'Giật mình' tội phạm từ 'nét'

'Giật mình' tội phạm từ 'nét'
Lợi dụng các mối quan hệ qua Internet để lừa đảo; trộm cắp để có tiền vào quán “nét”; tranh thủ “cứu nét” để đưa các cô gái nhẹ dạ vào nhà nghỉ, một hiện tượng đáng lo ngại nổi lên thời gian gần đây, có đối tượng “đặt mục tiêu” phải có thật nhiều tiền để “đốt” vào các trò chơi trực tuyến.
Internet bị biến tướng, lợi dụng để hoạt động phạm tội
Internet bị biến tướng, lợi dụng để hoạt động phạm tội.

Những “cỗ máy ngốn tiền”

Gặp Hưng “chip”, (tên thật là Nguyễn Thái Hưng, SN 1987, quê Mộc Châu, Sơn La) hôm trung tuần tháng 6 vừa rồi tại CAP Trương Định, quận Hai Bà Trưng, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng về những tội danh mà cậu ta sẽ phải đối diện: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc.

Hưng “chip” trắng xanh, mái tóc dài và gương mặt khá ưa nhìn. “Bố cháu có 4 vợ. Mẹ cháu là vợ thứ 3. Cháu rời quê từ gần 2 năm nay để theo học ở chi nhánh một trường đại học trong TP Hồ Chí Minh đặt tại Hà Nội”, Hưng “chip” thổ lộ về gia cảnh một cách bình thản.

Biệt danh “chip” mãi đến khi về Hà Nội mới được gắn vào sau cái tên Hưng. Nước da xanh trắng của Hưng không phải vì bận lo đèn sách, mà vì những đêm trắng ở các quán “nét”.

Hưng kể, học được kỳ đầu tiên thì cậu ta bắt đầu chán. Mỗi tháng nhà gửi cho 2 triệu đồng, chưa kể học phí đóng cả “cục” trước đó.

Tâm lý chán học cộng với việc có tiền trong tay, Hưng bắt đầu bập với các trò chơi điện tử. Bạn bè của cậu ta đều là những “game thủ” 24/24h ăn ngủ ở quán “nét”.

2 tháng trước đây, người nhà Hưng tình cờ từ Sơn La xuống thăm cậu ta thì mới biết Hưng đã tự bỏ học hơn 1 năm. Hưng bị đưa về quê, rồi chỉ một thời gian ngắn đã quay lại Hà Nội với lý do đi học nghề.

Khoản tiền “học nghề” không nhỏ mà gia đình chu cấp một lần nữa bị Hưng “chip” đem nướng vào trò chơi điện tử. Cặp kè thâu đêm với Hưng là Đạt “Hàng Vải”, tức Bùi Tuấn Đạt, SN 1985, HKTT phường Quang Trung, quận Hà Đông, tạm trú tại phố Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm.

Trinh sát hình sự CAP Trương Định kể, sau khi bắt Hưng và Đạt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (2 tên dựng màn kịch, lừa chiếm chiếc xe máy của nhân viên một quán “nét” ở đường Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân), các anh đã khám phá một “thế giới” khác ở những đối tượng này.

Mọi hoạt động của chúng đều chủ yếu diễn ra ở các quán “nét”. Chúng ăn, ngủ tại chỗ. Hôm nào chơi trò chơi trực tuyến mà thắng được nhiều tiền, chúng mang đánh bạc hoặc thuê nhà nghỉ.

Hôm lừa lấy được chiếc xe máy, Hưng “chip” và Đạt đem đặt được 8 triệu đồng; trong đó 5 triệu chúng đi cá độ bóng đá, và hơn 2 triệu đồng dùng đánh lô, đề.

Cả hai sau đó đã bị CAP Trương Định bắt khi đang chơi ở quán “nét” trên đường Trần Nhật Duật, lúc hơn 1h sáng.

Các đối tượng trong vụ án
Các đối tượng trong vụ án.

Phạm tội đến cùng

“Nghiện Internet đã đáng lo ngại, song nghiện game-net còn đáng sợ hơn nhiều. Đối tượng nghiện game-net không chỉ phải “lo” có tiền để vào quán “nét”, mà còn luôn phải ý thức kiếm được nhiều tiền để “thi đấu” trên mạng. Khi đó, ý thức phạm tội và phạm tội đến cùng sẽ hình thành” - Thiếu tá Trần Long Vân, Trưởng CAP Trương Định nói.

Trong một vài tháng trở lại đây, đôi lúc người dân được biết đến những vụ án lừa đảo, cướp tài sản “ảo” trên mạng Internet do lực lượng Công an Hà Nội khám phá.

Những thanh long đao, ngựa chiến, áo giáp… bị lừa, bị cướp đều có “giá” tới vài chục triệu đồng. Chúng là những món đồ vật trong những trò chơi “ảo”. “Game- net” bây giờ tiến xa, hiện đại hơn rất nhiều so với những trò chơi điện tử cách đây vài ba năm.

Và sự “tiến” rõ nét nhất là những người tham gia trò chơi phải có nhiều tiền; càng chơi nhiều thì tiền càng phải nhiều.

Có lẽ nhiều bậc phụ huynh không ý thức, không biết đến quy luật này. Từ việc tạo điều kiện cho con cái tranh thủ nghỉ ngơi, chơi “game-net”, đã dẫn đến tình trạng những đứa trẻ rơi vào trạng thái “nghiện net”.

Nguyễn Hoàng Anh (SN 1993), HKTT ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, tạm trú ở xã Hà Thạnh, huyện Quốc Oai và Phùng Tú Anh (SN 1993), trú ở xã Hà Thạnh, huyện Quốc Oai, là những “điển hình” như vậy. Kết thúc năm học lớp 10, đầu tháng 6 vừa qua, Hoàng Anh rủ Tú Anh về Hà Nội chơi.

Bố mẹ không đồng ý, Hoàng Anh tìm cách lấy chiếc xe máy của nhà bỏ đi. Đem đặt xe được 5 triệu đồng, hai đứa thuê nhà nghỉ ở quận Long Biên rồi bê bết ở các quán điện tử, bi-a.

Chiều 4-6, chưa đầy 4 ngày sau đặt xe máy thì tiền hết, Hoàng Anh và Tú Anh bàn nhau phải đi cướp tài sản để lấy tiền ăn tiêu tiếp, một đứa bạn “net” mới quen được chúng rủ tham gia nhóm cướp.

21h ngày 4- 6, ba đứa rời nhà nghỉ đi bộ trên địa bàn quận Long Biên để tăm tia. 2h45 ngày 5-6, chúng mò về đường đê Ngọc Thụy và dùng dao tông, dao chọc tiết lợn chém hơn chục nhát vào một đôi nam nữ để cướp điện thoại di động và tiền của họ.

“Nếu không vì quá ham mê chơi điện tử Internet thì cháu đã không phạm tội, không có lỗi với bố mẹ cháu như thế này”, một trong ba tên cướp đã khóc với cán bộ điều tra như thế, sau khi bị bắt.

“Game-net”, tính chất giải trí của nó chưa rõ tác dụng ra sao, nhưng mặt trái đã bộc lộ. Trách nhiệm chăm sóc, quan tâm đến con em của mỗi gia đình là cần thiết; song cần không kém là trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ này, và cả các cơ quan quản lý. Bởi dường như đang không có cơ quan hữu trách nào kiểm soát nội dung các trò chơi trên mạng!

Hoàng Quân
Theo An ninh thủ đô

 
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.