Gian lận vé ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia

Gian lận vé ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia
TP - Đến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia  (TTCPQG) tại 87 Láng Hạ, Hà Nội, khán giả thường phàn nàn về sự lộn xộn (do trùng vé) diễn ra trong phòng chiếu. Vì sao có hiện tượng này?
Gian lận vé ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia ảnh 1
Trung tâm Chiếu phim Quốc gia trên đường Láng Hạ, Hà Nội Ảnh: Phạm Yên

Trước hết cần nói rằng, TTCPQG là đơn vị hành chính sự nghiệp, được cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước để hoạt động. Vì vậy không hề có sự thúc ép về doanh số từ các cơ quan chủ quản.

Song ở đây, Giám đốc Hà Vị Thủy và những người có liên quan đã chỉ đạo việc in lậu vé, bán vé VIP để lập “quỹ”.

Chỉ đến ngày 2/5/2007, khi ông Hoàng Trung Hiền- Phó phòng Tài vụ được lệnh bàn giao việc giữ vé cho thủ quỹ thì sự việc mới được hé lộ.Thủ quỹ nhận số lượng bàn giao là 24.824 vé.

Nhận bàn giao xong, thủ quỹ phát hiện còn 2 thùng vé chưa được bàn giao, liền thắc mắc thì được bà Nguyễn Trúc Quỳnh- Kế toán trưởng- giải thích đó là vé của Công đoàn. Đây là điều hoàn toàn phi lý, vì xưa nay Công đoàn không hề có chức năng giữ vé.

Mọi người trong Trung tâm đều nói, đó chính là vé in lậu, không có trong kế hoạch của Trung tâm và cũng không nằm trong sổ sách. Sợ sự việc bại lộ nên ngày 11/5/2007, ông Hoàng Trung Hiền đã chuyển cho Phòng Hành chính tổng hợp đóng dấu để hợp thức hóa và tiến hành bàn giao thêm 10.000 vé “công đoàn” của 2 thùng vé còn lại.

Nhưng khi lập biên bản bàn giao vào ngày 14/5/2007(?) lại ghi gộp cả 2 ngày bàn giao trên thành một ngày là 2/5/2007(?). Thủ quỹ không ký vào biên bản bàn giao thì bị bà Hồ Thị Nguyệt- Phó Giám đốc và bà Quỳnh dọa dẫm nên đã buộc phải tuân thủ trong sự ấm ức: “Các chị ép buộc thì em phải ký nhưng chứng từ, sổ sách vẫn còn đấy”.

Số vé “công đoàn” ấy đương nhiên là được đem bán và là nguyên nhân chính của sự “lộn xộn” kể trên.

Gian lận vé ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia ảnh 2
Cặp vé trùng nhau tại số ghế G6, phòng chiếu số 3, buổi 20 giờ ngày 2/10/2007

Để sự việc được thông đồng bén giọt và kín kẽ, không để lọt thông tin ra ngoài, quy trình phát hành tấm vé đã được bà Hà Vị Thủy “phù phép” quay tròn trong một vòng khép kín:

Vé được in từ Công ty In Văn hóa phẩm (83 Hào Nam, Hà Nội) và Công ty In Mỹ thuật T.Ư nhập về Phòng Hành chính tổng hợp, đóng dấu tròn TTCPQG, sau đó giao cho ông Hiền đóng giá vé, rồi xuất cho quầy vé, nhân viên quầy vé bán xong nộp tiền và thanh toán.

Nếu có việc in thêm vé thì chỉ có người ở trong dây chuyền này biết. Vì vậy tất cả đều là thân tín của bà Giám đốc, không ai được phép lọt vào dây chuyền này. Riêng nhân viên bán vé là người nhà của Giám đốc (chị Bình, chị Dung).

Bên cạnh những vé được in thêm, số vé tồn (không bán hết, đã thanh toán) cũng được mang ra bán. Chẳng hạn, tấm vé số 07484 bán ngày 1/6/2007 có giá tiền in sẵn và chữ số nhỏ  hơn vé đang phát hành là vé đã có lệnh hủy từ lâu. Ngoài ra, họ còn bán vé cho khán giả  cả ở những lô VIP (vốn chỉ dành cho giấy mời để ngoại giao).

