữu Phúc đưa ra, mà yêu cầu một cuộc hiệp thương đúng luật, thì ông Phúc chỉ đạo cấp dưới ngừng cung cấp xăng cho hãng này.

Cũng cần nói rõ, việc ngừng cung cấp nhiên liệu hàng không cho bất cứ một hãng nào không nằm trong thẩm quyền của ông Phúc mà phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc ông ra lệnh ngừng cung cấp xăng cho PA đã khiến Chính phủ phải vào cuộc, đích thân Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Vinapco không được để gián đoạn các chuyến bay vì bất cứ lý do nào.

Đến lúc đó, ông Phúc mới đồng ý tiếp tục cấp xăng cho Pacific Airlines. Chính phủ yêu cầu: "Bộ Giao thông vận tải phải có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm theo thẩm quyền đối với Vinapco tự ý làm việc này, làm đình trệ vận tải hàng không, gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh, nhất là việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về mục tiêu kiềm chế lạm phát".

Phá rào!

Chưa hết, trong khi các quy định của Nhà nước chưa cho phép Vinapco nhập xăng, dầu theo hình thức mua kỳ hạn thì Giám đốc Phúc đã tự ý "phá rào" làm việc này. Theo đơn tố cáo tham nhũng mà chúng tôi nhận được thì, "ông Phúc đã ngang nhiên ký thỏa thuận mua kỳ hạn ngày 13/6/2008 (theo hợp đồng số 02/VINAPCO-ELICO) 15.000 tấn xăng Jet A-1. Hậu quả là theo invoice số EK80217 ngày 28/7/2008, Vinapco đã phải trả cho phía nước ngoài thêm 1,1 triệu USD".

Làm việc với chúng tôi, ông Phúc thừa nhận: "Mua theo hình thức kỳ hạn thì phải trả một khoản phí, hiện tại Bộ Tài chính chưa cho phép hạch toán khoản phí này vào chi phí hợp lý". Tuy ông khẳng định là lô hàng này "không lỗ" nhưng ông Phúc biết việc mua theo kỳ hạn là sai quy định của Nhà nước nhưng vẫn cố tình làm.

Thực tế lỗ hay không lỗ thì cần có một cuộc thanh tra để xác định, điều rõ ràng là riêng tiền phí gửi lưu kho tại nước ngoài cho hợp đồng mua theo kỳ hạn này, Vinapco phải trả thêm cho đối tác 70.000 USD/lô hàng (mỗi lô hàng khoảng 14.000 tấn).

Giám đốc hay "ông vua"?

Bất kể việc to hay nhỏ, Giám đốc Trần Hữu Phúc luôn thể hiện tính độc đoán, chuyên quyền của mình. Để được tự do sử dụng ô tô công một cách thoải mái ông Phúc đã "phế" quy định của người tiền nhiệm về việc quản lý, sử dụng phương tiện đi lại của công ty, mặc dù quy định này mới được ban hành cuối năm 2007.

Trong quy định được ban hành cuối năm 2007, ông Phan Ngọc Bình, quyền Giám đốc Công ty Vinapco ghi rõ: "Giám đốc, phó giám đốc công ty được sử dụng xe theo quy định tại điều 9 của Quyết định Số: 59/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước".

Và theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì giám đốc, phó giám đốc công ty như Vinapco không có tiêu chuẩn sử dụng xe riêng, đưa đón từ nhà ở đến nơi làm việc.

Chỉ có Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tổng công ty và các tập đoàn do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập mới được sử dụng 1 xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hằng ngày và đi công tác.

Chức danh ủy viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc các tổng công ty và các tập đoàn; giám đốc, phó giám đốc các công ty nhà nước được sử dụng xe ô tô với giá mua tối đa 550 triệu đồng/xe khi đi công tác cách trụ sở công ty từ 15 km trở lên (không bố trí xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc).

Thủ tướng đã quy định như vậy, người tiền nhiệm của ông Phúc cũng chấp hành nghiêm túc, còn ông Trần Hữu Phúc khi "ngồi" vào ghế giám đốc đã phớt lờ, ban hành một quy định riêng.

Không chỉ "ngồi" trên Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị các tập đoàn, Tổng công ty 91, mà Giám đốc Phúc còn tự xếp mình trên cả các thành viên Chính phủ (Theo quy định của Thủ tướng, Bộ trưởng được sử dụng xe riêng, đưa đón từ nhà đến nơi làm việc).

Theo Quy định Về quản lý, sử dụng phương tiện đi lại của Công ty Vinapco do ông Trần Hữu Phúc ký ngày 22/7/2008 thì: "Giám đốc công ty được bố trí 1 xe ô tô 4 chỗ phục vụ 24/24 giờ. Khi giám đốc đi công tác tại các đơn vị miền Trung, miền Nam, trưởng phòng tổ chức hành chính các xí nghiệp bố trí lái xe, xe ô tô phục vụ 24/24 giờ trong suốt thời gian công tác".

Biện minh cho "quy định đặc biệt" mà mình đặt ra, ông Phúc nói: "Nói chúng tôi là công ty, vì nó thuộc Tổng công ty Hàng không, thực ra nó còn to hơn cả Tổng công ty 90 ấy chứ, vì doanh thu của công ty lên tới cả nghìn tỉ đồng, có khoảng 1.300 lao động, công ty có 6 xí nghiệp và một chi nhánh". Dù không có cơ sở, nhưng giả dụ cứ đặt Vinapco "hơn cả Tổng công ty 90" đi nữa thì ông Phúc cũng không được phép sử dụng 24/24giờ.

Và nhiều vụ việc cần làm rõ...

Ngoài những sai phạm nêu trên, Giám đốc Phúc còn có những chỉ đạo hoặc đồng ý cho thực hiện nhiều vụ việc lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của công nhân viên. Ví dụ như mượn danh nghĩa đi trao nhà tình nghĩa tại Cửa Lò (quê ông Phúc), ông Phúc đã cử một đoàn đến hơn 100 công nhân viên được hưởng chế độ công tác đến đấy để... biểu diễn văn nghệ.

Hoặc như ông đồng ý cho người chặt phá vườn cây xanh vốn do đoàn viên thanh niên trồng và chăm sóc lâu nay, lấy mặt bằng cho thuê vài triệu đồng mỗi tháng để làm chỗ rửa xe, làm tổn thương tình cảm và lý tưởng của những người từng là đoàn viên thanh niên của công ty...

Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, từ khi nhận chức giám đốc đến nay nhưng ông Trần Hữu Phúc đã nhiều lần "phớt lờ" chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm quy định của Nhà nước, "đặt" ra những quy định tối thượng cho mình. Đã đến lúc Tổng công ty Hàng không phải xem xét lại cán bộ của mình. Trong một guồng máy không thể chấp nhận được "một cỗ máy" đi riêng lẻ, khập khiễng như thế.

Sự cố sập bờ kè gây tràn dầu tại Đà Nẵng ngày 16.10 vừa qua thể hiện sự tắc trách trong việc kiểm tra, bảo vệ kho tàng bến bãi của Vinapco. Theo đại diện của Vinapco tại Đà Nẵng, thì trong suốt thời gian gần đây Vinapco chưa lần nào gia cố, sửa chữa bờ kè kho xăng vốn được xây ở một địa thế có độ dốc lớn, rất dễ xảy ra sự cố trong mùa bão lũ. Sau sự cố tại Đà Nẵng sẽ là ở đâu? 

Theo Xuân Toàn
Thanh Niên

MỚI - NÓNG