Hợp tác đổ bể, kéo nhau ra tòa

Hợp tác đổ bể, kéo nhau ra tòa
TP - Theo dự kiến, hôm nay (30/6), TAND TP Hà Nội mở tòa xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là ông Vũ Hải Phong, ở phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với bên bị kiện là Cty Cổ phần cung ứng và xuất nhập khẩu lao động hàng không.

Theo nội dung khởi kiện, ngày 21/12/2009, Cty Cổ phần cung ứng và xuất nhập khẩu lao động hàng không (gọi tắt Cty Hàng không) có ký hợp đồng cung ứng lao động với Cty Global Horizons Canada. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Cty Hàng không mời gọi các nhà đầu tư tài chính trong nước góp vốn để thực hiện hợp đồng.

Một trong các nhà đầu tư tài chính được mời gọi là ông Vũ Hải Phong. Ngày 10/8/2010, ông Phong đồng ý ký hợp đồng đầu tư tài chính số 01 với Cty Hàng không, nội dung đồng ý đầu tư với Cty Hàng không để đặt cọc bảo lãnh hợp đồng cho đối tác nước ngoài số tiền 300.000 USD cho đơn hàng tuyển dụng 200 lao động Việt Nam đi làm việc tại Israel, theo hợp đồng lao động số 01/2009 ký kết giữa Cty Alsimexco và Global Horizons Canada.

Tuy nhiên, sau đó ông Phong cho rằng hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính trên đã vi phạm điều cấm của pháp luật về điều khoản thanh toán; đồng thời khởi kiện ra TAND quận Long Biên đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu.

Đến ngày 14/8/2014, TAND quận Long Biên mở tòa xét xử vụ kiện, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Hải Phong, tuyên bố hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính trên là vô hiệu; yêu cầu Cty Hàng không phải hoàn trả lại ông Vũ Hải Phong hơn 5,7 tỷ đồng.

Bản án trên của TAND quận Long Biên sau đó bị Cty Hàng không phản đối quyết liệt. Ngày 9/12/2014, ông Trần Quốc Thấn, Giám đốc Cty Hàng không có đơn kêu cứu và khiếu nại khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng; đồng thời kháng cáo bản án.

Nội dung khiếu nại của Cty Hàng không khẳng định, hợp đồng tuyển dụng 200 lao động Việt Nam đi làm việc tại Israel số 01/ALS-GLOB/2009 được ký kết giữa Cty Hàng không với Cty Global Horizons Canada là một hợp đồng hợp pháp đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế. Hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính giữa Cty Hàng không với ông Vũ Hải Phong cũng là một hợp đồng hợp pháp. Số tiền hơn 5,7 tỷ đồng ông Vũ Hải Phong chuyển đến tài khoản của Cty Hàng không ngày 12/08/2010 cũng ghi rõ: Vũ Hải Phong trực tiếp đặt cọc bảo lãnh hợp đồng cung ứng lao động.

Chưa đầy 1 tuần sau, ngày 18/08/2010, qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Cty Hàng không đã chuyển đổi số tiền này thành 307.377CAD (đôla Canada) để chuyển tiền đặt cọc cho đối tác nước ngoài đã ký hợp đồng xuất khẩu 200 lao động Việt Nam mà hai bên đã ký trước đó. Như vậy, Cty Hàng không không hề chiếm dụng số tiền đó của ông Phong.

Cũng theo Cty Hàng không, việc hợp đồng xuất khẩu lao động trên không thực hiện là do trục trặc ở phía đối tác nước ngoài. Cty Hàng không đã thuê luật sư khởi kiện ra tòa ở Canada để đòi lại số tiền đó và đã thắng kiện.

Với những luận điểm trên, Cty Hàng không đang mong chờ phán quyết công tâm của phiên tòa phúc thẩm. 

MỚI - NÓNG