Giữ tiền mừng tuổi của con, cha mẹ có bị xử phạt?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPO - Theo quan điểm của luật sư, thời gian qua có một số ý kiến cho rằng cha mẹ lấy tiền mừng tuổi của con thì có thể bị xử phạt, nhưng thực tế điều đó rất khó xảy ra.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Cty Luật ICC cho biết, Điểm a, Khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.

Từ quy định này, có ý kiến cho rằng cha mẹ hoàn toàn có thể bị phạt vì lấy tiền mừng tuổi của con.

“Trong thực tế sẽ rất khó có thể xảy ra việc xử phạt này bởi chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản có tính chất, mức độ khá nghiêm trọng, không phù hợp với tập quán sinh hoạt giữa cha mẹ với con cái trong gia đình người Việt Nam và rất khó để làm rõ mục đích chiếm đoạt” – luật sư Tùng cho hay.

Theo luật sư Tùng, vào những ngày Tết, người Việt Nam ta có tập quán mừng tuổi cho các cháu nhỏ (thường dưới 15 tuổi). Trong khi đó, khoản 2 Điều 76 Luật HNGĐ 2014 quy định “Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý”; khoản 1 Điều 77 Luật HNGĐ 2014 quy định: "Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Do đó, nếu các cháu nhỏ dưới 15 tuổi được người khác mừng tuổi 1 số tiền và cha mẹ thực hiện cầm giữ, quản lý số tiền này để sử dụng vì lợi ích của con thì rất khó để quy kết đó là hành vi "lấy” hoặc “chiếm đoạt” để xử phạt.

Cũng theo luật sư Tùng, còn đối với các cháu từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu được mừng tuổi thì có quyền tự mình quản lý hoặc nhờ cha mẹ quản lý. Tuy nhiên, nếu cha mẹ vẫn cầm giữ, quản lý số tiền này để đảm bảo các cháu sử dụng đúng mục đích mặc dù không được sự đồng ý của con thì cũng không thể coi đó là hành vi chiếm đoạt. Vì, tại Khoản 2 Điều 76 Luật HNGĐ 2014 quy định: "Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ”.

Tóm lại, việc chứng minh cha mẹ có hành vi chiếm đoạt tài sản riêng là tiền mừng tuổi của con để xử phạt theo Điểm a, Khoản 2 Điều 56Nghị định 167/2013/NĐ-CP là rất khó và có phần chưa phù hợp tới tập quán sinh hoạt trong gia đình người Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.