Hà Tây: Rượu giả được sản xuất tràn lan

Hà Tây: Rượu giả được sản xuất tràn lan
Mỗi năm, tại thị xã Hà Đông (Hà Tây) có hàng vạn chai rượu kém chất lượng được sản xuất và bán ra các tỉnh lân cận.

Một quan chức ở đây cho biết: Nếu kiểm tra thì 100 % mẫu rượu đều có vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, thậm chí là rượu giả. Nhưng, các cơ sở này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Công khai sản xuất rượu kém chất lượng

Hà Tây: Rượu giả được sản xuất tràn lan ảnh 1
Những sản phẩm rượu “ruột Hà Tây, vỏ nước ngoài” được bày bán tràn lan

Ông Đặng Đình Mỹ - Đội trưởng Đội quản lý thị trường TX Hà Đông - cho biết: Một cơ sở sản xuất rượu trên đường Tô Hiệu đang bị quần chúng tố cáo sản xuất rượu giả. Hiện vụ việc đã được báo cáo lên Chi cục.

Mặc cho quần chúng phản ánh, thậm chí các cơ quan chuyên môn tại nhiều địa phương đồng loạt lên tiếng, rượu giả vẫn được sản xuất công khai tại Hà Tây, mà thị xã Hà Đông được giới buôn bán coi như thủ phủ của loại rượu này.

Hà Trì là một ngôi làng nhỏ, nhưng đã có tới 3 cơ sở sản xuất rượu. Không cần phải giở sổ sách, ông Đặng Đình Mỹ cũng đọc vanh vách tên của hàng chục cơ sở sản xuất rượu kém chất lượng trên địa bàn thị xã Hà Đông, như: Hộ bà Nguyễn Thị Hoạt có cơ sở sản xuất rượu tại 45 Tô Hiệu; hộ bà Nguyễn Thị Hợi (Lê Hồng Phong, Hà Cầu); Nguyễn Thị Hoa (Đường Tầu, Phú Lãm); Nguyễn Văn Trí (Nguyễn Trãi); Nguyễn Văn Hiền (La Khê); Nguyễn Thị Vui (Quang Trung)…

Tại Hà Đông có tới 9 cơ sở sản xuất rượu công nghiệp của tư nhân. Và rượu sản xuất tại đây hầu hết đều kém chất lượng. Tại sao một thị xã nhỏ mà có nhiều cơ sở làm rượu thế? Phải chăng người dân quê lụa này nghiện rượu hay họ chỉ thích dùng hàng “cây nhà lá vườn”? Như hiểu được băn khoăn của chúng tôi, ông Mỹ giải thích: “Dân Hà Đông ai mà uống thứ rượu này. Rượu sản xuất ra để bán cho các tỉnh miền núi”.

Theo ông Mỹ, đội quân sản xuất rượu ở Hà Đông hầu hết trước đây đều công tác tại Sở Du lịch, được cho nghỉ về làm kinh tế. Họ cũng được học hành về hoá, lý hoặc đã qua các trường sơ trung cấp về du lịch, biết cách pha chế rượu. Họ về nhà mở xưởng làm rượu theo kiểu “mùa vụ”, tập trung vào mấy tháng trước, trong và sau Tết.

Mỗi năm, ít nhất một cơ sở sản xuất và bán ra thị trường 7 - 8 ngàn chai rượu các loại. Đấy là họ khai với cơ quan thuế chứ thực tình sản xuất bao nhiêu, ai mà biết được. Rất nhiều lần tỉnh bạn đã bắt được hàng vạn chai rượu vận chuyển đi tiêu thụ nhưng không hề có hoá đơn bán hàng.

Bà Mùi - Chủ cửa hàng rượu tự chế tại một cơ sở sản xuất rượu tại Hà Trì - tiếp thị chai rượu vang nổ cho chúng tôi với giá 20.000 đồng: “Sau Tết mới bán thế, trước Tết chai này phải 30 ngàn. Các chú yên tâm, rượu nhà làm được, không nổ không lấy tiền”.

Thấy khách lưỡng lự, bà xởi lởi: “Các chú mở chai này uống đi, nhà chị vẫn uống mà, vào xưởng chị đãi cả ca ấy chứ”. Vừa tiếp thị, chủ quán vừa phăm phăm mở nút chai. Rượu trào ra, sực mùi hương liệu và cồn công nghiệp!

Sợ khách chưa ưng, chủ nhà lại lôi trong hộp ra mấy chai nữa, nào là vang dâu, vang chát, rượu chanh ngâm sâm trông bề ngoài chẳng khác gì rượu sâm Hàn Quốc, nhưng giá chỉ 15.000đ/chai!

Rượu giả - vẫn uống tốt !?

