Kẻ cài thư tống tiền bị bắt như thế nào?

Kẻ cài thư tống tiền bị bắt như thế nào?
TP - Nhiều ngày, người thanh niên tên Luyện gần như án binh bất động, chỉ ra vào nơi thuê trọ để ăn uống, sinh hoạt. Bất ngờ tối 23/1. Luyện ra khỏi nhà với dáng vẻ không bình thường.
Kẻ cài thư tống tiền bị bắt như thế nào? ảnh 1
Đối tượng Lê Duy Luyện

Liên tiếp những ngày cuối tháng 12/2005, hàng loạt gia đình ở một số quận như Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ (Hà Nội) bị đối tượng xấu gửi thư nặc danh đến nhà riêng có nội dung đe dọa tính mạng để tống tiền.

Thư viết tay dọa các gia đình sẽ bị tấn công bằng dao lam dính máu nhiễm HIV nếu không gửi tiền vào tài khoản ATM số125-10…

Người đầu tiên đến Phòng PC14 Công an Hà Nội trình báo sự việc là chị T. ở phố Hoàng Hoa Thám. Chị bị đe dọa phải nộp tới 80 triệu đồng.

Các gia đình khác bị đe dọa nộp 2-4 triệu đồng. 25 gia đình đã nhận những lá thư như vậy. Sự việc gây hoang mang rất lớn đối với các hộ dân. Lập tức lãnh đạo Công an Hà Nội chỉ đạo các phòng nghiệp vụ quyết tâm truy tìm thủ phạm, xua đi nỗi lo cho nhân dân khi những ngày Tết đang đến gần.

Ngay sau khi biết chủ sở hữu tài khoản ATM là Phạm Ngọc Hiếu (quê ở Vị Xuyên, Hà Giang, hiện là SV trường CĐ Hải quan, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), tưởng chừng như các trinh sát đã có thể kiểm soát được đối tượng.

Nhưng lời khai của Hiếu chỉ là: “Quen biết một người tên Luyện qua một số lần chát trên Internet. Luyện nói hiện là kỹ sư xây dựng, nhà ở phường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội”. Họ còn trao đổi hình ảnh của nhau qua webcam, rồi hẹn gặp nhau ở Hội chợ triển lãm Giảng Võ.

Hiếu rủ Luyện về nhà riêng chơi. Luyện hỏi mượn thẻ ATM của Hiếu, nói là để rút tiền do bà cô gửi cho để Luyện đầu tư một dự án xây dựng.

Vậy là Hiếu đã cho Luyện mượn thẻ và cho biết mã tài khoản ATM của mình. Trong thẻ khi ấy còn hơn 100.000đ. Sau đó, Luyện biến mất mang theo tấm thẻ.

Việc khoanh vùng và sàng lọc đối tượng trở nên vô cùng khó khăn. Trinh sát PC14 đến các ngân hàng để tìm hiểu cách thức bọn tội phạm có thể rút tiền.

Họ cũng đến cả những trung tâm quản trị mạng để nghiên cứu, phục chờ lúc Phạm Ngọc Hiếu đang liên lạc với tên Luyện qua mạng rồi xác định nơi hắn đang truy cập.

Phòng kỹ thuật hình sự thì lấy dấu vân tay trên các bức thư rồi chuyển về nhiều địa bàn để xác minh. Công an các khu vực Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ… huy động quân số, kết hợp với trinh sát phòng PC14 rà soát kỹ hàng ngàn đối tượng cư trú trên địa bàn, nhưng vẫn không có kết quả.

Tất cả những địa điểm nghi vấn đều có trinh sát mật phục 24/24h, và nhiều đối tượng đã được đưa đến CQĐT để Phạm Ngọc Hiếu nhận dạng nhưng không thành công. Đối tượng tên Luyện vẫn… chỉ là một cái tên.

Hơn một tháng, có những chiến sỹ công an một số phường đã cảm thấy mệt mỏi vì phải lật lại nhiều lần từng trang hồ sơ người dân cư trú trên địa bàn.

Đội Trinh sát địa bàn phòng PC14 đã dày công đêm ngày đọc và phân tích 25 lá thư nặc danh do nhân dân đưa đến. Xét thấy, đối tượng tỏ ra nắm bắt khá rõ địa bàn phường Bưởi.

Trong thư, đối tượng thể hiện đã quen biết, hiểu rõ hoàn cảnh nhiều gia đình ở đây. Đội trinh sát khẳng định đối tượng có nhiều khả năng từng sinh sống ở địa bàn phường Bưởi!

Đúng lúc hướng điều tra này vẫn đi vào ngõ cụt, các trinh sát được tin báo có người tên Luyện vừa mới đến tạm trú tại 73, ngõ 693, Hoàng Hoa Thám. Lập tức trinh sát thay nhau đeo bám.

Nhiều ngày, người thanh niên tên Luyện này gần như án binh bất động, hằng ngày chỉ ra vào nơi thuê trọ để ăn uống, sinh hoạt. Nhưng bất ngờ tối 23/1. Luyện ra khỏi nhà với dáng vẻ không bình thường.

Bị kiểm tra bất ngờ, Luyện đã không thể chối cãi hắn là thủ phạm của 25 bức thư nặc danh. Trong người y khi đó còn 4 lá thư nữa chưa kịp gửi và 3 chiếc thẻ ATM (đều là thẻ do hắn “mượn” của người khác)...

Hoá ra, hằng ngày y ngồi lỳ trong nhà để viết từng bức thư, chọn “ngày đẹp” sẽ đi rải. Những địa chỉ nhận thư, hầu hết là hắn đã nắm rõ hoàn cảnh, ai giàu, ai có con đang đi học…

Hơn một tháng, đã có tổng cộng 13 triệu đồng của một số gia đình vì lo sợ bị tấn công mà nộp vào tài khoản ghi trong thư nặc danh. Nhưng vì tài khoản trên các thẻ đều đã bị phong toả, nên Luyện chỉ kịp rút 2 triệu đồng khi CQĐT “thả mồi”.

Tin đối tượng Lê Duy Luyện (sinh 1980, quê Quảng Xương, Thanh Hoá, không nghề nghiệp) bị bắt đã làm an lòng người dân Hà Nội. Một chiến công đáng ghi nhận của Công an Thủ đô những ngày giáp Tết…

MỚI - NÓNG