Hành trình của kẻ vượt ngục

Hành trình của kẻ vượt ngục
Sau hàng chục năm trốn chui, trốn lủi trong lo sợ, không một phút giây thanh thản, cuối cùng Nguyễn Văn Hồng (58 tuổi, ở xã Quảng Lộc, Quảng Trạch, Quảng Bình) phải bước ra ánh sáng pháp luật.

Hành trình của kẻ vượt ngục

> Bước sa chân của một cán bộ phụ nữ

Sau hàng chục năm trốn chui, trốn lủi trong lo sợ, không một phút giây thanh thản, cuối cùng Nguyễn Văn Hồng (58 tuổi, ở xã Quảng Lộc, Quảng Trạch, Quảng Bình) phải bước ra ánh sáng pháp luật.

Nguyễn Văn Hồng thời trẻ (ảnh nhỏ) và tại trụ sở Công an xã Trà Đa. Ảnh: T.Q.N
Nguyễn Văn Hồng thời trẻ (ảnh nhỏ) và tại trụ sở Công an xã Trà Đa. Ảnh: T.Q.N.

Năm 1978, Hồng làm công nhân xây dựng bệnh viện tại H.Quảng Trạch. Một hôm, Hồng đi uống rượu về, do ghen tuông nên hai vợ chồng cãi nhau. Sẵn có men rượu trong người, Hồng cầm dao xông ra ngoài chuồng lợn chém 2 con lợn. Không dừng ở đó, Hồng quay vào nhà chém vợ 2 nhát trúng cổ và cằm. Tưởng vợ đã chết, Hồng bỏ trốn. May mắn, người vợ được cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch. Hồng bị bắt sau đó, bị xử tội “giết người” và nhận mức án 12 năm tù.

Vượt ngục, thay tên đổi họ

Những tưởng đó là bài học thích đáng, là cơ hội để Hồng làm lại cuộc đời nhưng ngược lại, Hồng luôn nghĩ cách vượt ngục. Chấp hành án tại Trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình) gần 1 năm thì Hồng bỏ trốn và biệt tích. Gia đình Hồng cũng không hề hay biết, mọi người chỉ nghe phong thanh là Hồng vào Nam. Hồng bị Công an Bình Trị Thiên (cũ) phát lệnh truy nã từ 1980.

Hồng khai, vào Nam y sống chui lủi trong bóng tối và dường như không kết giao bạn bè với ai. Khi đang lẩn trốn tại TP.HCM, tình cờ y nhặt được một giấy CMND mang tên Nguyễn Trường Lâm (quê quán Nghệ Tĩnh; nơi thường trú ở Tân Xuân, Xuân Bảo, Xuân Lộc, Đồng Nai), nó như lá bùa giúp Hồng tiếp tục cuộc trốn chạy. Hồng thay ảnh mình vào đó, hành trình đổi tên, tuổi, đăng ký thường trú bắt đầu từ đây.

Sau đó, Hồng lập gia đình với một phụ nữ khác rồi chuyển lên sinh sống tại Gia Lai. Nhưng với tâm lý luôn sợ bị phát hiện, Hồng liên tục cùng gia đình thay đổi nơi ở.

Đằng đẵng mấy chục năm trôi qua, nhưng cái tên Nguyễn Văn Hồng với trọng tội và trốn trại vẫn không phai mờ đối với cán bộ, trinh sát đảm trách nhiệm vụ truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Bình. Việc này được các cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) đặt lên hàng đầu ngay khi vừa thành lập phòng. Chuyên án được lập vào năm 2010 và được xem là hết sức khó khăn, vì như mò kim đáy bể bởi thời gian kẻ trốn chạy đã quá lâu, quá trình chuyển giao hồ sơ qua nhiều thế hệ bị thất lạc, thậm chí lãng quên.

Tỉnh Bình Trị Thiên ngày ấy giờ đã được tái lập làm 3. Các cán bộ Phòng PC52 đã gõ cửa gần như tất cả các cơ quan hành pháp tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế để tìm hồ sơ về Hồng. Bằng biện pháp nghiệp vụ, trinh sát hay tin Hồng đã mang tên Nguyễn Trường Lâm, có vợ và 3 con. Nhưng Hồng đang ở đâu thì vẫn là ẩn số.

Rà lại anh em Hồng, trinh sát phát hiện có 1 người em tên Tr., đi bộ đội ở miền Bắc nhưng lấy vợ của cấp trên nên bỏ vào TP.Pleiku sống.

