Xét xử vụ vỡ đường ống Sông Đà:

Không cần bồi thường, xin “xem xét” cho các bị cáo

Giám định viên khẳng định đơn vị thi công không kiểm tra chất lượng ống.
Giám định viên khẳng định đơn vị thi công không kiểm tra chất lượng ống.
TP - Tuyến đường ống bị vỡ 18 lần khiến đơn vị khai thác phải chi hơn 16,6 tỷ đồng khắc phục sự cố. Tuy nhiên, phía Vinaconex đã quyết định không yêu cầu bồi thường đồng thời xin tòa “xem xét” cho các bị cáo.

Chưa kiểm tra chất lượng ống

Sáng 6/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án 18 lần vỡ đường ống nước sạch Sông Đà – Hà Nội. Trước đó, từ năm 2012 đến 2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước Sông Đà đã bị vỡ 18 lần khiến đơn vị khai thác phải chi hơn 16,6 tỷ đồng khắc phục hậu quả; làm 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt… Vì vậy, 9 bị cáo thuộc các đơn vị sản xuất, lắp đặt đường ống và tư vấn giám sát dự án
bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Việc tuyến ống bị vỡ liên tục có nguyên nhân chính vì ống được sản xuất không đồng đều, không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng... Tại tòa, giám định viên tái khẳng định nhà thầu thi công hệ thống ống dẫn nước chưa kiểm tra chất lượng ống, thử nghiệm độ bền dài hạn của ống, có 40 đoạn
ống khuyết tật nhưng vẫn được thi công….

Trong vụ án, CQĐT từng khởi tố bị can với các thành viên HĐQT Vinaconex gồm các ông Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân - nguyên Ủy viên HĐQT kiêm TGĐ và các Ủy viên HĐQT là ông Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành và 2 người có trách nhiệm tham mưu, đề xuất là ông Lại Văn Bích - Giám đốc Ban quản lý dự án; Nguyễn Đức Lưu - Trưởng phòng Đầu tư Vinaconex.

Công an xác định, HĐQT Vinaconex đã ra quyết định cho thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang ống composite sợi thủy tinh. Tuy nhiên, VKSND Tối cao đã ra quyết định hủy bỏ các quyết định khởi tố nói trên vì cho rằng hành vi của họ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Xin “xem xét” cho bị cáo

Được triệp tập tới tòa, ông Nguyễn Văn Tuân trình bày, năm 2004, Vinaconex đã quyết định thay đổi ống từ gang dẻo sang cốt sợi thủy tinh sau khi tiếp cận công nghệ sản xuất vật liệu composite. “Lần đầu tiên quyết định sử dụng vật liệu mới, ý tưởng chúng tôi còn muốn sản xuất trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài như Lào - Campuchia… Khi triển khai dự án, Vinaconex có tâm huyết làm sao để dân có nước sạch sử dụng. Đưa một cái mới vào, thành công có quá trình rất khó khăn nên đề nghị tòa xem xét cho các bị cáo” - ông Tuân nói.

Tương tự, đại diện Vinaconex cũng khẳng định dự án Sông Đà là dự án đầu tiên sử dụng ống từ nguyên liệu cốt sợi thủy tinh nên việc xảy ra sự cố là khó tránh khỏi. “Về mặt vật chất, thiệt hại gần 17 tỷ đồng song lãi hơn 500 tỷ. Số giờ mất nước trên tổng số giờ phục vụ chỉ là 0,56%, lượng nước ngừng cấp chỉ là 0,36%... Đây là tai nạn nghề nghiệp, không có yếu tố tham ô tham nhũng. Xin tòa xem xét để làm sao khuyến khích các doanh nghiệp dám làm đầu tiên” - đại diện Vinaconex nói.

Trước đó, năm 2016, HĐQT Cty CP nước sạch Vinaconex đã ra quyết định nhất trí không yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan bồi thường kinh phí khắc phục sửa chữa sự cố tuyến ống.

Cũng tại tòa, chủ tọa đã công bố lời khai của ông Phí Thái Bình (xin vắng mặt) tại giai đoạn điều tra. Lời khai của ông Bình thể hiện, dự án Sông Đà đã giải quyết nước sạch, đồng thời sử dụng công nghệ mới áp dụng vào dự án. Dự án có tổng kinh phí là 1.450 tỷ đồng, gồm vốn vay của ngân hàng (896 tỷ đồng và hơn 13,6 triệu USD), vốn tự có và vốn khác, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Ông Bình khai, về hiệu quả, giai đoạn 1 của dự án đã cung cấp hơn 500 triệu m3 nước (tương đương 30%) cho người dân thủ đô, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt... Nguyên Phó chủ tịch Hà Nội cũng khẳng định, việc vỡ đường ống nước Sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan, không phải do việc phê duyệt dự án, không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex.

Năm 2016, HĐQT Cty CP nước sạch Vinaconex đã ra quyết định nhất trí không yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan bồi thường kinh phí khắc phục sửa chữa sự cố tuyến ống.

MỚI - NÓNG