Gói thầu hơn 8 tỷ, bán thầu thu lời 2,8 tỷ đồng

Gói thầu hơn 8 tỷ, bán thầu thu lời 2,8 tỷ đồng
TP - Cơ quan điều tra, CA tỉnh Lạng Sơn vừa khởi tố bắt tạm giam ba đối tượng: Lưu Đình An (SN 1959), Ngô Văn Toản (SN 1983) về tội tham ô tài sản và Nguyễn Quốc Minh (SN 1979) về tội cố ý làm trái các quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Gói thầu hơn 8 tỷ, bán thầu thu lời 2,8 tỷ đồng ảnh 1
Lưu Đình An tại cơ quan điều tra

Lưu Đình An và Ngô Văn Toản là đội trưởng và đội phó đội 8, Cty cổ phần giao thông I, còn Nguyễn Quốc Minh là cán bộ kỹ thuật Cty cổ phần giao thông I.

Cả ba đối tượng này có liên quan đến vụ rút ruột công trình xây dựng đường của cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình-Lạng Sơn).

Bán thầu kiếm bạc tỷ

Năm 2003, cửa khẩu Chi Ma được tỉnh Lạng Sơn đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh, giao thương giữa hai nước Việt- Trung.

Dự án xây dựng đường nội bộ cửa khẩu được chia làm 5 gói thầu, trong đó Cty cổ phần giao thông I (Bộ GT-VT) trúng thầu gói thầu số 2 (từ Km 0+00 cọc 39 nhánh chính A và nhánh chính B, với tổng chiều dài là 996 m), với giá thầu là  8 tỷ 135 triệu đồng.

Sau khi nhận thầu, Cty này giao cho Đội 8 (trực thuộc Cty) do ông Lưu Đình An làm đội trưởng chịu trách nhiệm thi công.

Ngày 8/6/2004 tại Hà Nội, Đội 8 lại ký hợp đồng giao khoán cho Cty La Sa (Lào Cai) do ông Nguyễn Văn Ngọc làm giám đốc với giá trị hợp đồng gần 5,3 tỷ đồng, An thu lời hơn 2,8 tỷ đồng.

Theo hợp đồng, Cty La Sa chịu trách nhiệm quyết toán, hoàn thành công trình. Ngay sau đó, Cty La Sa lại “sang tay” tiếp cho bà Trịnh Thị Lan, quê ở thôn Thanh Gia (xã Phú Tài, Lương Tài, Bắc Ninh) thi công.

Bà Lan là lao động tự do, chuyên buôn bán vật tư công trình, đồng nát… ngoài chợ trời. Do bị “sang tay” nhiều lần, nên đã qua 4 năm gói thầu số 2 mới xây dựng được 301 m, nhưng nhiều hạng mục công trình chưa nghiệm thu đã xuống cấp nghiêm trọng.

Như vậy, sau khi mua đi, bán lại gói thầu số 2, Lưu Đình An phải nộp 10% giá trị gói thầu (hơn 800 triệu đồng) cho Cty cổ phần Giao thông I, còn lại khoảng 2 tỷ đồng đút túi.

Gói thầu hơn 8 tỷ, bán thầu thu lời 2,8 tỷ đồng ảnh 2
"Theo tôi, đơn vị thi công là người chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó sẽ đến chúng tôi chịu trách nhiệm liên đới. Theo quy định của pháp luật thì tư vấn giám sát phải chịu thôi. Còn anh em sai phạm mức độ nào thì phụ thuộc vào từng cá nhân và kết luận của cơ quan CA.

Về phía đơn vị và cá nhân, tôi khẳng định không có sự ăn chia nào. Còn nếu có, chúng tôi phải chịu trách nhiệm thôi. Đưa hối lộ, nhận hối lộ đều phải bị xử lý hết".

Ông Vi Thế Hồng- GĐ Cty TNHH một thành viên Tư vấn giám sát Lạng Sơn

Do bán thầu nhiều lần, để có lãi, đơn vị trực tiếp thi công đã thi công sai thiết kế, rút bớt vật liệu. Cụ thể, lớp cát tạo mặt phẳng chỉ đạt 2 cm, trong khi thiết kế là 3 cm. Lớp giấy dầu chống thấm rải không kín, nơi có, nơi không. Thép truyền lực bị “rút ruột” gần một nửa.v.v.

Chính vì vậy, đường bê tông nhiều đoạn bị rỗng và hổng, cường độ chỉ đạt 47,9%, thép truyền lực khe co, khe giãn chỉ đạt 53,4% yêu cầu thiết kế. Theo cơ quan điều tra, đã có 1.288 m3 bê tông không đảm bảo chất lượng.

Bà Trịnh Thị Lan vô tư khai nhận: “Tôi chẳng có chuyên môn nghiệp vụ gì về làm bê tông cả. Khi được làm thuê cho Cty La Sa, tôi chỉ biết tổ chức anh em làm việc, mua bán vật tư. Còn tốt xấu thế nào thì đã có các anh bên tư vấn, giám sát. Đến khi tỉnh Lạng Sơn tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ cho xem thì tôi mới biết là thiếu sắt, thiếu vật liệu (?)”.

Những ai phải chịu trách nhiệm?

Trong quá trình thực hiện công việc, Trưởng tư vấn giám sát Hoàng Ngọc Ái (thuộc Cty TNHH một thành viên Tư vấn và XD Công trình Lạng Sơn) cùng các cộng sự đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, không thường xuyên có mặt tại hiện trường nhưng vẫn ký các văn bản nghiệm thu, hồ sơ thi công không có căn cứ thực tế để nhà thầu bớt vật liệu công trình.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư là Ban quản lý Đầu tư XD khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn đã chọn nhà thầu không đủ năng lực thi công, tài chính kém. Khi nhà thầu thi công không đúng quy trình, sai thiết kế, chất lượng kém và thời gian thi công kéo dài vẫn không có các biện pháp xử lý. Nhất là chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý chuyên môn, tư vấn giám sát, gần như phó mặc cho việc mua bán thầu diễn ra nhiều lần.

Ngoài gói thầu số 2, hiện 4 gói thầu xây dựng đường nội bộ cửa khẩu Chi Ma dù mới đưa vào sử dụng nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Những gói thầu này cũng cần được cơ quan điều tra làm rõ.

MỚI - NÓNG