Hai Chi: 12 năm phá rừng chỉ dính 10 vụ "cỏ"!

Hai Chi: 12 năm phá rừng chỉ dính 10 vụ "cỏ"!
Bản báo cáo chi tiết về tình hình quản lý bảo vệ rừng do ông phó ban thường trực Ban Chỉ đạo chống phá rừng huyện Hàm Tân gửi về Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã cho thấy những con số bất ngờ.

Theo báo cáo, trong 12 năm (từ 1993 đến 2005) băng nhóm Hai Chi lộng hành trong việc khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản, lực lượng kiểm lâm và công an huyện thi nhau bắt nhưng rốt cuộc chỉ bắt được 10 vụ cỏn con. Gần một nửa số vụ này được kết luận “nghi là của Hai Chi”.

Sở dĩ dân Bình Thuận gọi 10 vụ này là những vụ cỏn con không đủ gãi ngứa Hai Chi, bởi suốt cả một thời gian dài không ai dám lọt vào lãnh địa của băng nhóm này.

Con số 10 vụ với lượng lâm sản quá ít, được gọi là của băng nhóm Hai Chi bị phát hiện trong 12 năm qua chẳng thấm vào đâu so với thực tế hàng trăm vụ xảy ra tại địa bàn 2 xã này.

Bằng chứng là theo thống kê chưa đầy đủ cũng của chính Ban Chỉ đạo chống phá rừng huyện Hàm Tân: Chỉ riêng từ năm 2001 đến 6 tháng đầu năm 2005 đã có đến 271 vụ vận chuyển lâm sản trái phép bị phát hiện và bắt giữ tại 2 xã Tân Nghĩa và Sông Phan.

Rất nhiều người dân từng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ cho băng nhóm Hai Chi khẳng định, thực chất mỗi năm các lực lượng như kiểm lâm, Công an Hàm Tân chỉ bắt một-hai vụ của băng nhóm này, trước là để nhắc nhở anh em Hai Chi không được quên công “các anh” đã giúp đỡ, sau nữa là cũng có cái để “báo công” với huyện, tỉnh.

Ngay sau khi Ban Chuyên án “Đồi Hoa Mai” công khai vào cuộc, để có thông tin chính thức về hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản của băng nhóm Hai Chi, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã có công văn ngày 30/6/2005 đề nghị các cơ quan trực thuộc báo cáo chi tiết riêng về tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn 2 xã Tân Nghĩa và Sông Phan (một xã mới tách ra từ xã Tân Nghĩa).

Và điều ai cũng thấy là: nhờ vào số vụ và số lâm sản bị phát hiện, bắt giữ quá ít nên anh em nhà Hai Chi đã nằm ngoài danh sách bị khởi tố về các tội tổ chức khai thác, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép.

Thực tế thì vợ bé Hai Chi (Lê Thị Thu Hằng), Nguyễn Công Thọ (Thọ “đại tá”), Nguyễn Công Tư (Tư “gà lôi”), đặc biệt là Hai Chi, liên tục tái phạm trong thời gian rất dài.

Thêm nhiều nhân vật nghi vấn bảo kê cho Hai Chi

Ngoài những nhân vật cộm cán mà báo chí đã nêu, người dân Tân Nghĩa còn cung cấp thêm một loạt những tên tuổi khác nghi vấn bảo kê cho băng nhóm Hai Chi, như ông Lê Văn Chiến và Trần Văn Sơn (cán bộ kiểm lâm trực tiếp phụ trách địa bàn xã Tân Nghĩa từ năm 2001 đến 2005), ông Nguyễn Thanh Tính và Đàn Hữu Chính (cán bộ kiểm lâm trực tiếp phụ trách địa bàn xã Sông Phan từ tháng 5-2004 đến nay).

Những cán bộ này được Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cử xuống “nằm vùng” với các nhiệm vụ: trực tiếp theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, tham gia công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản, tham mưu cho chủ tịch UBND xã trong công tác quản lý bảo vệ rừng, chống phá rừng trên địa bàn xã, tham mưu cho các thôn xây dựng quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư. Thế nhưng quần chúng đã phát hiện những vị này thường hay giao du với anh em nhà Hai Chi.

Rất nhiều người cũng đặt ra câu hỏi vì sao Tân Nghĩa và Sông Phan luôn được đánh giá là điểm nóng đặc biệt về phá rừng và kinh doanh vận chuyển lâm sản, thế nhưng sau khi Chính phủ có Chỉ thị về tăng cường công tác chống phá rừng thì huyện Hàm Tân có tổ chức 2 đợt ra quân rầm rộ về khu vực này.

Mỗi đợt có tới vài chục người là công an, kiểm lâm, tỉnh đội, lâm trường v.v... tham gia nhưng rốt cuộc ở đợt đầu (ngày 5 và 6/9/2003) chỉ phá hủy được 8 cái chòi của dân làm rẫy, thu được 2,3 m3 gỗ tròn vô chủ; đợt 2 tổ chức vào ngày 12 và 13/4/2004 chỉ phá hủy được 5 cái chòi của dân làm rẫy, thu được 0, 376 m3 gỗ tròn nhóm 3.

Nghe nói sau những đợt này, anh em nhà Hai Chi hí hửng ra mặt, nhậu ở đâu cũng khoe: “Công an hay kiểm lâm đều là anh em của nhà này cả!”.

Lật lại hồ sơ vụ “chuyến xe bão táp”

Ban Chuyên án “Đồi Hoa Mai” đang củng cố hồ sơ làm rõ vụ “chuyến xe bão táp”. Năm 2002 chiếc xe biển số 86K-0004, tài xế là Nguyễn Hữu Toàn - một đàn em đắc lực của Hai Chi - liên tục vận chuyển lâm sản nên đã lọt vào “tầm ngắm” của đội đặc nhiệm thuộc Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận.

Ngày 1/5/2002 đội đặc nhiệm phát hiện chiếc xe này chở đầy gỗ chạy từ hướng huyện Hàm Thuận Nam vào TPHCM. Một tổ đặc nhiệm rượt theo suốt quãng đường 24 km, liên tục bắn chỉ thiên nhưng tài xế luôn tăng ga và lạng lách.

Hỗ trợ cho chiếc xe này là một chiếc mô tô phân khối lớn do 2 tên trùm khăn kín mặt điều khiển và luôn “cản địa” khiến xe đặc nhiệm lật ngang sang lề đường. Đến khi bị các tổ đặc nhiệm tăng cường hỗ trợ nhau rượt đuổi quyết liệt, tài xế bỏ xe, gài số cho chạy tự do nên đâm sập nhà dân.

Sự việc sau đó được dàn xếp êm lẹ và chìm xuồng trước sự ấm ức và bất lực của các cán bộ Chi cục Kiểm lâm.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...