Khởi tố theo yêu cầu của người bị hại

Khởi tố theo yêu cầu của người bị hại
TP - Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, một số tội phạm liên quan đến hành vi xâm hại sức khoẻ, nhân phẩm hoặc một số quyền khác của người bị hại (cố ý gây thương tích, hiếp dâm, vu khống, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...), các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.

Thực tế cho thấy quy định này có nhiều tác dụng tốt trong việc khắc phục hậu quả cho người bị hại.

Chẳng hạn với tội phạm “cố ý gây thương tích”, nhiều trường hợp người có hành vi trái pháp luật đã nhận thức được sai phạm, đã xin lỗi - bồi thường thoả đáng cho người bị hại, nhờ đó họ được người bị hại rút đơn tố cáo.

Khi các đương sự hoà giải được với nhau, điều đó cho phép nhận định mối thù oán tiềm ẩn những nguy cơ khó lường cũng đã được loại bỏ.

Việc khởi tố hành vi hiếp dâm đôi khi lại gây bất lợi cho chính người bị hại, hậu quả có thể rất nặng nề. Người phụ nữ là bị hại của vụ án hiếp dâm có thể không lấy được chồng và còn phải chịu điều tiếng suốt cả cuộc đời.

Quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại trong trường hợp này nhằm bảo vệ chính quyền lợi của người bị hại.

Tuy nhiên, khởi tố theo yêu cầu của người bị hại cũng bộc lộ những kẽ hở, khiến cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm gặp nhiều khó khăn.

Đã có một số vụ án “cố ý gây thương tích”, cả phía gây án và phía bị hại đều có nhân thân xấu, là các đối tượng hoạt động theo kiểu xã hội đen. Việc bị hại từ chối giám định thương tích khiến điều tra phá án bế tắc.

Theo một hướng khác, nhiều chuyên gia pháp luật nhận định cần mở rộng thêm các tội phạm khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, điển hình là tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra những vụ án lừa đảo, bị hại trong mỗi vụ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm người, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Việc thu hồi tài sản trả cho người bị hại vô cùng khó khăn, do đối tượng cầm đầu bỏ trốn, hoặc nếu có bị bắt thì tài sản thu hồi được không đáng kể.

Hậu quả là hàng loạt gia đình bị hại lao đao khốn đốn, còn các nhà tạm giam và các trại cải tạo thêm chật chội, bởi những đối tượng lừa đảo sẽ bị phạt tù rất nặng (theo giá trị tài sản chiếm đoạt) và họ ít có cơ hội được tha sớm, do chưa thi hành được phần dân sự của bản án hình sự.

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng nếu bổ sung tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào loại tội phạm chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo khắc phục hậu quả, nhờ đó họ có thể được miễn tố.

Thiết nghĩ trên đây là những vấn đề rất đáng quan tâm khi sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG