Huỳnh Văn Nén và án oan kép: VKSND Tối cao xác minh như thế nào?

Huỳnh Văn Nén và án oan kép: VKSND Tối cao xác minh như thế nào?
TP - “Bản án sơ thẩm xét xử Huỳnh Văn Nén phạm các tội “Giết người”, “Cướp tài sản của công dân” và “Cố ý hủy hoại tài sản của công dân” là có căn cứ, đúng pháp luật”. Kết luận tại công văn số 1436/KSXX-HS ngày 8/6/2001 của VKSND Tối cao trả lời Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X.

Cuối năm 2000, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận được hồ sơ và đơn kêu cứu của gia đình ông Huỳnh Văn Nén và các bị can vụ án vườn điều. Nhận thấy hai vụ án có nhiều tình tiết chưa rõ ràng, bản án kết tội ông Nén thiếu thuyết phục, lại có anh Nguyễn Phúc Thành tố giác thủ phạm giết bà Lê Thị Bông là Nguyễn Thọ chứ không phải ông Nén, ngày 18/12/2000, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chuyển đơn kêu oan đến VKSND Tối cao.

“Nếu có trách nhiệm và vào cuộc một cách quyết liệt, công tâm, khách quan, có lẽ ông Nén đã được giải oan từ lâu rồi, chứ không phải chờ cho đến tận bây giờ”.

Trung tướng

Nguyễn Quốc Thước

Công văn trả lời Trung tướng Nguyễn Quốc Thước do Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Thu ký có nội dung: “Cơ quan điều tra đã xác minh nguồn tin và kết luận: Trong thời gian bà Lê Thị Bông bị giết, Nguyễn Thọ không có mặt lại địa phương, bỏ đi cách đó 1 tháng; Giữa Nguyễn Phúc Thành và bị cáo Nén có mối quan hệ họ hàng, tại đơn Thành ghi vì Nén bị tòa tuyên tử hình nên làm đơn tố cáo Thọ. Quá trình điều tra thu thập chứng cứ vụ án cũng như lại phiên toà sơ thẩm, Huỳnh Văn Nén khai nhận toàn bộ hành vi giết bà Lê Thị Bông, lời khai của bị cáo phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, và kết quả giám định pháp y, cũng như vật chứng thu được tại hiện trường. Tại đơn kháng cáo Huỳnh Văn Nén cũng nhận tội, chỉ xin giảm nhẹ. Đến ngày 13/10/2000, sau khi có đơn tố giác của Nguyễn Phúc Thành, cơ quan điều tra tiến hành lấy lại lời khai, Nén vẫn nhận tội đã giết bà Bông”.

Huỳnh Văn Nén và án oan kép: VKSND Tối cao xác minh như thế nào? ảnh 1

Ông Huỳnh Văn Nén tại phiên tòa phúc thẩm (lần 1) vụ án vườn điều ngày 14/6/2001, 6 ngày sau khi VKSND Tối cao có văn bản trả lời Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Chưa làm tròn trách nhiệm

Theo báo cáo xác minh của Công an xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) và báo cáo ngày 29/9/2000 của ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, sau khi bà Lê Thị Bông bị giết, Nguyễn Thọ mới đi khỏi Tân Minh. Báo cáo của ông Nguyễn Thận còn cung cấp thông tin, năm 2000, Nguyễn Thọ đang ở Cần Thơ, làm nghề sản xuất kem ký với cậu ruột.

Tuy nhiên, công văn ngày 8/6/2001 của VKSND Tối cao lại cho rằng, Nguyễn Thọ đi khỏi Tân Minh trước khi bà Bông bị giết. VKSND Tối cao chỉ lấy kết quả xác minh của cơ quan điều tra để trả lời Trung tướng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Thước. Việc xác minh này do nguyên điều tra viên (ĐTV) Cao Văn Hùng cùng ông Đinh Kỳ Đáp, nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận tiến hành. Trả lời phóng viên, ông Cao Văn Hùng nói có ông Đinh Kỳ Đáp cùng với ông ta làm việc với anh Nguyễn Phúc Thành. “Khi tôi hỏi thì ông Đáp ngồi bên cạnh, làm gì có chuyện tôi đe dọa, buộc Thành rút đơn tố giác như Thành nói”, ông Hùng nói.

Huỳnh Văn Nén và án oan kép: VKSND Tối cao xác minh như thế nào? ảnh 2

Văn bản của VKSND Tối cao trả lời Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Kỳ Đáp, ông có đi với ĐTV Cao Văn Hùng, nhưng chỉ gặp anh Thành một lát rồi đi thăm một số cán bộ trại giam Sông Cái (Ninh Thuận), để một mình ông Hùng lấy lời khai của anh Thành. Ông Cao Văn Hùng là ĐTV chính vụ án vườn điều, cũng là ĐTV chính vụ bà Bông. “Một người được khen thưởng về “thành tích” phá 2 vụ án nghiêm trọng, sao có thể khách quan khi xác minh đơn tố cáo rằng sự thật của 2 vụ án đó không như ông đã điều tra ra?” - câu hỏi đã được nêu ra trong bài “Huỳnh Văn Nén bị oan?”, trên báo Tiền Phong số ra ngày 11/4/2006. 

Ông Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, tới đây VKSND Tối cao cần làm rõ quá trình điều tra, xác minh đơn tố giác tội phạm của anh Nguyễn Phúc Thành có được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật không? Có vì một lý do nào đó mà việc xác minh không được bảo đảm khách quan, trung thực không? Còn theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, điều này cho thấy các cơ quan chức năng chưa thực sự làm tròn trách nhiệm.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.