Tại đó, Tr. sống khép kín, tách biệt với những người xung quanh. Gia đình Tr. được đưa vào tầm ngắm theo dõi nhưng không thu được kết quả. Rà lại thông tin từ những người sống lâu năm trên địa bàn này, manh mối bắt đầu lộ diện khi có một người cho biết hơn 10 năm trước có 1 người tên Lâm; đặc điểm là trán cao, tóc dựng đứng, trước trán có 1 cái sẹo sống. Tuy nhiên, người này đã bán đất và chuyển đi nơi khác.

Tìm đến khu đất đó, trinh sát được biết mảnh đất đã bị bán qua rất nhiều chủ. Tiếp tục đến cơ quan địa chính, tìm lại tất cả những người đã mua và bán mảnh đất, trinh sát thu được thông tin đáng giá: Lâm bán đất rồi về sống ở xã Trà Đa, TP.Pleiku. Tổ trinh sát đến Công an xã Trà Đa, khi vừa đặt vấn đề, các công an viên trả lời ngay có một ông cụ khoảng 70 tuổi, thường hay uống rượu.

Theo như công an xã nói thì độ tuổi người tên Lâm kia chênh lệch nhiều so với Hồng, nhưng thượng tá Đinh Sỹ Hùng - Phó trưởng Phòng PC52 Quảng Bình linh cảm gần như sắp chạm mặt Hồng. Lúc ấy, trong đầu anh nhớ lại 3 chi tiết cơ bản để phát hiện Hồng: mắt xếch, tóc dựng, nói giọng Quảng Bình.

Nếu chấp hành án phạt thì đã ra tù

Khoảng 9 giờ sáng một ngày đầu tháng 8-2011, thượng tá Hùng cùng Công an Gia Lai và Công an xã Trà Đa đến nhà “Lâm”. Phương án vạch ra là công an xã đi bộ vào trước, nếu ông già có ở nhà thì ra hiệu cho thượng tá Hùng và trinh sát vào; khi vào thì thượng tá Hùng sẽ không lên tiếng vì đề phòng để lộ giọng Quảng Bình, Hồng sẽ tìm cách chống cự. Và mọi việc diễn ra đúng như dự tính, khi cán bộ vào nhà, có một đứa trẻ liền gọi “ông nội ơi, nhà có khách”. Khi “Lâm” vừa bước ra, thượng tá Hùng nhận ra ngay đó chính là Hồng, kẻ đội lốt lẩn trốn pháp luật hàng chục năm qua. Hồng được mời lên trụ sở UBND xã làm việc. Ban đầu, Hồng nhất mực từ chối bằng giọng miền Nam: “Tôi có việc gì mà làm, có gì thì hỏi đây luôn đi”. Vợ Hồng cũng xông ra ngăn cản. Đến lúc đó, thượng tá Hùng mới lên giọng đanh thép: “Anh biết tôi nói giọng ở đâu rồi chứ, anh biết chuyện gì rồi chứ? Mời anh lên trụ sở làm việc, anh hãy chấp hành để còn nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.

Tại trụ sở UBND xã Trà Đa, ban đầu Hồng khăng khăng mình tên là Lâm, quê Nghệ Tĩnh. Nhưng trước những lý lẽ chắc chắn của cán bộ truy nã, Hồng phải cúi đầu nhận tội.

Lệnh bắt kẻ giết người, trốn trại Nguyễn Văn Hồng được công bố trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương, hàng xóm và sự ngỡ ngàng của gia đình. Sau phút bàng hoàng, vợ của “Lâm” sụt sùi nói: “Trong suốt chừng ấy năm, anh ấy thay đổi chỗ ở đến 12 lần mà không có một lý do chính đáng nào và chưa bao giờ nhắc đến việc đưa vợ con về thăm quê chồng”.

Hồng không thể ngờ sau bấy nhiêu năm thay tên đổi họ với hàng chục lần thay đổi chỗ ở vẫn không thể thoát khỏi lưới pháp luật. Nét khắc khổ xen chút hối tiếc hiện rõ trên khuôn mặt, Hồng thổ lộ: “Thời gian lẩn trốn, tôi luôn bị dằn vặt về tội lỗi và lúc nào cũng mang nỗi lo sợ bị công an bắt bất cứ lúc nào”. Có lẽ vì thế, Hồng đã già khọm so với tuổi.

Thượng tá Đinh Sỹ Hùng cho biết, nếu chấp hành nghiêm túc án phạt thì giờ này Hồng đã ra tù và có cuộc sống hoàn lương với xã hội.

Theo Trương Quang Nam
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.