Giúp con tự bảo vệ mình

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (giữa) trao đổi tại buổi tọa đàm.
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (giữa) trao đổi tại buổi tọa đàm.
TP - Hàng loạt vụ án xâm hại trẻ em gây chấn động thời gian qua lần lượt được phanh phui. Tuy nhiên, với những bậc làm cha làm mẹ, câu hỏi đặt ra là “Tôi phải làm gì để bảo vệ con mình?” vẫn đau đáu mỗi ngày. Thấu hiểu tâm tư phụ huynh, ngày 16/3, báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Văn Hiến TPHCM tổ chức tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” với thông điệp đầy tính nhân văn: Hãy dạy cho trẻ biết cách tự phòng vệ trước nguy cơ bị xâm hại.

Lên tiếng hay im lặng?

Số liệu chính thức từ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 2.000 vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em diễn ra ở nước ta. Trong số đó, trẻ bị xâm hại tình dục chiếm gần 70%. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến (Phó khoa Khoa KHXH & NV, Trường ĐH Văn Hiến) cho biết: “Theo tôi, các số liệu hiện hữu ít hơn hiện thực do các con số này không được thống kê đầy đủ. Nguyên nhân là do quan niệm về sự kỳ thị của người bị hại khiến các em không dám nói lên sự thật, không dám đưa sự việc ra ánh sáng”.

Cũng theo bà Xuyến, khi trẻ bị xâm hại, các em thường kể cho người xung quanh biết nhưng lại được rất ít người lớn công nhận và cho rằng “trẻ con biết gì, ăn nói bậy bạ”. Nhưng có đến 98% các vụ việc từ lời khai của trẻ được xác định là sự thật. Đôi khi cơ quan chức năng hoặc vô tình hoặc cố ý không tin nạn nhân, khiến họ bị đơn độc giữ kín trong vòng 1 năm, 5 năm, thậm chí là…suốt đời.

Nhắc đến những nơi trẻ có thể bị xâm hại, người ta thường nghĩ ngay đến nơi công cộng. Vậy mà, ngay chính trong môi trường giáo dục, cụ thể là trường học cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bà Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen TPHCM) khẳng định: “Ngay cả ở trường đại học, việc xâm hại vẫn xảy ra và người bị xâm hại vẫn ở thế yếu tuyệt đối. Đáng tiếc, có nhiều trường thường không quan tâm mà lại bảo vệ giáo viên, người lớn, bảo vệ hình ảnh của trường… Trường học cũng là xã hội, người có thẩm quyền cần công bằng. Dù người phạm tội là ai thì cũng cần đưa ra ánh sáng. Tiếc là, để các trường chịu lên tiếng, chịu đứng về phía nạn nhân thì đó là cả một chặng đường dài”. 

“Đã đến lúc, xã hội chúng ta không thể im lặng trước thực trạng đau lòng này. Trong mấy ngày qua, báo chí nói chung và báo Tiền Phong nói riêng đã có nhiều thông tin phản ánh, lên án, đưa ra những biện pháp để  phát hiện, ngăn chặn và  đề nghị xử lý nghiêm tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Khi trẻ đã bị xâm hại thì phải dạy cho trẻ biết cách tố cáo hành vi này để người lớn chúng ta phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em đưa thủ phạm ra trước pháp luật xử lý, cùng với đó phải bảo vệ được chính đứa trẻ của mình”- nhà báo Lý Thành Tâm -Trưởng Cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM bày tỏ.

Đừng tiếp tay kẻ ác

Khi có sự việc đáng tiếc xảy ra, nhiều bố mẹ liền đưa con đến đối tượng để “ba mặt một lời”, hoặc đem con đến các cơ quan chức năng bắt trẻ nhớ lại, kể đi kể lại chuyện đó nhiều lần. Điều này vô tình cha mẹ đang gieo vào đầu con rằng, “con đã sai, con là đứa có tội”. Và, rất nhiều cái nhiều cái chết thương tâm của trẻ không phải do kẻ ác, mà do chính người rất thân yêu của trẻ gây ra.

Luật sư Đào Thị Bích Liên (Chi hội phó Hội Bảo trợ quyền trẻ em tại TPHCM) trải lòng: “Suốt 12 năm qua, tôi đã nhận giúp rất nhiều trẻ bị xâm hại. Tôi nghiệm ra lúc này, vai trò người mẹ rất quan trọng. Mẹ phải bình tĩnh, vỗ về con để con vượt qua nỗi sợ bằng cách từ từ nghe con tâm sự chứ không giận hờn, tìm cho ra kẻ hại trẻ, vì như vậy sẽ làm “nỗi đau chồng nỗi đau” và trẻ sẽ càng sợ hơn”.

Theo luật sư Liên, cha mẹ hãy nhẹ nhàng gợi chuyện cho con, khi bé đã tin tưởng và chịu kể, mẹ nên ghi âm câu chuyện ngay từ đầu tiên. Đây là chứng cứ quan trọng nhất, vì chắc chắn những lần sau để không có tình trạng bất nhất trong lời kể. Mẹ cần chụp lại hình ảnh trên cơ thể con; lưu lại quần, không tắm cho con trong 24 tiếng; yêu cầu cơ quan chức năng trưng cầu pháp y, sau đó mới đưa con đi thăm khám.

