Hủy án vụ luật sư miền Tây 'chiếm đoạt' tiền của thân chủ

Ông Kiển cho rằng mình là nạn nhân vì bị hình sự hóa.
Ông Kiển cho rằng mình là nạn nhân vì bị hình sự hóa.
TPO - Các luật sư cho rằng các cơ quan tố tụng tỉnh Bến Tre đã hình sự hóa vụ án, trong khi Công tố cấp cao cho rằng vi phạm tố tụng, cuối cùng Tòa phúc thẩm tuyên hủy án tiếp tục điều tra.

Hôm nay (13/11), sau hai ngày xét xử và nghị án, HĐXX phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bến Tre – một bản án mà bị cáo Trần Hữu Kiển (Luật sư, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) bị tuyên 12 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và buộc ông Kiển hoàn trả cho bị hại số tiền chiếm đoạt và lãi suất phát sinh trên 1,1 tỷ đồng.

Hủy án vụ luật sư miền Tây 'chiếm đoạt' tiền của thân chủ ảnh 1 Phiên tòa của TAND tỉnh Bến Tre hồi tháng 3 này, nay bị cấp phúc thẩm cho là vi phạm tố tụng.

Theo nội dung bản án sơ thẩm, bà T. (ngụ tỉnh Bến Tre) là 1 trong 12 người được chia thừa kế 6 tỷ đồng theo một bản án của tòa. Bà T. ủy quyền cho ông Kiển làm người đại diện chia thừa kế với các đồng thừa kế khác, đảm bảo số tiền bà T. nhận được tối thiểu là 1 tỷ đồng.

Nếu luật sư Kiển thỏa thuận được vượt 1 tỷ đồng thì phần vượt Kiển được hưởng thù lao. Ông Kiển đạt được thỏa thuận với các thừa kế khác, qua đó đồng ý chia cho bà T. 1,4 tỷ đồng. 

Dù nhận đã nhận thừa kế 1,4 tỷ đồng của bà T. từ cơ quan thi hành án, nhưng ông Kiển không chuyển trả lại cho bà Thủy. Tháng 11/2016, bà T. đã tố cáo Kiển đến cơ quan điều tra.

Sau án sơ thẩm, phía bị hại không kháng cáo, ông Kiển kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Kiển phản bác lại toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Ông Kiển cho rằng việc thực hiện thỏa thuận các hợp đồng giữa Kiển và bà T. chưa thành nên chưa đồng ý giao tiền thừa kế cho bà T. chứ không chiếm đoạt.

Trình bày tại tòa, ông Kiển khai khi nhận được tiền từ tài khoản chung chuyển về, ông có báo cho bị hại T. đến ký nhận các giấy tờ để nhận tiền, nhưng do bà T. chưa ký nên ông chưa giao tiền. Ngày 29/12/2014, ông Kiển và ông Th. (một trong những người đồng thừa kế cùng với bà T.) có ký tờ thỏa thuận với nội dung là ông Th. chỉ đồng ý cho bà T. nhận tiền với các điều kiện bà T. phải giao toàn quyền cho ông Th. khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm hai bản án trong vụ tranh chấp 2 căn nhà số 22F và 24 đường Phan Đăng Lưu, phường 6, quận Bình Thạnh, TPHCM). 

“Nếu kết quả giải quyết cho gia đình ông Th. và những người thừa kế được nhận 2 căn nhà trên thì bà T. phải giao toàn bộ tài sản này cho ông Th. và bị cáo toàn quyền quyết định. Bà T. phải lập di chúc giao toàn quyền sử dụng, sở hữu các tài sản trong vụ tranh chấp trên cho ông Th. và bị cáo. Do bà T. không ký vào văn bản thỏa thuận 3 bên trên nên bị cáo chưa giao tiền chứ bị cáo không có ý định chiếm đoạt” – ông Kiển khai tại tòa.

Luật sư bào chữa cho ông Kiển cũng cho rằng cơ quan tố tụng hình sự hóa vụ án dân sự thành hình sự gây bất lợi cho ông Kiển và đề nghị cấp phúc thẩm tuyên ông Kiển không phạm tội hoặc hủy án điều tra lại.

Đại diện VKSND cấp cao tại TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đặt ra một loạt nội dung như bị cáo Kiển không bỏ trốn, tài sản là 1,4 tỷ đồng vẫn còn và bị cáo Kiển không sử dụng vào mục đích phạm pháp, ông Kiển không mất khả năng chi trả. Trong khi Hợp đồng dân sự giữa các bên vẫn đang thực hiện

Đại diện VKS cũng đặt vấn đề tại sao bị cáo Kiển gửi nhiều thư mời mà bị hại không đến lại gửi đơn tố cáo… Từ đó công tố đề nghị hủy án sơ thẩm để làm rõ một số vấn đề còn vướng mắc.

Sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận một phần đề nghị của Ls, chấp nhận đề nghị của ông tố, HĐXX nhận thấy sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và lời trình bày của các bên tại tòa, HĐXX đã ra quyết định tuyên hủy án sơ thẩm vì lý do: Cấp sơ thẩm sai phạm tố tụng và cần điều tra làm rõ một số nội dung vụ án.

MỚI - NÓNG