Xét xử vụ chạy thận:

Hoàng Công Lương không chịu trách nhiệm chất lượng nước lọc máu

Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa
Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa
TP - Bị cáo, bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng nguyên nhân chết người do tồn dư hóa chất trong nước dùng lọc máu chạy thận. Việc này thuộc quản lý của phòng vật tư, bản thân ông không có trách nhiệm.

Không có quy định sử dụng nước

Ngày 15/1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án 9 người tử vong sau sự cố chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Tại tòa, bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo (Khoa Hồi sức tích cực, BV Hòa Bình) cho biết không đồng ý việc VKSND  truy tố mình về tội “Vô ý làm chết người”. Theo ông Lương, nguyên nhân gây chết người do: “Tồn dư hóa chất trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận. Những hành vi của bị cáo được VKSND mô tả trong cáo trạng không theo một quy định pháp luật nào”.

Bác sĩ Lương khai, bản thân được đào tạo 2 tháng về kỹ thuật lọc máu nhân tạo tại BV Bạch Mai và không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước trong chạy thận, việc này thuộc về trưởng khoa do đơn nguyên thận không có kỹ sư phụ trách chất lượng nước. Tuy vậy, bác sĩ  Lương thừa nhận có biết ngày 28/5/2017, hệ thống lọc nước RO được sửa chữa. 

Chủ tọa đặt câu hỏi sau sửa chữa cần phải có quy định gì trước khi đưa vào vận hành? Ông Hoàng Công Lương đáp: “Việc này không phải trách nhiệm của bị cáo. Sáng 29/5 điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp thông báo hệ thống đã sửa xong... Bị cáo không biết điều dưỡng Điệp có được giao quản lý chất lượng nước hay không nhưng bị cáo có niềm tin là có thể sử dụng được. Sau đó điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hậu thông báo các chỉ số trong giới hạn an toàn”. 

Ông Lương thừa nhận phòng vật tư bệnh viện không thông báo cho mình nội dung sửa chữa xong nhưng nhân viên phòng vật tư là bị cáo Trần Văn Sơn đã thông báo cho điều dưỡng Điệp. Ngoài ra, các bị cáo Trần Văn Sơn và Hoàng Đình Khiếu - nguyên Phó GĐ BV Hòa Bình kiêm trưởng Khoa Hồi sức tích cực cùng bác sĩ Hoàng Công Tình - phó khoa (chú ruột bị cáo Lương) cũng không thông báo việc sửa chữa vì không có quy định bắt buộc trưởng/phó khoa đồng ý mới được sử dụng nước RO. 

Hợp tác chạy thận

Được xét hỏi, bị cáo Đỗ Anh Tuấn - GĐ Cty dược phẩm Thiên Sơn cũng  phản đối bản cáo trạng truy tố mình về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do ông Tuấn là đại diện của Cty Thiên Sơn - một cá nhân không phải là chủ thể của tội danh này. Ông Tuấn khai thêm, Cty Thiên Sơn đã cho BV Hòa Bình thuê máy chạy thận từ năm 2009 trên phương diện pháp nhân. Bệnh viện có nghĩa vụ là phải đảm bảo được cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn, Thiên Sơn chỉ có trách nhiệm liên quan máy móc.  

Về hệ thống lọc nước RO, bị cáo Tuấn khai do Cty Thiên Sơn lắp đặt theo hợp đồng mua bán năm 2010 và đã hết thời gian bảo hành từ năm 2011. “Trách nhiệm của Thiên Sơn đối với hệ thống RO số 2 này là không còn do đã hết thời hạn bảo hành. Đây là tài sản của bệnh viện nên tự bệnh viện phải có trách nhiệm bảo quản, sửa chữa” - ông Tuấn nói.

Chủ tọa cũng hỏi về lý do Thiên Sơn không thực hiện sửa chữa hệ thống RO theo hợp đồng với BV Hòa Bình ký ngày 25/5/2017 nhưng lại thuê bị cáo Bùi Mạnh Quốc - GĐ Cty Trâm Anh thi công. Bị cáo Tuấn không trả lời được tính pháp lý trong việc thuê Cty Trâm Anh nhưng đánh giá: “Bùi Mạnh Quốc là người có kinh nghiệm, là đối tác tin tưởng của Thiên Sơn... Tôi đã trực tiếp trao đổi với Quốc nhiều lần về việc sửa chữa này”. 

MỚI - NÓNG