Hà Nội: Tràn lan bãi trung chuyển vật liệu không phép

Ô tô đang mua vật liệu tại một bãi trung chuyển không phép ven sông.
Ô tô đang mua vật liệu tại một bãi trung chuyển không phép ven sông.
TP - Những bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) ven sông dù không có giấy phép cũng không có hợp đồng thuê đất nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động làm ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường, trong khi chính quyền mất đi một nguồn thu đáng kể.

175 bến bãi không phép, sai phép

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, tính đến đầu năm 2016, toàn thành phố có 220 bến bãi trung chuyển VLXD ven sông đang hoạt động, trong đó có tới 175 bãi không phép hoặc được cấp phép sai thẩm quyền. Những bến bãi không phép tập trung nhiều trên địa bàn Phú Xuyên, Thường Tín, Hoàng Mai… Đặc biệt, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, toàn bộ hơn 20 bến bãi trung chuyển đều không có giấy phép.

Theo tìm hiểu của phóng viên, địa bàn Sóc Sơn có 3 con sông chảy qua với tổng chiều dài khoảng 80km nhưng có tới 26 bến bãi, tính trung bình cứ 3km sông thì có 1 bến bãi không phép. Những chủ bãi ở đây đã tự ý sử dụng đất do cấp xã quản lý không chỉ để kinh doanh mà còn xây nhà ở cố định bất chấp những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Luật Đê điều và Luật Đất đai.

Tại một đại công trường kinh doanh cát sỏi trên tuyến sông Công, đoạn qua huyện Sóc Sơn, hàng đoàn xe tải được cơi thùng xếp hàng vào chuyên chở vật liệu. Dàn máy múc, xe tải vẫn hoạt động hết công suất. Một số đoạn đường, tuyến đê đang bị “băm nát” bởi dàn xe quá tải vận chuyển VLXD.

Khó dẹp, thất thu thuế

Lý giải tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết đây là vấn đề… lịch sử để lại. Trước kia, việc kinh doanh VLXD ven sông thuộc về 2 đơn vị nhưng nay đã giải thể. Hơn 300 công nhân và người nhà của 2 đơn vị này tuy là người địa phương nhưng không được cấp ruộng đất nên họ chỉ có thể mưu sinh bằng việc kinh doanh VLXD dù không phép.

Ông Toàn cho rằng, việc quản lý nhà nước về đất đai thuộc về chính quyền cấp xã. Huyện cùng các xã có bến bãi không phép từng nhiều lần ra quân xử lý, thậm chí lên phương án cưỡng chế nhưng chưa thể thực hiện bởi liên quan đến chuyện mưu sinh của dân. “Các chủ bến bãi này không ký hợp đồng thuê đất nên đương nhiên không ai thu thuế của họ” - ông Toàn nói.

Từ tháng 3/2015 đến 3/2016, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra 151 trường hợp tập kết vật liệu ven sông, xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 1 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất; không có hoặc không thực hiện đúng kế hoạch bảo vệ môi trường; để vật liệu xây dựng ven sông gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.

MỚI - NÓNG