Hà Nội:Triệt phá một đường dây thi hộ có tổ chức

Hà Nội:Triệt phá một đường dây thi hộ có tổ chức
TP - Đường dây thi hộ bằng điện thoại di động vừa được Công an thành phố Hà Nội triệt phá. Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Hồng Hải, sinh ngày 15/12/1967 tạm trú tại 28, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội.
Hà Nội:Triệt phá một đường dây thi hộ có tổ chức ảnh 1
Chiến sĩ phòng PA25 - Công an Hà Nội, đang giới thiệu các tang vật thu được tại mùa thi vào ĐH và CĐ năm 2006. Ảnh: Phạm Yên

Trong đợt I kỳ thi tuyển sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), tại hội đồng thi của Học viện Ngân hàng,  thí sinh Vũ Văn Đức (SBD: NHHA 12840), TS Lê Thị Tuyết (SBD: NHHQ 12251) đã sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) để nhận bài giải của một số đối tượng từ bên ngoài.

Ngay lập tức PA25 Công an TP Hà Nội đã khẩn trương làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố liên quan và phát hiện ra một đường dây thi hộ có tổ chức.

Hải (hộ khẩu thường trú: 11 ngõ phố Chùa Hà, Định Trung, Vĩnh Yên) là người tổ chức thu nhận thí sinh có nhu cầu được “giúp đỡ” trong khi thi; bố trí người vào phòng thi đọc đề ra cho những đối tượng được thuê giải đề và sau đó các đối tượng này đọc lời giải vào phòng thi  cho thí sinh.

Trong đường dây có tính tổ chức cao của Hải, mỗi đối tượng đóng một vai. Đối tượng đóng vai thí sinh vào phòng thi và đọc đề ra (ví dụ thí sinh Nguyễn Trung Hiếu, quê Vĩnh Phúc, thi vào ĐHDL Phương Đông); đối tượng giải bài như Hùng- ĐH Bách khoa có trách nhiệm giải bài và đọc lời giải cho thí sinh qua ĐTDĐ và được trả 2 triệu đồng; đối tượng chuyên lắp đặt máy móc, thiết bị cho thí sinh...

Để thí sinh làm quen với việc nhận lời giải từ ngoài vào, Hải đã thuê nhà tại tổ 9, Cầu Lủ Đại Kim làm nơi tập huấn cách chép bài; thuê nhà số 6 ngõ 9 đường Trung Kính (Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội)  làm nơi để các đối tượng nhận đề thi, giải bài và đọc lời giải cho thí sinh; nơi lắp đặt thiết bị cho thí sinh đặt ở một nhà nghỉ ở đường Âu Cơ.

Để phục vụ cho công việc mang tính tổ chức rất cao như vậy, Hải đã mua ĐTDĐ, áo sơ mi khâu túi ở nách để đặt máy, mua tóc giả và bố trí người theo công việc chuyên trách.

Tại cơ quan Công an, Hải đã khai nhận và nộp các tang vật gồm: 51 ĐTDĐ, 50 cục xạc pin, 60 tai nghe ĐTDĐ, 150 thẻ sim ĐTDĐ, 5 bộ tóc giả, 8 áo sơ mi có gắn tai nghe, mực máy fax, nhiều giấy tờ có liên quan, giấy nháp, bài giải và một lượng tiền mặt chưa thống kê được.

Ngoài các thí sinh đã nhận bài giải ở trên còn có trên 20 thí sinh khác nhận được bài giải cả 3 môn thi.

Theo tin ban đầu, hành vi của Hải và đồng bọn là hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước được quy định tại danh mục cấp “tối mật” trong quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 7/2/2005.

Hành vi của Nguyễn Hồng Hải và các đối tượng kể trên có dấu hiệu phạm tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước theo điều 263 Bộ luật Hình sự. Được biết, một vụ đọc đề thi ra ngoài khác cũng được phát hiện tại Thái Nguyên và hiện đang được điều tra để làm rõ. 

Chiều 7/7,  Bộ GD-ĐT tổ chức  một cuộc họp đặc biệt với đại diện cơ quan: Công an và tập đoàn Bưu chính Viễn thông (BCVT) để bàn cách phối hợp chống lại hiện tượng gian lận thi cử bằng ĐTDĐ .

Ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết đợt thi thứ hai còn phức tạp hơn vì môn thi của đợt này phong phú hơn, có nhiều môn thi liên quan đến khoa học xã hội. Ông Trần Bá Giao , Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cảnh báo các thí sinh sắp tham gia thi đợt hai:  Hành vi đọc đề thi ra ngoài là hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước , sẽ bị xử theo điều 263 Bộ luật Hình sự  chứ không theo quy chế tuyển sinh.

Đại diện Tập đoàn BCVT, Cty Thông tin Viễn thông Điện lực, VN Mobile, Vinaphone... đã cùng cơ quan Công an và Bộ GD-ĐT bàn kế hoạch  phối  chống gian lận thi cử bằng ĐTDĐ.

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ gửi công văn lưu ý các Hội đồng tuyển sinh đợt hai nhắc nhở TS về việc không mang ĐTDĐ  vào phòng thi; nâng cao trách nhiệm của giám thị hơn nữa (các vụ việc vừa qua đều do các giám thị  phát hiện) để chống tiêu cực trong thi cử của đợt tuyển sinh thứ hai sẽ diễn ra vào hai ngày 9,10/7. 

MỚI - NÓNG