Về những sai phạm của Giám đốc Cty Sông Gianh (Quảng Bình):

Hội đồng kỷ luật của tỉnh cũng “chào thua” (!?)

Hội đồng kỷ luật của tỉnh cũng “chào thua” (!?)
TP - Giám đốc Nguyễn Hồng Lam của công ty Sông Gianh đã bị tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc từ ngày 16/8/2006. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý kỷ luật theo kết luận 2272 của UBND tỉnh Quảng Bình vẫn chưa diễn ra, vì ông Lam  “bận công tác” và “ốm”(!?)...
Hội đồng kỷ luật của tỉnh cũng “chào thua” (!?) ảnh 1
Trụ sở Cty Sông Gianh

Những năm qua, người lao động trong Cty Sông Gianh (SG) đã có nhiều đơn thư tố cáo những việc làm sai trái của Giám đốc Nguyễn Hồng Lam.

Báo Tiền phong từng có nhiều bài viết về những sai phạm của ông Lam. Ngày 8/11/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký văn bản số 2272, kết luận ông Nguyễn Hồng Lam  (chưa tốt nghiệp đại học) man khai lý lịch có văn bằng cử nhân – vi phạm Pháp lệnh cán bộ, công chức và  Qui định 19 của Bộ Chính trị.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm và kỷ luật ông Lam trước ngày 17/11/2006. Trước đó, ngày 16/8/2006, ông Lam bị tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Cty SG. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý kỷ luật theo kết luận 2272 của UBND tỉnh Quảng Bình vẫn chưa diễn ra, vì ông Lam  “bận công tác” và “ốm”(!?)...

Ngày 22/11/2006, UBND tỉnh mới ban hành văn bản kết luận số 2367, về kết quả xác minh đơn tố cáo. Theo đó, ông Nguyễn Hồng Lam có rất nhiều sai phạm. Ông Lam đã chỉ đạo dùng tài sản cố định của Cty SG bảo lãnh cho DN tư nhân Quế Lâm (do con ruột ông Lam là Nguyễn Thành Vĩnh làm chủ) vay ngân hàng 1 tỷ đồng; đồng ý để DN TN Quế Lâm dùng thương hiệu, nhãn hiệu Cty Sông Gianh kinh doanh  phân vi sinh trong nhiều năm.

Ông Lam đã đồng ý cho Cty SG ký hợp đồng với vợ của ông là bà Dương Thị Quế (cán bộ Phòng Tài chính huyện Quảng Trạch đang nghỉ ốm), làm công việc “chăm sóc sức khỏe giám đốc khi đi công tác”, “hướng dẫn bếp ăn”, “trực tiếp khách” được thanh toán tiền lương, tiền vé máy bay đi trong ngoài nước; tổng số hơn 106 triệu đồng không đúng chế độ, được chấp nhận thanh toán gần 49 triệu đồng, còn phải thu hồi gần 58 triệu đồng.

Ông đã đưa 25 người nhà (trong đó 4 người là con) vào giữ các chức vụ quan trọng trong Cty (như trưởng phòng, phụ trách kế toán,  giám đốc XN, mua bán vật tư hàng hóa...).

Bố trí con ruột làm Trưởng phòng Cung ứng vật tư kỹ thuật XNK, hoạt động như đơn vị hạch toán nhưng không thực hiện chế độ sổ sách kế toán, thống kê; quản lý, điều hành DNNN theo kiểu gia đình, vi phạm các qui định của pháp luật.

Ngoài ra, chủ trương cho các xí nghiệp trực thuộc thực hiện trích chi phí chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ của Giám đốc mức 2.000 đ/tấn phân tiêu thụ là sai, biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây thất thoát công quĩ, phải xuất toán thu hồi gần 153 triệu đồng.

Cty không có qui chế sử dụng và các khoản chi này đều không có chứng từ hợp lệ mà chỉ có phiếu chi với chứng từ tự kê: chi thanh toán tiền lương, chi phí chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Giám đốc Cty.

Ký hợp đồng mua thiết bị hơn 1 tỷ đồng không qua đấu thầu theo qui định của Chính phủ; đầu tư lò nung lân 131,5 triệu đồng không hiệu quả, gây lãng phí. Không tổ chức thi tay nghề, nâng bậc lương cho 96 lao động; có trường hợp 9 năm mới xét nâng bậc. Đầu tư xưởng chế biến nước mắm trên 200 triệu đồng nhưng chưa được UBND tỉnh phê duyệt, để hoang phí...

Bản kết luận cũng nêu sai phạm của Kế toán trưởng, Trưởng phòng tổ chức& hành chính, Trưởng phòng cung ứng vật tư kỹ thuật XNK và một số cán bộ liên quan; đồng thời yêu cầu kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm.

Cùng ngày 22/11/2006, Hội đồng kỷ luật tỉnh gửi văn bản cho ông Nguyễn Hồng Lam, yêu cầu viết tự kiểm điểm trên cơ sở văn bản kết luận 2367 và đến làm việc với Hội đồng vào sáng 30/11/2006.

Tưởng những sai phạm nghiêm trọng và có hệ thống như thế sẽ được xử lý rốt ráo. Nhưng không.

Ngày 14/12/2006, Hội đồng kỷ luật tỉnh đã họp xét kỷ luật ông Nguyễn Hồng Lam; biên bản ghi rõ Hội đồng nhất trí mức kỷ luật cách chức. Nhưng đến nay, văn bản quyết định cách chức vẫn chưa được ban hành, không rõ “vướng” từ đâu?!

Điều trớ trêu còn ở chỗ, UBND tỉnh đã ban hành riêng một kết luận về việc ông Lam man khai lý lịch, nhưng đến nay ông Lam vẫn đương chức Bí thư Đảng ủy, hằng ngày chỉ đạo công tác tổ chức & cán bộ của Cty.

Đông đảo CBCNV trong Cty cho rằng, ông Lam sở dĩ kiên cường trụ vững được là do có ô che của một số nhân vật “rất quan trọng”.

Nhiều ý kiến đề xuất: Để giải tỏa tình trạng nhùng nhằng như hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho DNNN số một của tỉnh này thoát khỏi tình trạng lụn bại, giờ đây chỉ có biện pháp chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Đây cũng chính là đề nghị của Đoàn thanh tra liên ngành sau khi thực hiện thanh tra.

MỚI - NÓNG