Không chỉ điều trị tâm lý cho trẻ, mà bố mẹ cũng cần được điều trị, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (chuyên ngành Nhi khoa phát triển hành vi, Bệnh viện Nhi Đồng 1) chia sẻ: “Nhà tâm lý cần nói với mẹ nạn nhân: “Tôi biết chị rất hận người đó. Tôi biết chị rất yêu thương con chị…” – Đó là câu đầu tiên nên nói với phụ huynh để làm “bong bóng tức giận” của phụ huynh xẹp xuống rồi mới có những lời khuyên kế tiếp”.

PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến nêu thực tế, rất nhiều trường hợp “yêu râu xanh” chính là người thân với nạn nhân. Sự tổn hại thể xác chỉ trong giai đoạn nhất thời, nhưng tổn thương tinh thần sẽ âm ỉ có khi đến suốt cuộc đời, khiến các em mất đi niềm tin vào cuộc sống. Nếu gặp phải cha mẹ lúc nào cũng nhìn con bằng ánh mắt đau lòng thì chẳng khác nào dồn con đến đường cùng.

Theo các chuyên gia, cha mẹ không nên “gieo” vào đầu con rằng ai cũng xấu, ai cũng không đáng tin. Ngược lại, hãy trang bị cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ, nói cho trẻ biết những điểm nhạy cảm trên cơ thể, dạy trẻ biết yêu cơ thể mình… Cho trẻ ra ngoài nhiều hơn, tiếp xúc với mọi người để trẻ tự phân biệt điều gì nên và không nên. Những bài học thực tế rất bổ ích.

Là người trợ giúp rất nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại, gần đây nhất là vụ đưa tên “yêu râu xanh” ở Bà Rịa- Vũng Tàu ra công lý, luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, để một sự việc như vậy được phơi bày cần thêm sự chung tay của nhiều người. “Việt Nam có 15 tổ chức bảo vệ trẻ em, nhưng khi chúng tôi gửi văn bản thì không được nhiều tổ chức hỗ trợ. Chúng tôi phải gửi thư đến Chủ tịch nước và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Khi có chỉ đạo của Chủ tịch nước, các tổ chức khác mới vào cuộc. Tuy sự việc được đẩy nhanh tiến độ điều tra nhưng tôi không thể vui và luôn tự hỏi, vì sao các tổ chức không vào cuộc ngay từ đầu vụ xâm hại trẻ ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà phải đến khi có chỉ đạo của Chủ tịch nước mới được chung tay?”, luật sư Luân nói.

“Dường như chúng ta chỉ đặt vấn đề liên quan đến tội phạm chứ không đặt vấn đề bảo vệ bị hại trước. Trong gia đình không có điều kiện để làm điều đó, không ai muốn đem chuyện xấu này kể cho người ngoài. Vì vậy, cần phải có cách gì để can thiệp ngay từ đầu. Chuyện “con kiến đi kiện củ khoai” nằm trong đầu người dân rất nhiều nên khi gặp sự cố, người ta không dám lên tiếng. Không phải ai cũng có đầy đủ kiến thức nên phải có cơ chế phối hợp giữa các bên. Sự bất bình đẳng đang chế ngự và làm hại rất nhiều phụ nữ và em nhỏ”, PGS. TS Trần Thị Kim Xuyến (Phó khoa Khoa KHXH & NV, Trường ĐH Văn Hiến).

* “Tôi đang triển khai chương trình Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ hoàn toàn miễn phí. Mục tiêu của tôi làm sao dạy cho đứa trẻ làm gì để tự bảo vệ mình, làm sao tự ứng phó với kẻ xấu một cách cụ thể… Đã có hàng ngàn đứa trẻ ở các trường tiểu học được đào tạo kỹ năng từ khóa học này. Tôi nghĩ, đây chính là phương tiện để dạy trẻ tự bảo vệ mình trước nạn xâm hại. Thế nhưng, dù là miễn phí nhưng còn nhiều trường vẫn không mặn mà”, Lê Thị Linh Trang (Trưởng khoa Đại cương, Học viện cán bộ TPHCM).

Thêm một vụ trẻ bị xâm hại ở TPHCM

Nghẹn ngào kể về trường hợp của chính con gái mình, ông Lê Hữu T. (ngụ phường Trường Thạnh, quận 9, TPHCM) cho biết, con gái của ông sinh năm 2004 bị xâm hại từ cách đây một tháng. Mặc dù gia đình đã gửi đơn đến công an quận; quận chuyển hồ sơ lên Đội 7- Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM. Thế nhưng, đã 20 ngày nhưng vẫn không có hồi âm. Sau đó, chính ông đến Đội 7 hỏi thăm mới được đơn vị này trả lời “về đợi đi, khi nào hoàn tất hồ sơ, cấp trên ký rồi mới quyết”. 

Trả lời câu hỏi của ông Lê Hữu T. (ngụ phường Trường Thạnh, quận 9, TPHCM), thượng tá Phạm Văn Phòng - Phó trưởng Phòng 6 Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết theo Thông tư 06 trong thời hạn 30 ngày để giải quyết những đơn bình thường. Nhưng với vụ án có tính chất phức tạp thì cần thời gian điều tra 2 tháng. Nếu đặc biệt phức tạp và nghiêm trọng thì cần thời gian dài hơn. Ông Phòng cũng khẳng định, vụ việc của ông T. đã chuyển lên đội trọng án thì chắc chắn là rất phức tạp nên cần thời gian hơn.

MỚI - NÓNG