Khởi tố, bắt giam các GĐ Bưu điện TT-Huế và Đồng Nai

Khởi tố, bắt giam các GĐ Bưu điện TT-Huế và Đồng Nai
TP - Ngày 20/4, cơ quan CSĐT Bộ CA an đã áp dụng các biện pháp tố tụng đối với 4 cán bộ thuộc các Bưu điện tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đồng Nai.
Khởi tố, bắt giam các GĐ Bưu điện TT-Huế và Đồng Nai ảnh 1
Khám phòng làm việc của Lâm đợi ở Bưu điện Thừa Thiên - Huế. Ảnh : Nguyễn Văn Cảnh - TTXVN.

Theo đó, Giám đốc Bưu điện tỉnh Đồng Nai Phạm Chương (SN 1955, trú tại đường Cách mạng tháng 8, Đồng Nai) bị khởi tố, bắt giam về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 BLHS.

Hai Trưởng phòng khác của Bưu điện Đồng Nai gồm Tạ Quang Vĩnh (SN 1959, Trưởng phòng kế hoạch) và Tô Văn Thu (SN 1951, Trưởng phòng kế toán) cũng bị khởi tố với cùng tội danh.

Trong số này, ông Vĩnh bị bắt tạm giam, ông Thu được tạm thời cho tại ngoại và bị cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh trong giai đoạn điều tra.

Cũng trong ngày hôm qua, cơ quan CSĐT đã tống đạt quyết định khởi tố với ông Lâm Đợi, Giám đốc Bưu điện Thừa Thiên Huế, với cùng tội danh cố ý làm trái...

Ông Lâm Đợi được tạm thời cho tại ngoại vì đang nằm điều trị tại Bệnh viện TƯ Huế. Tuy nhiên, lệnh bắt tạm giam ông Lâm Đợi đã được ký cùng ngày với quyết định khởi tố bị can và đã được Viện KSND Tối cao phê chuẩn.

Thiệt hại 2 tỷ đồng qua 8 hợp đồng

Theo tài liệu điều tra, từ tháng 8/2002 đến tháng 4/2004, Giám đốc Bưu điện Đồng Nai Phạm Chương đã cùng Tạ Quang Vĩnh, Tô Văn Thu có hành vi “cố ý làm trái” khi ký 7 hợp đồng mua bán các loại vật tư, thiết bị bưu điện với Cty TNHH siêu điện tử HPT và 1 hợp đồng với Cty TNHH Phát triển xây dựng công trình Sao đỏ, tổng trị giá 2 tỷ 416,7 triệu đồng.

Trên thực tế, hai doanh nghiệp này đều là Cty “con”, là quân xanh trong “tập đoàn CIP” của Nguyễn Lâm Thái. Các hợp đồng trên đều do Nguyễn Lâm Thái đứng ra trực tiếp đàm phán, ký kết mua bán. Đến nay, Bưu điện Đồng Nai đã thanh quyết toán xong 8 hợp đồng trên.

Theo xác định của cơ quan điều tra, 8 hợp đồng mua sắm thiết bị trên của Bưu điện Đồng Nai đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Chính phủ về quy chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

Không những thế, hành vi của các ông Phạm Chương, Tạ Quang Vĩnh và Tô Văn Thu còn vi phạm nghiêm trọng Nghị định của Chính phủ về quy chế đấu thầu. ở cả 8 hợp đồng trên, Bưu điện Đồng Nai đều không thực hiện các hình thức lựa chọn nhà thầu.

Tuy vậy, ông Vĩnh vẫn lập tờ trình dự thảo quyết định đầu tư và trình ông Chương, ông Thu ký và thực hiện toàn bộ 8 hợp đồng kinh tế với 2 Cty TNHH của Nguyễn Lâm Thái.

Cũng trong 8 hợp đồng trên có 1 hợp đồng Giám đốc Phạm Chương đã không ra quyết định đầu tư song vẫn tiến hành ký kết, thanh quyết toán... Các hành vi trên của 3 bị can đã gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng của Nhà nước.

“Thông thầu” ở Bưu điện Thừa Thiên – Huế

Về phần Bưu điện Thừa Thiên – Huế, kết quả điều tra cho thấy, từ 12/5/2004 đến 25/6/2004, Giám đốc Lâm Đợi đã ký hợp đồng kinh tế với 2 Cty trong “tập đoàn CIP” của Nguyễn Lâm Thái, để mua sắm, lắp đặt 4 hệ thống camera cho Bưu điện tỉnh nhà với tổng giá trị 924 triệu đồng.

Để hợp thức 2 hợp đồng này, ông Lâm Đợi đã ký hai quyết định đầu tư số 662 ngày 7/5/2004 và số 913 ngày 13/6/2004 về lắp đặt camera quan sát của Bưu điện Thừa Thiên Huế, song không ghi rõ các tiêu chí công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật..

Cũng giống như Bưu điện Đồng Nai, các hợp đồng của Bưu điện Thừa Thiên – Huế với “tập đoàn CIP” đều vi phạm quy định của Chính phủ về quy chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

Trong vụ việc này, cơ quan điều tra còn phát hiện dấu hiệu thông đồng giữa bên mời thầu (Bưu điện Thừa Thiên – Huế) với bên dự thầu, và các nhà thầu với nhau. Trong các bản chào hàng của 3 nhà thầu (thực chất đều là các Cty “quân xanh – quân đỏ” của Nguyễn Lâm Thái), có nhà thầu ghi thiết bị của TQ, có nhà thầu ghi thiết bị của EU, có nhà thầu mập mờ không ghi nơi xuất xứ.

Song, các biên bản mời thầu của Bưu điện Thừa Thiên – Huế đều ghi cả 3 nhà thầu đều chào hàng camera của hãng Phillip, đạt tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài ra, trong cả 2 lần mời thầu, Bưu điện Thừa Thiên – Huế đều sử dụng kết quả thẩm định giá của bên tham gia thầu để lập tờ trình làm căn cứ xác định tổng mức đầu tư...

Theo kết quả giám định của cơ quan chức năng, hành vi của ông Giám đốc Lâm Đợi trong việc ký duyệt 2 hợp đồng trên đã gây thiệt hại khoảng 700 triệu đồng của Nhà nước.

Ngoài hành vi cố ý làm trái, ông Lâm Đợi còn bị tố cáo đã từng “nhờ” Tôn Anh Dũng tức Dũng Huế (một đối tượng chạy án cho “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng) chạy án cho mình với giá 1 tỷ đồng.

ở vụ Nguyễn Lâm Thái, hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra đến các Bưu điện tỉnh, thành có liên quan khác.

MỚI - NÓNG