Hỏi chuyện một… 'siêu trộm'

Hỏi chuyện một… 'siêu trộm'
Đầu tháng 11-2010, công an quận Long Biên (Hà Nội) phá chuyên án trinh sát, bắt giữ chín đối tượng, thu hồi 12 xe máy các loại trong đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy trên địa bàn thành phố. Thời điểm đó, tại trụ sở công an quận Long Biên, tôi “phỏng vấn” một trong những tên trộm là Nguyễn Trường Sơn (SN 1982), nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội.

Xe ga 'xịn' dễ bốc hơi - Bài 1:

Hỏi chuyện một… 'siêu trộm'

Đầu tháng 11-2010, công an quận Long Biên (Hà Nội) phá chuyên án trinh sát, bắt giữ chín đối tượng, thu hồi 12 xe máy các loại trong đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy trên địa bàn thành phố. Thời điểm đó, tại trụ sở công an quận Long Biên, tôi “phỏng vấn” một trong những tên trộm là Nguyễn Trường Sơn (SN 1982), nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội.

Cách trả lời cộc lốc, cố ý giấu giếm thông tin của Sơn nhưng đã nói lên được phần nào thủ đoạn của loại tội phạm đang gây nhức nhối dư luận này.

Một ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ xe máy bị cơ quan công an bắt giữ cùng phương tiện bị trộm cắp
Một ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ xe máy bị cơ quan công an bắt giữ cùng phương tiện bị trộm cắp.

Cứ sơ hở là trộm

“Sơn có tiền án, tiền sự chưa?”. “Em có một tiền án”. “Về tội gì”. “Trộm cắp”. “Đi tù về mà vẫn chưa tỉnh ngộ à?”. “Tỉnh, nhưng không thế (chỉ việc đi trộm xe máy - NV) thì lấy gì ăn”.

“Sơn thường lấy trộm xe thế nào?”. “Lúc đi một mình, lúc đi cùng bạn, tăm tia thấy xe nào đẹp, không có người trông giữ là “ăn”.

“Chủ yếu lấy trộm xe loại gì?”. “Xe nào sơ hở đều lấy, nhưng nhiều nhất là xe tay ga. Cùng một “công” lấy, xe ga bán được giá hơn”.

“Lấy có lâu không?”. “Tối đa 15 giây, nhưng chỉ “ăn” xe có khóa điện, khóa cổ. “Xe khóa càng mất thời gian hơn, dễ lộ”.

“Nếu chủ xe thửa khóa điện thì có mở được không?”. Nguyễn Trường Sơn khẽ nhếch mép, cười nhạt: “Khóa thửa thì ăn thua gì”…

Tại cơ quan công an, Nguyễn Trường Sơn khai nhận, y bắt đầu trộm xe máy từ đầu năm 2010. Những ngày “cao điểm”, Sơn cùng đồng bọn “ăn” hai xe máy. Cho đến khi bị bắt, ổ nhóm của Sơn đã thực hiện khoảng 50 vụ trộm xe máy trên địa bàn Hà Nội.

Với những chiếc xe bình thường, nhóm đối tượng này bán luôn cho “khách” có nhu cầu. Với những chiếc xe đắt tiền, chúng tìm cách làm giả giấy tờ để tiêu thụ. Ngoài gần 20 chiếc xe máy là tang vật các vụ trộm, qua khám xét nơi ở các đối tượng, cơ quan công an phát hiện, thu giữ hàng chục vé trông giữ xe, vam phá khóa, ổ khóa điện, biển kiểm soát và cả bình xịt hơi cay.

Không trông cẩn thận là mất!

Phần lớn các vụ mất trộm xe máy nói chung và xe ga xảy ra ở địa bàn công cộng, không có người trông giữ. Chỉ vài phút chủ quan là chiếc xe trị giá vài chục đến cả trăm triệu đồng “bay hơi”. Trường hợp anh Bùi Đăng Thu, nhà ở phố Hoa Lư, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) là một ví dụ.

11h30 ngày 13-2, anh Thu dựng chiếc xe Airblade BKS: 30F1-6679 trước cửa nhà. Vì có việc phải đi ngay và nghĩ rằng để xe trước cửa là an toàn, nhưng 10 phút sau quay ra, anh Thu đã không còn thấy chiếc xe của mình đâu.

Trước đó một ngày, cũng ở phường Lê Đại Hành, công an sở tại nhận đơn trình báo mất chiếc xe SH mang BKS: 29X- 5663 của chị Đặng Thị Nguyệt, nhà ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong khoảng nửa tiếng dựng xe trước cửa nhà số 51 Đại Cồ Việt, kẻ gian đã kịp vô hiệu hóa khóa điện chiếc xe trị giá hơn 100 triệu đồng của chị. Cơ quan công an ghi nhận, cả hai vụ trộm trên đều chung đặc điểm là để xe nơi không có người trông giữ, và chủ xe đã không khóa càng trước khi vào nhà.

Một người bị hại khác là anh Lê Duy Khánh, nhà ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Chiều 14-2, anh Khánh đỗ chiếc xe máy SH mang BKS: 29Y5-5858 dưới lòng đường, trước cửa nhà số 2 phố Cao Đạt, quận Hai Bà Trưng, để ăn bún. Khoảng cách giữa anh Khánh và chiếc SH chỉ vài mét, nhưng do ngồi quay lưng ra đường và không khóa càng, đến khi đứng dậy thanh toán tiền, anh Khánh tá hỏa phát hiện xe máy của mình đã không cánh mà bay.

Theo nhận định của trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự Xã hội, thủ phạm các vụ trộm xe máy ở địa bàn công cộng phần lớn là đối tượng hoạt động lưu động. Chúng thường có hai tên trở lên, đèo nhau bằng xe máy lòng vòng trên các tuyến phố để “tăm tia” nhất là các loại xe đắt tiền.

Với phương tiện là một tay “công” (thiết bị bằng kim loại hình chữ T), bọn trộm chỉ mất vài giây để phá được khóa điện của xe máy. Có những vụ ngay cả khi người bị hại - thường là phụ nữ - đứng gần tài sản của mình, bọn trộm vẫn liều lĩnh phá khóa, bỏ chạy.

Táo tợn hơn là các ổ nhóm chủ định “ăn” xe máy đắt tiền ở các điểm có người trông giữ. Loại đối tượng này “chế” vé giả, mang xe cũ vào điểm trông giữ và đánh tráo xe xịn ra ngoài. Tất nhiên, trước mỗi lần ra tay, chúng thường dành thời gian để nắm quy luật làm việc, thay đổi ca của nhân viên trông giữ xe. Bệnh viện, quán bia, trụ sở cơ quan công quyền… tội phạm trộm xe máy không “ngại” địa điểm nào, miễn sao nơi đó trông giữ xe sơ hở.

Theo Hoàng Quân
An Ninh Thủ Đô

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG