Hé lộ thêm những quan chức "bảo kê" cho Hai Chi

Hé lộ thêm những quan chức "bảo kê" cho Hai Chi
Vụ án Hai Chi có những tình tiết mới. Đã có thêm nhiều bằng chứng về một số quan chức bảo kê cho băng nhóm Hai Chi. Trong đó, có một cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh.

Ông Lý Việt Hoa - Nguyên Trưởng CA huyện Hàm Tân, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Tân Nghĩa - đã cung cấp cho Ban chuyên án HT- 405 (Ban chuyên án vụ Hai Chi) thông tin về vụ việc rất quan trọng, liên quan đến những người "bảo kê" cho Hai Chi.

Ông Hoa cho biết: Vào năm 1994, dân quân xã Tân Nghĩa  bắt giữ một xe gỗ lậu của Hai Chi với số lượng hơn 2 m3. Ông Lê Quang Thuần - Bí thư xã Tân Nghĩa (Hàm Tân), lúc đó làm Chủ tịch xã, đã can thiệp và yêu cầu thả xe gỗ.

Ông Thuần đến gặp ông Hoa, nói là có một cán bộ tên H, giữ cương vị quan trọng ở Viện KSND tỉnh, đã gọi điện thoại yêu cầu phải thả xe gỗ của Hai Chi. Ông H này đang cần Hai Chi chở gỗ ván ra Phan Thiết để "phục vụ" công việc riêng. Ông Hoa đã kiên quyết từ chối.

Ông Thuần đã chạy chọt lên gặp một số vị lãnh đạo ở huyện Hàm Tân để trình bày và nhờ "giúp đỡ". Sau đó chiếc xe gỗ lậu chỉ bị xử phạt nhẹ và rồi được thả ra. Những điều ông Hoa cung cấp phù hợp với đơn tố cáo của một số người dân địa phương về ông Thuần. Những người dân này còn cho biết, ông Thuần có quan hệ họ hàng với Hai Chi.

Ngày 21/7, phóng viên đã gặp trực tiếp ông Thuần để tìm hiểu, nhưng ông Thuần từ chối trả lời. Cũng theo lời kể của ông Hoa thì ngày 22/7, ông Thuần đã tìm đến nhà ông Hoa để xin ông Hoa đừng tiết lộ vụ việc.

Ngày 26/7, một thành viên Ban chuyên án đã lập tức về TPHCM báo cáo với Tổng cục Cảnh sát.

Chạy tội cho ông Hoàng Đình Loan

Trong 2 tuần qua, sau khi bị đình chỉ công tác, Trung tá Hoàng Đình Loan - Phó Trưởng CA huyện Hàm Tân - đã được triệu tập về CA tỉnh để tường trình về việc "bảo kê" cho Hai Chi. Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Loan đang tìm cách phủ nhận trách nhiệm.

Ông Phạm Văn Trung - Nguyên cán bộ của Đội CSĐT, CA huyện Hàm Tân - đã báo cho phóng viên biết về việc một sĩ quan CA huyện tên L, mang hàm Thiếu tá, đang tìm cách "chạy tội" cho Trung tá Hoàng Đình Loan.

Ông Trung bị kỷ luật ra khỏi ngành vào năm 1993 vì để cho một phạm nhân bỏ trốn. Trước đó, ông Trung làm trong Đội Cảnh sát Điều tra và biết nhiều về ông Loan.

Theo ông Trung, cách đây vài hôm, viên sĩ quan CA này đã tìm đến nhà và ép buộc ông Trung nhận trách nhiệm đã cho Hai Chi "về phép" trong lúc ở tù vào năm 1992. Ông Trung phản đối và trả lời rằng, chỉ có ông Loan mới có quyền cho phép Hai Chi "về phép", thậm chí đã cho về thường xuyên, để đến nỗi Hai Chi tham gia vào một vụ gây rối  ở địa phương. Khi chia tay ông Trung, viên sĩ quan còn dặn: "Nếu có ai hỏi lại vụ đó, cứ nói Hai Chi tự trốn về".

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.