Hậu quả của “thấy lợi là làm”

Hậu quả của “thấy lợi là làm”
TP - 11 người (cao nhất là nguyên Phó Giám đốc sở) vừa bị Công an Cần Thơ khởi tố bị can về tội “lập quỹ trái phép” ở Phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều, Cần Thơ. Bài học gì rút ra ở đây?

Quỹ chính thức hình thành đầu năm 1992 khi Phòng Quản lý Đô thị (QLĐT) lập “tổ đo vẽ” (14 năm qua Phòng này nhiều lần đổi tên nhưng bài này viết thống nhất theo tên gọi hiện nay).

Tình hình trật tự đô thị lúc đó rất lộn xộn: Việc xây dựng nhà mới, kê khai đăng ký nhà cũ đều không có bản vẽ. “Tổ đo vẽ” ra đời, gồm các kỹ sư hợp đồng, để đáp ứng nhu cầu vẽ thiết kế nhà, sơ đồ hiện trạng nhà, đất; đồng thời tham gia quản lý quy hoạch.

Lúc đầu, tổ chỉ có vài kỹ sư về sau phát triển hơn 10 kỹ sư và trung cấp. Mỗi năm, tổ vẽ khoảng 3.000 bộ hồ sơ cho dân, gần 1.000 bộ hồ sơ phục vụ công tác chỉnh trang đô thị, giải quyết tranh chấp, góp phần đưa công tác quản lý đô thị vào nền nếp.

“Tổ đo vẽ” ra đời theo sự cho phép của UBND TP Cần Thơ (cũ) nay là quận Ninh Kiều. Thời kỳ đầu (1992 – 1996), thu tiền bằng biên lai của ngành tài chính, nộp vào ngân sách 40%, còn 70% được giữ lại theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Thời kỳ sau (1997 – 2006), có Luật Ngân sách, ngành Tài chính không còn cấp biên lai, để hoạt động Phòng QLĐT ký hợp đồng “núp bóng” 2 đơn vị khác và trả cho 2 đơn vị này 21% - 25% giá trị (tùy loại hồ sơ).

Tổng số tiền thu được 7 tỷ 229.270.072 đồng. Sau khi nộp các khoản như trên, số tiền giữ ở Phòng QLĐT được trả lương hợp đồng, chi phí công tác, mua sắm trang thiết bị làm việc và đưa vào quỹ phúc lợi. Có sổ sách ghi chép đầy đủ.

Quá trình xử lý và bài học rút ra

Cơ quan CSĐT Công an Cần Thơ cho rằng: Việc lập “tổ đo vẽ” là sai chức năng và số tiền thu được không nộp hết vào ngân sách để chi tiêu theo quy định là phạm tội “lập quỹ trái phép”.

Tuy nhiên, do động cơ, hoàn cảnh lịch sử nên chỉ xem xét trách nhiệm hình sự ở giai đoạn sau (1997 – 2006). Giai đọan này, sau khi trừ các chi phí hợp lý, số tiền thất thoát được xác định là 3 tỷ 481.370.173 đồng (chủ yếu đưa vào quỹ phúc lợi).

Vụ này được phát hiện giữa năm 2005, khi ông Bùi Hữu Nhơn làm Chủ tịch UBND lâm thời quận Ninh Kiều đã cho tiến hành thanh tra. Thế nhưng, dù phát hiện sai trái, “tổ đo vẽ” vẫn tiếp tục hoạt động đến tháng 4/2006 mới dừng hẳn khi ông Bùi Hữu Nhơn ký công văn chuyển hồ sơ sang công an.

Cơ quan CSĐT Công an Cần Thơ đánh giá: Phát hiện sai phạm mà không ngăn chặn ngay thì lãnh đạo quận Ninh Kiều cũng sai, tuy nhiên do quận mới thành lập có nhiều khó khăn khách quan chứ không phải do bao che nên được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Vụ án là hậu quả của lối tư duy “đơn giản” trong công tác quản lý hành chính. Thấy việc có lợi cho xã hội, tập thể và cá nhân là tổ chức làm mà không căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao.

Trong 14 năm, nhiều lần Phòng QLĐT được khen là năng động sáng tạo, được tặng nhiều bằng khen của Bộ Xây dựng và UBND Cần Thơ.

Vụ việc còn đẩy nhiều kỹ sư trẻ ở “tổ đo vẽ” như  Tạ Chí Nhân, Tăng Hoàng Chương, Nguyễn Tùng Nguyên, Nguyễn Minh Tuấn… chỉ biết hăng hái làm việc nay vào chỗ bị khởi tố tội hình sự.

Tuy nhiên, một Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Cần Thơ nói với PV Tiền phong: Hoàn cảnh khách quan sẽ được xem xét khi đánh giá hành vi của từng cá nhân. 

MỚI - NÓNG