Vé VIP đem bán cũng là vé bình thường như vé ở các lô khác trong phòng chiếu, chỉ khác là được kê khai trong bảng riêng cùng với các kiểu vé gian lận khác, kể cả vé bán do tăng buổi chiếu. Tất cả đều được gọi chung là vé VIP và để ngoài sổ sách.

Tổng số tiền thu được từ “vé VIP” là rất lớn. Năm 2006, chỉ từ 2/5 đến 19/5, số tiền đã lên đến 2.500.000 đồng. Năm 2007, từ 15/2 đến 26/4, số tiền là 9.400.000 đồng... (có những chứng từ cụ thể). Nếu tiếp cận thanh tra sổ sách, cơ quan chức năng sẽ khám phá ra việc gian lận đã kéo dài bao lâu và lượng tiền có thể lên tới hàng tỷ đồng.

Tiền nhiều như vậy nhưng chi cho ai, chi đi đâu không ai được biết. Số chi công khai không nhiều, thậm chí còn chi sai nguyên tắc. Chẳng hạn trong năm 2006, việc chi mà Giám đốc gọi là để “ngoại giao” cụ thể như sau: Ngày 5/7, chi ủng hộ khối tư tưởng: 5.000.000 đồng; Ngày 17/8, chi Giám đốc đi công tác TP HCM: 5.000.000 đồng; Ngày 2/9, chi hỗ trợ cán bộ quản lý 17.500.000 đồng;

Ngày 27/4, chi đối ngoại Bộ VH-TT, Cục Điện ảnh: 16.000.000 đồng; Chi hỗ trợ cán bộ quản lý Tết Đinh Hợi: 20.000.000 đồng; Chi hỗ trợ đoàn công tác Anh, Thụy Điển: 10.000.000 đồng (bà Thủy và ông Tác- Phó Giám đốc đi).

Đó là lúc chi tiêu còn có chứng từ. Còn sau này, thủ quỹ được lệnh của bà Thủy, mỗi lần chia cho ai, bao nhiêu thì cứ thế mà chi, thủ quỹ không được ghi sổ và người lĩnh cũng không ký xác nhận...

Ngày 25/6/2007, Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế Công an quận Ba Đình đã vào cuộc nhưng việc gian lận vé vẫn tiếp diễn. Ngày 26/7, buổi 21 giờ tại phòng chiếu số 1 có sự trùng vé tại hai số ghế H14 và H16, đều mua trong quầy vé của Trung tâm; vẫn có 2 vé tẩy xóa ngày tháng, số ghế.

Ngày 2/10, buổi 20 giờ tại phòng chiếu số 3 lại có sự trùng vé tại 6 số ghế từ G5- G10. Đó là các cặp vé: 0000359- 0000387 (G5); 0000360- 0000388 (G6); 0000365- 0000389 (G7)…

Tại buổi làm việc với PV Tiền phong, bà Hà Vị Thủy- Giám đốc TTCPQG thừa nhận việc hình thành quỹ tạo nguồn thu của TTCPQG là chưa đúng nguyên tắc.

Theo bà Thủy, việc tạo nguồn thu là với mục đích để chi bồi dưỡng, hỗ trợ cho các đối tượng cán bộ viên chức của Trung tâm. Theo lý giải của bà Thủy, nguồn thu này được hình thành từ việc bán vé thuộc quyền phát hành của Trung tâm sau khi mời khách không hết (vé VIP).

Cụ thể, từ đầu năm 2006 đến tháng 6/2007, nguồn thu cho Công đoàn là 239,460 triệu đồng. Đã sử dụng nguồn này để chi họp, hỗ trợ vào các dịp 2/9, Tết năm 2007 cho cán bộ viên chức với số tiền là 143,480 triệu đồng (chi cho những việc khác là 26 triệu đồng; số tiền còn lại là hơn 69 triệu đồng). “Mọi thu chi đều có chứng từ rõ ràng, chứ không có việc lập quỹ đen hay thu ngoài sổ sách”-Bà Thủy phân trần.  

MỚI - NÓNG