Khiếu nại tố cáo diễn biến phức tạp

Khiếu nại tố cáo diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) trong năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, số lượng công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo và gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến Viện Kiểm sát các cấp đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2005.

Số công dân đến khiếu nại, tố cáo được Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tiếp là 21.584 lượt, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2005; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp nhận được 49.685 đơn tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2005. Số vụ, việc khiếu nại bức xúc, gây mất trật tự ở nơi tiếp công dân có chiều hướng gia tăng.

Hầu hết các đơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính chủ yếu vẫn là về đền bù giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, nhà cửa, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý Nhà nước. Các khiếu nại, tố cáo về tư pháp mà Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý, giải quyết phần lớn là khiếu nại đối với các bản án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế đã có hiệu lực pháp luật, số này chiếm 73,7%.

Viện Kiểm sát các cấp đã giải quyết được 8.998 trong số 12.068 vụ việc thụ lý giải quyết, đạt 74,5%, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Viện KSNDTC giải quyết được 2.526 vụ việc; đạt 49,4% số vụ, việc thụ lý giải quyết.

Tuy nhiên, nhiều khiếu nại, tố cáo gửi đến Viện Kiểm sát xem xét đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án là các khiếu kiện phức tạp, việc giải quyết phải theo quy định về trình tự tố tụng, kết quả giải quyết gắn với việc ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Để giải quyết những vụ việc loại này, Viện Kiếm sát phải rút hồ sơ của Tòa án cấp dưới lên để nghiên cứu. Thời hạn giải quyết thường phải kéo dài. Nhiều vụ việc phức tạp xảy ra từ những năm trước đây, gắn với những thay đổi về chính sách, pháp luật qua nhiều thời kỳ nên việc xem xét, giải quyết gặp nhiều khó khăn.

Thông qua việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, Viện KSNDTC cũng đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với 166 bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật (trong đó có 130 vụ việc về dân sự, 23 vụ việc về hình sự, 13 vụ việc về hành chính, kinh doanh, thương mại và lao động), góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.

MỚI - NÓNG