Khi hung thủ là người từng bị tâm thần

Người dân tới viếng các nạn nhân vụ thảm án ở Hà Giang xảy ra sáng sớm 1/12.
Người dân tới viếng các nạn nhân vụ thảm án ở Hà Giang xảy ra sáng sớm 1/12.
TP - Đối với những người từng bị bệnh tâm thần mãn tính nặng đến mức biến đổi nhân cách, các chuyên gia cho rằng, ngoài dùng thuốc và trị liệu, những người này rất cần nhận được sự quan tâm giúp đỡ đặc biệt của gia đình, cộng đồng.

Khởi tố vụ thảm án Hà Giang

Ngày 5/12, Công an tỉnh Hà Giang cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phù Minh Tuấn (SN 1984, ở xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, Hà Giang) để điều tra hành vi giết người. Như Tiền Phong đã đưa, khoảng 4h sáng 1/12, Tuấn dùng dao quắm chém chết 4 người gồm bố đẻ mình là ông Phù Láo Tả  (SN 1957), cô Tải Lở Mở (SN 1965), cháu Phù Ánh Tuyết (SN 2015) và anh Phù Văn Thịnh (SN 1993) là dân quân tới can ngăn. Anh Phù Láo Sán (SN 1990) là con bà Mở cũng bị chém trọng thương.

Trước đó, tháng 1/2015, Tuấn từng sát hại con mình. Cơ quan tố tụng áp dụng hình thức chữa bệnh bắt buộc với anh này, sau đó bàn giao về địa phương quản lý từ tháng 7/2016, duy trì phác đồ điều trị của bệnh viện. Chính quyền địa phương và hàng xóm cho biết Tuấn có sức vóc khỏe mạnh, chăm chỉ làm ăn. Phía gia đình cũng khẳng định như vậy và cho biết thêm Tuấn mắc bệnh động kinh từ nhỏ và từng đi chữa ở nhiều nơi. Gần đây, Tuấn nhiều lần đe dọa sẽ giết người trong gia đình.

Nhiều vụ người bệnh gây án

Ông Vũ Văn Minh (SN 1961, ở Ứng Hòa, Hà Nội) là người hạn chế về nhận thức và điều khiển hành vi. Ngày 17/4/2014, ông Minh đang ngủ tại nhà thì bị bố mình là cụ Vũ Văn K. (SN 1931) dùng thanh gỗ đánh vào người rồi chửi bới. Bực tức, Minh chạy ra giằng chiếc gậy của ông K. và xô ông ngã xuống. Minh túm tóc bố mình đập mạnh 3 lần xuống sân rồi cầm thanh gỗ, viên ngói đánh ông K. Thấy bố nằm im, chảy máu, Minh dùng nước hắt cho máu chảy đi rồi điềm nhiên vào nhà hút thuốc lào. Khoảng 1giờ sau, người nhà mới phát hiện sự việc, đưa ông K. đi cấp cứu thì nạn nhân đã tử vong. Vũ Văn Minh sau đó nhận 7 năm tù về tội giết người.

Ngày 11/11/2016, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Duy Tam (SN 1986, ở Bắc Giang) 18 năm tù về tội giết người. Tam là nhân viên tại một quán cà phê và vốn mắc bệnh tâm thần. Tháng 8/2012, do lấy xe của khách đi bốc đầu nên Tam bị đồng nghiệp tên Thịnh nhắc nhở. Đêm đó, Tam lấy 2 quả tạ vốn dùng để tập thể dục đập liên tiếp vào đầu anh Thịnh khiến nạn nhân tổn hại 67% sức khỏe. Ngoài ra, Tam còn tấn công 2 nhân viên nữ khác trước khi bỏ trốn.

Khi hung thủ là người từng bị tâm thần ảnh 1

Bị cáo Nguyễn Duy Tam tại tòa hôm 11/11.

Tại tòa, Tam tỏ ra là người không bình thường về mặt nhận thức. Phía dưới, nạn nhân Thịnh đứng tập tễnh, không nói được nên người nhà phải trả lời thay. Bố anh Thịnh nói:“Nhà Tam cũng chẳng hơn gì nhà tôi giờ bảo họ đền bù cũng lấy đâu ra tiền. Mong tòa xử Tam đúng pháp luật với mức án nhẹ nhất. Giờ cả hai thằng cùng khổ, một thằng gần như mất trí, một thằng ngớ ngẩn phải ở tù cũng không sung sướng gì”.

Cần sự quan tâm của gia đình, cộng đồng

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I, với những bệnh tâm thần mãn tính nặng ví dụ như tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn lưỡng cực… thường gây ảnh hưởng tới nhân cách rất nhiều. Khả năng kìm chế của người bệnh rất kém, không phân biệt được đúng sai. Với gia đình bệnh nhân, bác sĩ Chiến đưa lời khuyên là cho người bệnh tuân thủ điều trị, uống thuốc đều và tuyệt đối không được bỏ thuốc.

Đặc biệt, theo bác sĩ Chiến, gia đình cần tránh căng thẳng về mặt tâm lý cho người bệnh vì họ từng có bệnh lý nên nhân cách đã biến đổi không biết thế nào là lợi, là hại. “Ngoài ra, cộng đồng nói chung phải có sự quan tâm chia sẻ với người bệnh. Nhiều trường hợp bị xã hội kỳ thị, trêu người ta mà người ta phản ứng lại thì hết sức dữ dội. Có thể chỉ một lời trêu chọc với người bình thường thì cười bỏ qua nhưng với người tâm thần nặng đã biến đổi nhân cách thì họ rất dễ có phản ứng và khó có khả năng kiềm chế” - bác sĩ Chiến nói.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh) chia sẻ từng nhiều lần làm người bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người phạm tội là người đang trong tình trạng mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức. Theo luật sư Thanh, thông thường, cơ quan tố tụng vẫn buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự và chỉ giảm nhẹ một phần hình phạt. “Theo tôi, người mắc bệnh tâm thần cần phải được chữa trị khỏi bệnh hay ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát. Đưa họ vào tù mà không chữa bệnh cho họ, sau khi họ ra tù hoặc thậm chí ở ngay trong tù, biết đâu một lúc nào đó cơn bệnh phát tác, họ lại gây nguy hiểm cho những người xung quanh” - ông Thanh nêu quan điểm.

Theo bác sĩ Chiến, gia đình cần tránh tạo căng thẳng về mặt tâm lý cho người bệnh vì họ từng có bệnh lý nên nhân cách đã biến đổi không biết thế nào là lợi, là hại. “Ngoài ra, cộng đồng nói chung phải có sự quan tâm chia sẻ với người bệnh. Nhiều trường hợp bị xã hội kỳ thị, trêu người ta mà người ta phản ứng lại thì hết sức dữ dội. Có thể chỉ một lời trêu chọc với người bình thường thì cười bỏ qua nhưng với người tâm thần nặng đã biến đổi nhân cách thì họ rất dễ có phản ứng và khó có khả năng kiềm chế” - bác sĩ Chiến nói.

MỚI - NÓNG