Hòa Bình: Axit cấm trong y tế được dùng rửa máy chạy thận?

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc.
TPO - Người để axit tồn dư trong hệ thống nước dùng lọc máu chạy thận khiến 8 người chết cho biết, anh không được đào tạo và cũng không ai cho biết axit của mình bị cấm dùng trong y tế.

Chiều 15/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án sự cố trong chạy thận khiến 8 người chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).

Tại tòa, chủ tọa tiến hành xét hỏi các bị cáo nhằm làm rõ việc tại sao có axit trong nước dùng để lọc máu tại Đơn nguyên thận nhân tạo trong BV Hòa Bình.

Kiểm sát viên cho rằng, khi hệ thống lọc nước RO bị hỏng, giám đốc BV Hòa Bình đã ký với Cty Thiên Sơn hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng. Tuy nhiên, Cty Thiên Sơn thuê lại bị cáo Bùi Mạnh Quốc thực hiện việc này.

Ngày 28/5/2017, Quốc đã dùng axit để rửa màng lọc trước khi cho nước sạch vào tẩy rửa. Do sai sót và không kiểm tra, một lượng axit vẫn tồn tại trong hệ thống lọc nước. Tuy vậy, cả Quốc và bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phụ trách vật tư đã thông báo sửa chữa xong. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương ra lệnh chạy hệ thống khiến 8 bênh nhân chạy thận tử vong.

Tại tòa, Bùi Mạnh Quốc khai nhận đã làm việc xử lý hệ thống lọc nước từ năm 2006 và chưa từng mắc sai sót. Tháng 11/2016, bị cáo thành lập Cty Trâm Anh để xử lý nước nhưng bản thân chưa được học chuyên ngành về việc này.

Tại BV Hòa Bình, Quốc sửa chữa hệ thồng lọc nước lần gần nhất vào tháng 2/2017. Số axit dùng trong lần này vẫn còn, được Quốc để lại và sử dụng vào ngày 28/5/2017. Đáng chú ý, Bùi Mạnh Quốc khẳng định không được ai cho biết số axit trên không được dùng trong y tế.

Tiếp đến, bị cáo Trần Văn Sơn cũng khai Quốc từng được Cty Thiên Sơn giới thiệu là nhân viên, từng sửa chữa hệ thống lọc nước tại bệnh viện nhiều lần.

Ngày 28/5/2017, sau khi cho Quốc thực hiện sửa chữa, Trần Văn Sơn đã bỏ về nhà thay vì giám sát công việc như nhiệm vụ được giao. Hôm sau, dù biết chưa lấy mẫu nước đi kiểm tra nhưng Sơn không ngăn cản việc chạy hệ thống dùng cho lọc máu.

Tới lượt mình, bị cáo Hoàng Công Lương thừa nhận đã ký biên bản đề nghị sửa chữa hệ thống lọc nước nhưng cho rằng nhiệm vụ của mình là điều trị, không phải chịu trách nhiệm về việc máy móc hư hỏng.

Hòa Bình: Axit cấm trong y tế được dùng rửa máy chạy thận? ảnh 1

Bị cáo Hoàng Công Lương.

Bị cáo Lương không được giao quản lý hay phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo, việc quản lý thuộc thẩm quyền của lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực (gồm 2 đơn nguyên trong đó có Đơn nguyên thận).

Được hỏi ngày 29/5/2017 (ngày xảy ra sự cố), ai phân công các bác sĩ phụ trách buồng bệnh? Bị cáo Lương trả lời: “Bị cáo học chuyên môn sâu hơn nên được 2 bác sĩ khác tín nhiệm, bị cáo phân công bị cáo phụ trách buồng số 1”.

Chủ tọa cho rằng phải có phụ trách cụ thể, không thể nói 2 bác sĩ khác nhờ. Hoàng Công Lương cho rằng, mình được đào tạo chuyên môn về lọc máu chạy thận nhưng không phải người có quyền quyết định tuyệt đối việc ra lệnh lọc máu bệnh nhân.

Nói thêm về sáng 29/5/2017, bị cáo Lương cho biết được điều dưỡng thông báo hệ thống lọc nước đã sửa chữa xong, có thể hoạt động bình thường. Vị bác sĩ cũng khẳng định, trách nhiệm nhận trang thiết bị dùng cho Đơn nguyên thận thuộc bộ phận hành chính hoặc điều dưỡng, không phải của mình.

“Khi phòng vật tư đã bàn giao thì đương nhiên giữa phòng này và Cty Thiên Sơn đã bàn giao với nhau trước đó. Vì vậy, phòng vật tư mới có thể bàn giao cho Đơn nguyên thận” - lời bị cáo Lương.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.