Hoãn xét xử nguyên Bí thư huyện ủy Gia Bình

Hoãn xét xử nguyên Bí thư huyện ủy Gia Bình
TPO - Theo dự kiến, sáng nay (14-4), TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa xét xử ông Trần Thế Thụ - nguyên Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Bình, Bắc Ninh về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn ngay trước giờ khai mạc do một trong bảy bị cáo đột ngột lâm bệnh.

> Huyện thu hàng tỷ đồng bằng giấy viết tay
> Bắt tạm giam Nguyên Bí thư Huyện ủy ở Bắc Ninh
> Nguyên Bí thư Huyện ủy chuẩn bị ra tòa

Các lò gạch đã bị dỡ bỏ
Các lò gạch đã bị dỡ bỏ.

Trước việc hoãn phiên toà nêu trên, một số luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Trần Thế Thụ cho rằng, đây là việc hoãn toà bất thường, bởi nếu việc bị cáo bị ốm là có thật (có xác nhận của cơ quan y tế) thì HĐXX cũng phải khai mạc phiên toà rồi mới thông báo việc bị cáo bị ốm. Sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, luật sư, HĐXX mới ra quyết định hoãn phiên toà. Không thể để thư ký phiên toà đại diện cho cả HĐXX để ra thông báo hoãn một câu là xong.

Trong nội dung “Những người tiến hành tố tụng” của Quyết định đưa vụ án ra xét xử, phía cơ quan Tòa án không công bố danh tính của hai vị hội thẩm nhân dân.

Trao đổi với phóng viên ngay sau khi hoãn tòa, thẩm phán Phạm Minh Tuyên cho rằng, việc chưa công bố danh tính của hai hội thẩm nhân dân là do bức bách về thời gian. “Để tránh những vi phạm về tố tụng trong khi tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, chúng tôi đã để trống danh sách hội thẩm để bổ sung sau” - ông Tuyên phân tích.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sỹ luật học Phạm Hồng Hải (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, một trong những quyền của bị cáo được pháp luật thừa nhận chính là “quyền được đề nghị thay đổi thành viên hội đồng xét xử cũng như những người tham gia tố tụng”.

Chính vì thế, theo Tiến sỹ Phạm Hồng Hải, việc phía cơ quan Tòa án không công bố danh tính hai hội thẩm sẽ gây ra những khó khăn cho bị cáo trong việc thực hiện quyền lợi của mình. “Bị cáo không có thời gian tìm hiểu, đánh giá tính khách quan của các thành viên hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng nếu đến lúc mở tòa mới công bố” – ông Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến nội dung xác định thiệt hại trong vụ án, phía Tòa cũng thể hiện nhiều điểm chưa rõ ràng. Trước hết, căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử cho thấy, UBND huyện Gia Bình được xác định là “nguyên đơn dân sự” duy nhất của vụ án. Trong khi đó hơn 400 chủ lò bị phạt hành chính cùng nhiều hộ nông dân khác được Viện KSND xác định có “ảnh hưởng sản xuất” đã không thấy Toà đề cập đến. Thay vào đó, Tòa chỉ chấp nhận 20 người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo Viết
MỚI - NÓNG