Góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự:

Giảm oan sai, tăng dân chủ

Giảm oan sai, tăng dân chủ
TP - “Việc có mặt người bào chữa là cơ sở quan trọng giúp Điều tra viên (ĐTV) và Cơ quan điều tra (CQĐT) không làm oan, sai người vô tội, kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót, các sai phạm trong hoạt động điều tra”.

>> Kỳ trước

Kỳ 3: Tôn trọng quyền được bào chữa

Đây là ý kiến của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Luật sư vẫn bị ngăn trở

Bộ luật TTHS 2003 quy định luật sư được bào chữa ngay từ khi thân chủ của họ bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố. Đây là một quy định mới. Thời gian qua, nhiều vụ án luật sư đã được tham gia các hoạt động tố tụng cùng với ĐTV, giúp hồ sơ pháp lý thêm chặt chẽ, khách quan, quyền lợi của bị can được đảm bảo hơn.

Giảm oan sai, tăng dân chủ ảnh 1Khi một người bị tạm giữ, tạm giam, cần quy định người đại diện hợp pháp của họ (những người thừa kế hàng thứ nhất theo Bộ luật Dân sự) có quyền mời luật sư bào chữa. Cần bỏ quy định người bào chữa phải có ý kiến đồng ý của người bị tạm giữ, tạm giam. Việc này chỉ nên thực hiện tại phiên tòa công khaiGiảm oan sai, tăng dân chủ ảnh 2- Luật sư Nguyễn Lịch, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ

Tuy nhiên, trong rất nhiều vụ án các luật sư vẫn gặp khó khăn, từ việc xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa (CNNBC), đến gặp mặt bị can, tham gia các buổi hỏi cung… Đáng buồn, điều đó hay xảy ra ở chính những vụ án bị can kêu oan.

Vụ án “trộm cắp cổ vật ở Bắc Giang”, nghi can Nguyễn Quý Đoan là người đầu tiên bị bắt tạm giam. Đoan từ chối luật sư, nhanh nhảu nhận tội, từ ăn cắp cổ vật đến mua bán súng ống (sau này, Đoan kể chính ĐTV khuyên Đoan không nên mời luật sư). Khi ra tòa, Đoan mới kêu oan, đề nghị phải có luật sư.

Mượn được luật sư quyển sổ tay để đối chiếu ngày dương lịch với ngày âm lịch, Đoan mới nhớ lại được để trình bày trước tòa: Vào ngày cáo trạng cáo buộc Đoan có mặt ở Hà Nội dẫn đồng bọn lên Bắc Giang ăn trộm cổ vật, thực tế Đoan đang ở xã Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh), khâm liệm cho một người làng mới mất!

Trong vụ án này, nếu có luật sư bào chữa từ giai đoạn điều tra, Đoan đã có cơ hội trình bày đúng sự thật, sẽ không có việc hàng loạt người bị bắt oan theo lời khai của Đoan.

Một ví dụ khác, vụ án Nguyễn Đại Dương “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” tại vũ trường New Century (Hà Nội).

Sau khi Dương bị C17 Bộ Công an tạm giữ (28/4/2007), gia đình Dương mời ngay luật sư (Giấy CNNBC cấp ngày 4/5/2007). Nhiều lần đề nghị được gặp bị can, vị luật sư này vẫn không được đáp ứng. Sau khi được tại ngoại, Dương có đơn kêu oan và tố cáo nhiều vi phạm tố tụng của CQĐT, trong đó có việc ngăn trở quyền được bào chữa của bị can.

Theo tố cáo của Dương, sau khi luật sư của Dương đã được cấp giấy CNNBC, các ĐTV tiến hành hai buổi hỏi cung Dương, song không mời luật sư tham gia (lãnh đạo CQĐT nại lý do với luật sư là “CQĐT chưa bố trí được ĐTV”).

Nguyễn Đại Dương đã được đình chỉ tội danh “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”, chỉ bị cáo buộc “kinh doanh trái phép”. Phiên tòa vẫn chưa được mở dù đã quá mọi thời hiệu, nhiều tờ báo đặt cho vụ án này cái tên “đầu khủng long, đuôi thạch sùng”!

“Càng né tránh, càng bất lợi”

Ngày 26/1/2007, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an có công văn gửi thủ trưởng cơ quan CSĐT công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhận định “đã và đang xảy ra tình trạng ĐTV viện cớ để trì hoãn việc cấp Giấy CNNBC hoặc gây khó khăn cho người bào chữa thực hiện nhiệm vụ”, đồng thời nhấn mạnh “Việc có mặt luật sư, người bào chữa là cơ sở quan trọng giúp ĐTV và CQĐT không làm oan, sai đối với người vô tội, kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót, các sai phạm trong hoạt động điều tra. ĐTV phải quen dần với việc có mặt người bào chữa trong hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật, đây là xu thế tất yếu của cải cách tư pháp”.

Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an chỉ đạo: “Cần tạo điều kiện và thời gian để người bào chữa thực hiện nhiệm vụ, tránh các việc như viện cớ bị can đang ốm, ĐTV đang bận việc khác, thông báo quá gấp thời gian tiến hành việc hỏi cung… Thực tế cho thấy càng né tránh luật sư, người bào chữa, ở giai đoạn điều tra thì càng bất lợi ở giai đoạn truy tố, xét xử”.

Từ khi Bộ Công an có công văn trên, theo nhiều luật sư, tình trạng họ bị ĐTV gây khó khăn khi bảo vệ thân chủ vẫn chưa giảm. Không chỉ ĐTV vẫn còn tâm lý không thích có luật sư tham gia (ngại bị vạch vòi những vi phạm tố tụng hoặc xui bị can khiếu nại), còn một lý do khác là Bộ luật TTHS còn thiếu những quy định chặt chẽ, thống nhất, nhằm đảm bảo quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam.

Giới luật sư đề xuất nhiều ý kiến nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy CNNBC, nhất là trong giai đoạn điều tra. Không chỉ tham dự các buổi hỏi cung bị can, các luật sư mong muốn cần có quy định cho phép họ được thu thập chứng cứ cởi tội cho bị can (hoặc chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan trong vụ án). Khi vụ án được đưa ra xét xử, các luật sư mong muốn Bộ luật TTHS cần quy định nếu phía cột tội đối đáp không thỏa đáng, hội đồng xét xử cần chấp nhận các chứng cứ và quan điểm của phía cởi tội.

---------------------

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG