Góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự:

Giảm oan sai, tăng dân chủ

Giảm oan sai, tăng dân chủ
TP - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) lần này là đưa ra những quy định mới để hạn chế thấp nhất những vụ án oan, tăng cường dân chủ, tăng cường hội nhập quốc tế…

Thầy giáo tiểu học Nguyễn Minh Hoàng ở huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) bị bắt khẩn cấp vì tình nghi giết người.

Vợ Hoàng đi vắng, khi đưa Hoàng đi, không ai báo cho họ hàng Hoàng biết.

Ngôi nhà vô chủ là mồi ngon cho trộm, từ lợn trong chuồng, cây cảnh ngoài vườn tới cá dưới ao đều bị khoắng sạch.

Hoàng được tạm tha thì vợ đã lấy chồng khác. Không được trở lại bục giảng, lại đau bệnh triền miên do bạn tù đánh, nhiều năm trời Hoàng sống khổ sở tủi nhục trong sự xa lánh thù ghét của nhiều người…

Vụ việc của Hoàng được Tiền Phong phản ánh trong loạt bài Từ những sai phạm tố tụng đến sự khốn cùng của một thầy giáo. Mới đây Hoàng được xin lỗi, bồi thường.

Nhìn lại thì thấy ngày ấy căn cứ để cơ quan điều tra (CQĐT) bắt giữ Hoàng chỉ là lời khai mơ hồ của bị hại, trong khi vật chứng thu giữ lại sai. Việc bắt Hoàng vội vã bao nhiêu thì truy tố, xét xử chậm trễ bấy nhiêu, dẫn đến quyền lợi của Hoàng bị thiệt thòi kéo dài.

Một vụ án khác, vụ trộm cắp cổ vật do Công an tỉnh Bắc Giang điều tra. Công dân Dương Văn Trung (trú tại Thường Tín, Hà Tây) và một loạt người bị tạm giam với căn cứ là lời khai của một nghi can bị bắt trước đấy. Việc điều tra có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Trộm vào chùa bê tượng phật khỏi bệ cho vào bao tải, chuyển ra vườn, nhưng bị động nên chúng để lại. CQĐT không lấy dấu vân tay trên các tượng phật. Vật chứng (trong đó có những chiếc bao tải) được thu giữ, bảo quản không đúng quy định, nhiều đồ vật sau này được xác định không liên quan vụ án.

Các bị can trong vụ án này bị tạm giam quá lâu, sức khỏe của họ rất yếu, một người chết trong nhà giam. Khi vụ án được đưa ra xét xử, cả tám bị cáo đều tố cáo họ đã bị cán bộ điều tra mớm cung, bức cung, nhục hình.

Trước toà, họ trình các dấu vết bị đánh đập, cũng như các ký hiệu họ để lại trên các bản cung mà họ buộc phải khai sai sự thật. Những bị can này đã được minh oan song câu hỏi họ có bị nhục hình không chưa có trả lời.

Nâng cao trách nhiệm điều tra viên

Trong các vụ án hình sự, điều tra viên (ĐTV) trực tiếp thu thập chứng cứ, xây dựng hồ sơ, song họ không ký các quyết định tố tụng. Từ khởi tố vụ án, đến khởi tố bị can, bắt tạm giam, trưng cầu giám định…, theo quy định hiện hành chỉ thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT mới có thẩm quyền ký.

Khi xảy ra oan sai, ĐTV không ký nên không phải chịu trách nhiệm. Còn thủ trưởng CQĐT thường cũng không nốt. “Mỗi tháng chúng tôi nghe báo cáo, ký văn bản biết bao vụ án lớn nhỏ. Có vụ làm tốt, cũng có vụ anh em có sơ suất, không ai nắm chặt tay được từ sáng đến tối” - với lời giải thích như vậy, họ dễ nhận được sự thông cảm.

Trong vụ án Nguyễn Minh Hoàng, Viện KSND tỉnh Trà Vinh là cơ quan đứng ra xin lỗi, bồi thường, còn những ĐTV làm oan cho Hoàng không ai có lời xin lỗi (theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong khi Hoàng chịu khổ cực, oan khuất thì điều tra viên đều được thăng quan, tiến chức).

Tương tự, với vụ án trộm cắp cổ vật, Viện KSND tỉnh Bắc Giang là cơ quan đang thực hiện việc xin lỗi, bồi thường, không ai biết các ĐTV trong vụ án này liên đới trách nhiệm thế nào.

Để tránh bắt người khi chứng cứ yếu - nguyên nhân phổ biến dẫn đến làm oan, trong những ý kiến đóng góp sửa đổi Bộ luật TTHS lần này, nhiều người cho rằng cần giao quyền cho ĐTV được ký một số văn bản tố tụng liên quan các quyền cơ bản của công dân như quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt khẩn cấp hoặc lệnh bắt tạm giam.

Đương nhiên, việc tăng thẩm quyền phải gắn với các quy định chặt chẽ (chẳng hạn với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phải là ĐTV cao cấp), và đặc biệt là gắn với trách nhiệm cá nhân khi xảy ra oan sai.

Thủ trưởng (hoặc phó thủ trưởng) CQĐT là người chỉ đạo chung công tác điều tra và chỉ ký các văn bản mang tính tổng hợp như quyết định khởi tố vụ án (đi kèm là các văn bản tổ chức, phân công điều tra), quyết định đình chỉ hoặc kết luận điều tra vụ án.

Khi xảy ra khởi tố, bắt giam oan, ĐTV trực tiếp ký văn bản là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc xin lỗi, bồi thường. Đương nhiên, thủ trưởng (hoặc phó thủ trưởng) CQĐT và kiểm sát viên chỉ đạo, giám sát hoạt động điều tra cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc làm oan bị can.

“Việc bắt, giam, giữ tuy có nhiều chuyển biến, thận trọng hơn, nhưng vẫn có nhiều vi phạm. Tình trạng lạm dụng bắt khẩn cấp, lạm dụng bắt quả tang vẫn còn xảy ra.

Từ năm 2005 đến nay, viện kiểm sát các cấp ban hành 6.263 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ và các biện pháp ngăn chặn khác”.  (Nguồn: Viện KSNDTC)

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG