Giảm oan sai, tăng dân chủ - Kỳ 5

Giảm oan sai, tăng dân chủ - Kỳ 5
TP - Ngày 17/3/2003, Ủy ban Thường vụ quốc hội (TVQH) ban hành Nghị quyết 388 “về bồi thường cho người bị oan (NBO) do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra”, đột phá trong việc khắc phục oan sai, không chỉ phục hồi quyền lợi hợp pháp cho NBO mà còn bù đắp thiệt hại cho họ.

>> Kỳ 4: Nguyên tắc suy đoán vô tội

Kỳ 5: Đưa bồi thường oan sai vào luật

Giảm oan sai, tăng dân chủ - Kỳ 5 ảnh 1
Thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng và con gái, ảnh chụp sau khi đã được minh oan và bồi thường theo Nghị quyết 388.

Bước đột phá pháp lý 

Việc khắc phục hậu quả cho người bị oan (NBO) đã được đặt ra tại Bộ luật Dân sự 1995 (Điều 624) và cụ thể hoá bằng Nghị định 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ. Tiếp theo, Ban tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã ban hành Thông tư số 54/1998, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 38/1998, hướng dẫn thi hành Nghị định 47/CP.

Sau khi các văn bản trên có hiệu lực pháp luật, không hề một cơ quan nào thực hiện. Tuy số vụ án oan chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các vụ án hình sự, song hậu quả lớn. NBO không được minh oan công khai, không được phục hồi đầy đủ các quyền lợi hợp pháp (chưa nói đến xin lỗi, bồi thường), sống lay lắt cảnh “công dân hạng hai” là chuyện từng tồn tại suốt một thời gian dài.

Sau khi có Nghị quyết 388, hàng loạt NBO được xin lỗi, bồi thường, trong đó có thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng ở Trà Vinh, công dân Dương Văn Trung và các bị cáo trong vụ “trộm cắp cổ vật” ở Bắc Giang - những người từng được Tiền Phong đăng bài điều tra giải oan.

Nghị quyết 388 cũng buộc các cơ quan tố tụng thận trọng hơn trong việc khởi tố, truy tố và xét xử, số NBO những năm gần đây giảm đi đáng kể.

Vẫn còn bất cập

Qua thực tế áp dụng, đã lộ ra những bất cập trong Nghị quyết 388. Nhiều người cho rằng dịp sửa đổi Bộ luật TTHS lần này chính là thời điểm để hoàn thiện các quy định về bồi thường cho NBO.

Theo Nghị quyết 388, NBO là người có “quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội”.

Nói ngắn gọn, phải có quyết định minh oan thì NBO mới được bồi thường. Tuy nhiên, từ hình thức - nội dung quyết định minh oan, đến thẩm quyền - trách nhiệm của cơ quan ban hành thế nào, vẫn chưa rõ ràng.

Trở lại trường hợp thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng. Trước ngày mở toà, Viện KSND tỉnh Trà Vinh rút toàn bộ cáo trạng. Phiên toà vẫn được mở, HĐXX tuyên “bị cáo không phạm tội, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Nguyễn Minh Hoàng”.

Bản án sau đó bị toà phúc thẩm tuyên hủy, yêu cầu toà sơ thẩm chỉ ra quyết định đình chỉ vụ án. Hoá ra, khi viện kiểm sát rút toàn bộ cáo trạng, toà án sẽ ra quyết định đình chỉ, còn cơ quan nào tuyên “bị cáo không phạm tội”, khôi phục các quyền lợi hợp pháp cho họ, Bộ luật TTHS chưa có quy định!

Một số NBO khởi kiện các cơ quan tiến hành tố tụng ra tòa để đòi bồi thường, trong đó có ông Hoàng Minh Tiến ở Hà Nội (Tiền Phong đã có bài phản ánh). Từng là nạn nhân của vòng xoáy tố tụng oan nghiệt, sau khi được giải oan, ông Tiến lại bị cuốn vào một vòng xoáy tố tụng mới. Cuối cùng ông Tiến chỉ nhận được một khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần.

Cần những quy định mới

Nhiều chuyên gia pháp luật kiến nghị, cần đưa vào Bộ luật TTHS những quy định mới để việc bồi thường cho NBO hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn. Trước hết, cần quy định cụ thể từng trường hợp cơ quan tố tụng phải ra quyết định minh oan.

Chẳng hạn, khi thời hạn điều tra hết mà chứng cứ không đủ để kết luận bị can vi phạm pháp luật, Thủ trưởng CQĐT phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can.

Quyết định này phải ghi rõ “bị can không vi phạm pháp luật”, “phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân”, đồng thời nêu rõ vật chứng, tài sản bị thu giữ, niêm phong được xử lý ra sao, ai sẽ thay mặt CQĐT và ĐTV xin lỗi, bồi thường cho NBO…

Nhiều người kiến nghị, quyết định minh oan cần nêu rõ luôn khoản tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần cho NBO (đã được quy định chặt chẽ tại Nghị quyết 388).

Ngoài khoản bồi thường này, Nhà nước cần hỗ trợ thêm cho NBO một khoản tiền đồng đều không phụ thuộc thời gian họ bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng.

Việc bồi thường thiệt hại về tinh thần và hỗ trợ tái hoà nhập cho NBO cần được thực hiện đồng thời trong buổi xin lỗi công khai NBO. Với cách làm như vậy, rất có thể nhiều NBO sẽ không khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại về vật chất, tránh được mệt mỏi, tốn kém cho cả NBO và cơ quan tố tụng.

Nghị quyết 388 quy định cán bộ tiến hành tố tụng làm oan cho bị can, bị cáo phải có trách nhiệm bồi hoàn cho ngân sách nhà nước số tiền nhà nước đã ứng ra bồi thường cho NBO.

Việc này đến nay chưa được thực hiện, đơn giản bởi thông tư hướng dẫn chưa có. Khi đưa bồi thường oan sai vào luật, nhiều người cho rằng, cần quy định rõ việc bồi hoàn ngân sách nhà nước do những người làm oan gây ra. 

Giảm oan sai, tăng dân chủ - Kỳ 5 ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Tốn
Vụ án Nguyễn Văn Tốn ở Quảng Ninh, Viện KSND TX Uông Bí ra quyết định đình chỉ, cho rằng hành vi của ông Tốn chưa đến mức xử lý hình sự, đồng thời kiến nghị chính quyền TX Uông Bí xử phạt hành chính.

UBND TX Uông Bí ra quyết định xử phạt hành chính ông Tốn; ông Tốn khiếu nại, cho rằng cả hình thức và nội dung quyết định này đều không đúng các quy định pháp luật.

Sau đó, UBND TX Uông Bí ra quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính đối với ông Tốn!

Ông Tốn đang yêu cầu Công an và Viện KSND TX Uông Bí phải trả ông các tài liệu thu giữ trong quá trình điều tra, và bồi thường oan sai cho ông.

Qua vụ án này, có thể thấy việc bồi thường cho NBO vẫn bị kéo dài, do các cơ quan tố tụng thường tìm nhiều cách để “né 388” khi ra quyết định đình chỉ đối với bị can.

------------------

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.