Khiếu nại đất đai tại Núi Dê: Không đùn đẩy, né tránh

Các công dân trong buổi đối thoại với ông Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Minh Đức.
Các công dân trong buổi đối thoại với ông Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Minh Đức.
TP - Liên quan việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại khu vực Núi Dê khi thực hiện dự án Khu du lịch Tràng An (Hoa Lư, Ninh Bình), hơn 160 công dân khiếu nại kéo dài nhiều năm qua nhiều cấp. Ngày 12/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đối thoại trực tiếp với những người dân trên, đồng thời yêu cầu chính quyền các cấp phải tiếp nhận, xử lý khiếu nại theo đúng thẩm quyền, đúng quy định, không đùn đẩy, né tránh.

Lỗi do chưa kịp thời chỉnh lý hồ sơ

Tại buổi đối thoại, các ông Hà Long Biên, Ngô Ngọc Hưng cùng một số hộ dân thôn Xuân Áng Nội (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) kiến nghị với Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên về việc xem xét giải quyết việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất tại xứ đồng chân mạ Núi Dê trong khi thực hiện dự án Khu du lịch Tràng An. Ngoài ra, các công dân cũng trình bày việc Hợp tác xã Xuân Áng không công khai cho xã viên biết về số tiền đã nhận bồi thường đối với các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất.

Các công dân Ngô Văn Hiếu, Phạm Văn Cường, Hà Long Biên… cho rằng, đất mạ ở khu vực Núi Dê của nhân dân thôn Xuân Áng Nội của các hộ gia đình được giao từ năm 1993 đến 2013, mỗi khẩu là 24m2 nhưng khi giải phóng mặt bằng chính quyền đã không hỗ trợ, đền bù. Ngoài ra, có hộ gia đình có 3 mảnh ruộng, nhưng chính quyền chỉ đo và vào sổ sách 2 mảnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đề nghị tỉnh Ninh Bình đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách đất đai ở cơ sở trên tinh thần thấu tình, đạt lý không để công dân tiếp tục tập trung khiếu kiện ở  Trung ương. 

Về việc này, ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân lý giải, năm 1993 UBND tỉnh Ninh Bình ban hành quy định giao quyền sử dụng đất nông nghiệp ổn định 20 năm cho các hộ dân thuộc khu vực HTX Xuân Áng gồm 2 thôn Xuân Áng Nội và Xuân Áng Ngoại với định mức bình quân là 967 m2/khẩu, trong đó có 24 m2/khẩu tại xứ đồng mạ Núi Dê.

Sau khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa năm 2003, các hộ thôn Xuân Áng Nội đã nhận đủ diện tích đất nông nghiệp 313 theo tiêu chuẩn định mức giao năm 1993 là 967m2/khẩu. Vì thế diện tích đồng mạ tại Núi Dê sau khi dồn điền đổi thửa năm 2003 không còn nằm trong diện tích đất nông nghiệp 313 của các hộ dân thôn Xuân Áng Nội mà được giao cho UBND xã Ninh Xuân quản lý. 

UBND huyện Hoa Lư đã có kết luận việc các hộ dân đòi bồi thường, hỗ trợ đất đối với đồng mạ Núi Dê khi Nhà nước thu hồi đất là không có cơ sở giải quyết. Các hộ dân khiếu nại kéo dài do UBND xã Ninh Xuân chưa kịp thời chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính sau khi dồn điền đổi thửa, nên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân vẫn còn thể hiện 24 m2/khẩu ở Núi Dê.

Giải quyết dứt điểm

Liên quan sự việc trên, ông Đinh Văn Điến - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, đã giao cho các cơ quan chức năng phải xử lý dứt điểm vụ khiếu kiện và trả lời công khai đến nhân dân trong vòng 1 tháng.

Kết thúc buổi đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đề nghị tỉnh Ninh Bình đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vấn đề liên quan chính sách đất đai ở cơ sở trên tinh thần thấu tình, đạt lý không để công dân tiếp tục tập trung khiếu kiện ở Trung ương. Trước những biến động về mục đích sử dụng đất, địa phương phải làm rõ đối với từng hộ dân. Khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân, các cấp chính quyền phải tiếp nhận, xử lý theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, không đùn đẩy, né tránh.

“Thêm vào đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình cần quan tâm hơn đến xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư nói riêng và các xã khó khăn trên địa bàn nói chung, nhất là có chế độ ưu đãi đối với các hộ dân có công trong việc khai hoang phục hóa đất đai cằn cỗi” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

MỚI - NÓNG