Hàng loạt vụ xâm hại trẻ em gây chấn động: Hòa giải là tiếp tay cho tội phạm?

Hiện trường vụ xâm hại cháu N. ở Hoàng Mai. Ảnh: Xuân Ân.
Hiện trường vụ xâm hại cháu N. ở Hoàng Mai. Ảnh: Xuân Ân.
TP - “Một số vụ việc dù cơ quan điều tra đã vào cuộc nhưng xử lý quá chậm, thông tin mập mờ khiến gia đình của trẻ bị hại vô cùng bế tắc, dư luận xã hội phẫn nộ”, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ trước hàng loạt vụ xâm hại trẻ em vừa qua.

Bà Hiền cho hay: Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ trước đến nay luôn được Đảng, Nhà nước xem là chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định lâu dài cho đất nước. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em gây chấn động dư luận xã hội. Nhất là các vụ việc xâm hại tình dục, bạo lực, ngược đãi, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em có tính chất phức tạp, đáng báo động.

Luật hình sự hiện hành có quy định rõ hành vi xâm hại tình dục trẻ em phải được xử lý hình sự, phải tiến hành các biện pháp điều tra theo luật định. Tuy nhiên, một số vụ việc cơ quan điều tra lại mời các bên để hòa giải dân sự (điển hình là vụ 9 trẻ em bị xâm hại ở Vũng Tàu, 2 trẻ em bị xâm hại ở quận Hoàng Mai - Hà Nội...)! Chỉ khi bị áp lực dư luận và trước những dấu hiệu tội phạm không thể chối cãi thì mới khởi tố vụ án để tiến hành điều tra. 

Những vụ việc gây bức xúc có thể kể đến như nghi án 9 trẻ em bị xâm hại tình dục ở Vũng Tàu; vụ dâm ô đối với hai trẻ ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; vụ trẻ em bị xậm hại ở trường Lương Thế Vinh, TPHCM. Rồi các vụ  liên quan ngược đãi như: Hiệu trưởng trường mầm non đe dọa ném cháu bé qua cửa sổ; Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên ngồi trên taxi đâm gãy chân học sinh... Hằng ngày, qua tin tức báo chí và mạng xã hội, người dân cả nước chứng kiến những vụ việc kinh hoàng về xâm hại, bạo hành trẻ em. Thậm chí những hành vi của tội ác này không chỉ thực hiện bởi người ngoài mà còn có cả người thân cùng huyết thống!

Trước thực trạng trên, bà đánh giá ra sao về sự vào cuộc của cơ quan điều tra?

Các vụ việc này đã được nạn nhân là trẻ em, người giám hộ hợp pháp của trẻ gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra, đơn kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng hiện nay, một số vụ việc dù cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc, nhưng việc xử lý quá chậm, thông tin mập mờ khiến gia đình của trẻ bị hại vô cùng bế tắc, dư luận xã hội phẫn nộ.

Đặc biệt là có những vụ việc xử lý kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra... Điều đáng tiếc là, trong những thời điểm xảy ra vụ việc, báo chí đưa tin, dư luận phản ứng thì ít thấy các cơ quan này có những động thái quyết liệt, lên tiếng đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. 

Việt Nam, đất nước đầu tiên của châu Á và thứ hai trên thế giới tham gia ký kết Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, không thể tồn tại việc người có hành vi phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài xã hội, thách thức pháp luật.

Trong khi chúng ta đang kỳ vọng vào Luật Trẻ em 2016, thì trước thời điểm luật có hiệu lực (từ ngày 1/7/2017), những vụ việc về xâm hại bạo hành trẻ em đã xảy ra liên tục, mức độ nghiêm trọng.

Hàng loạt vụ xâm hại trẻ em gây chấn động: Hòa giải là tiếp tay cho tội phạm? ảnh 1 Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền.

Sự im lặng khó hiểu

Được biết, ngay trong phiên họp thứ 8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây, bà sẽ trực tiếp chất vấn cơ quan chức năng về tình trạng này?

Tôi đã gửi nội dung chất vấn về việc này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8 tới đây. Điều tôi quan tâm là, trước những vụ việc xâm hại nghiêm trọng quyền trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về trẻ em hay chưa? Có tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em; giải quyết, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của trẻ em, người giám hộ và tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hay không?

Luật hình sự hiện hành có quy định rõ hành vi xâm hại tình dục trẻ em phải được xử lý hình sự, phải tiến hành các biện pháp điều tra theo luật định. 

Tuy nhiên, một số vụ việc cơ quan điều tra lại mời các bên để hòa giải dân sự (điển hình là vụ 9 trẻ em bị xâm hại ở Vũng Tàu, 2 trẻ em bị xâm hại ở quận Hoàng Mai - Hà Nội...)! Chỉ khi bị áp lực dư luận và trước những dấu hiệu tội phạm không thể chối cãi thì mới khởi tố vụ án để tiến hành điều tra. 

Tại sao với những vụ án về trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng như vậy, phải đợi sự phản ánh của báo chí, sự phẫn nộ lên tiếng của dư luận xã hội, thậm chí phải có sự chỉ đạo của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng thì các vụ việc mới được quan tâm xem xét điều tra nhanh chóng? Sự im lặng, dây dưa ấy có thể là hành vi che đậy tội lỗi, tiếp tay cho tội ác, cướp đi tương lai của các em, là thế hệ tương lai của quốc gia hay không?

8h30 ngày 16/3, BÁO TIỀN PHONG TỔ CHỨC TỌA ĐÀM

“CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM”

Thời gian qua ở Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ có dấu hiệu xâm hại tình dục trẻ em. Trước thực trạng đáng báo động này, báo Tiền Phong phối hợp với ĐH Văn Hiến (TPHCM) tổ chức buổi tọa đàm: “Chống xâm hại tình dục trẻ em” với sự tham gia của các cơ quan bảo vệ trẻ em, bảo vệ pháp luật, các chuyên gia tâm lý, luật sư, nhà sư phạm, bác sỹ và báo chí.

Thời gian: 8.30 ngày 16/3/2017.

Địa điểm: Địa điểm: Khách sạn New Epoch, 120 Cách mạng tháng 8, quận 3, TP HCM. Buổi tọa đàm sẽ được trực tuyến trên Tiền Phong điện tử.

Báo Tiền Phong


MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.