Giá chai rượu vang nổ chúng tôi mua tại 67A Hà Trì vẫn là đắt, ít nhất là gấp 3 lần so với giá thành. Ông Mỹ cho biết: Vang nổ, trước Tết bán tại Hà Đông chỉ 7 - 8 ngàn đồng/chai. Theo tính toán của ông Mỹ, giá thành để sản xuất một chai rượu loại này chỉ khoảng 4 - 5 ngàn đồng (tiền chai: 2000 đồng, nhân công: 1000 đồng, cồn và đường: 2000 đồng).

Rẻ thế, nhưng dân Hà Đông cũng chẳng ai mua, cùng lắm bán cho vài anh dân nghèo kiết, Tết mua để lên bàn thờ cho đẹp thôi. Bạn bè  mà đem biếu họ mắng cho ấy chứ. Tuy nhiên, nếu đem bán tại các tỉnh miền núi có thể được 3 - 4 chục ngàn đồng. Lãi thế nên dân mới sản xuất ra nhiều.

Những loại rượu vang nho, vang nổ, nếp cẩm, vodka… được sản xuất trên địa bàn thị xã Hà Đông, chính là cồn công nghiệp, công thức pha như sau: Cồn y tế pha với nước lã + hương liệu + phẩm màu + cốt rượu (nếu có chỉ  “có gọi là”).

Mặc dù biết rõ các loại rượu được sản xuất tại các cơ sở này kém chất lượng vệ sinh, không đủ tiêu chuẩn công bố, nhưng không phải lúc nào cơ quan quản lý thị trường cũng có điều kiện giám định.

Thật ra, Đội QLTTTX Hà Đông đã gửi 2 mẫu đi giám định nhưng đều nhận được kết quả tốt, rượu không có độc tính. “Hơn nữa, cơ quan Y tế  cũng thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở rồi. Cồn và chất tạo màu đều mua từ Sở Y tế, do đó chất lượng yên tâm. - Ông Mỹ cho biết - “Vậy các anh có bao giờ uống loại rượu này không?” – Chúng tôi hỏi. “Loại rượu này chúng tôi vẫn uống, nhẹ lắm. Uống vào có thấy làm sao đâu. Tất nhiên là uống nhiều thì có thể cũng đau đầu!” - Ông Mỹ hồn nhiên nói.

Chánh thanh tra Sở KH-CN Hà Tây, ông Vũ Văn Thịnh (Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành chất lượng thực phẩm trong dịp tết vừa qua) nói: “Đúng là rượu có vấn đề. Loại rượu này, cho tôi cũng chẳng dám nhận”.

Vừa qua, tỉnh Hưng Yên có công văn yêu cầu sở kiểm tra các loại rượu do cơ sở Hải Hà (Số 3 ngõ 8, Lê Lợi, Hà Đông) sản xuất do không đủ tiêu chuẩn. Thế nhưng, khi thanh tra đến, cơ sở lại không còn sản xuất nữa. Ngạc nhiên hơn, họ còn xuất trình đủ phiếu kiểm định của cơ quan y tế tỉnh chứng minh các mẫu rượu tại đây đều đủ tiêu chuẩn lý hoá, vi sinh…

Nhiều nơi bắt được rượu giả, kém chất lượng có xuất xứ từ Hà Tây

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Thọ cho biết đã đình chỉ 688 chai rượu các loại, trong đó có nhiều loại rượu của cơ sở sản xuất Hải Hà (Hà Cầu, Hà Đông, Hà Tây). Tỉnh Hà Giang tiêu huỷ khoảng 700 chai rượu kém chất lượng. Nghệ An tịch thu và tiêu hủy 456 lon nước uống tăng lực của Cty TNHH bánh kẹo, nước giải khát Mỹ Liên-Hà Tây sử dụng đường hóa học.

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (CCTCĐLCL) Hưng Yên trong quá trình kiểm tra cũng đã phát hiện mẫu rượu nếp (Vodka) kém chất lượng của cơ sở sản xuất Hoàng Quy. Thanh Hoá đã có 3 văn bản gửi lên các cấp có thẩm quyền đề nghị xử lý các sản phẩm rượu vang nho, vang đào của cơ sở “tên tuổi” ở Hà Tây: 30 chai của Hoàng Quy (số 3, ngõ 8, Lê Lợi, Hà Đông, Hà Tây), 90 chai của Hải Hà (Hà Cầu, Hà Đông, Hà Tây), Cty TNHH 2/9 Hoà Nam, Cty dịch vụ Tân Thịnh (148, Trần Phú, Hà Đông, Hà Tây) có 510.

Qua xét nghiệm, liên ngành Thanh Hoá cho biết, thực chất các mẫu rượu nói trên không phải là rượu vang nho vì chúng được pha chế từ cồn, hương liệu và đường hoá học. Do những sản phẩm có chất lượng quá kém nên các cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính, đồng thời tiến hành tiêu hủy.  

MỚI - NÓNG