Không có chứng cứ CSGT nhận tiền bảo kê gần 360 xe quá tải?

Các bị cáo nghe kiểm sát viên luận tội.
Các bị cáo nghe kiểm sát viên luận tội.
TPO - Người đàn ông khai đã chuyển tiền cho CSGT và TTGT để bảo kê các ô tô vi phạm nhưng không đưa được chứng cứ. Các CSGT cũng phủ nhận việc cầm tiền bảo kê.

Ngày 6/11, TAND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục xét xử Phạm Văn Phương (SN1975, ở Hà Nam) - GĐ Cty CP xây dựng và thương mại PNV về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo truy tố, từ tháng 6 - 7/2016, Phương có hành vi chỉ đạo các nhân viên Phùng Đức Ngọc (SN 1986) và Lê Văn Hiếu (SN 1988) nhận hơn 1,6 tỷ đồng từ 6 nhà xe để bảo kê 359 ô tô quá tải trên địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang.

Các bị cáo Trần Huy Lâm (SN 1980, ở Bắc Giang), Ngô Sĩ Bảo (SN 1987, ở Bắc Giang), Đinh Văn Hải (SN 1968, ở Bắc Ninh) là 1 trong 6 nhà xe nói trên, đã đưa tiền cho nhóm của Phương nhằm được CSGT, TTGT bảo kê cho các xe quá tải của mình.

Tại tòa, ông Phương khai có quen một số CSGT ở Bắc Giang và được Lê Quang Dũng - cán bộ C46 Bộ Công an giới thiệu với 2 đội trưởng CSGT của công an tỉnh Bắc Ninh. Bị cáo đã nhờ những cán bộ CSGT này bảo kê, không xử phạt với xe quá tải của mình hoặc những nhà xe nộp tiền. Đổi lại, ông Phương chi tiền cho anh Dũng và các cán bộ CSGT Bắc Giang. Tuy nhiên, ông không có bằng chứng về việc này.

Được triệu tập, tất cả các cán bộ CSGT đều không thừa nhận việc cầm tiền bảo kê từ Phương. Chủ tọa dẫn hồ sơ thể hiện các bị cáo Phương, Ngọc từng gọi cho các CSGT hàng trăm cuộc, có ngày gọi hơn 10 cuộc.

Đáp lại, phía CSGT nói ông Phương từng nhiều lần gọi điện mời họ ăn uống, hỏi thăm sức khỏe rồi nhờ can thiệp không xử lý xe vi phạm nhưng họ từ chối; các cuộc họ chủ động gọi Phương do thấy cuộc gọi nhỡ trong máy nên gọi lại vì phép lịch sự...

Ông Lê Quang Dũng cũng được chủ tọa yêu cầu giải thích về việc bị cáo Phương khai đã đưa cho ông 500 triệu đồng. Vị này bác bỏ, nói chỉ quen biết, nhưng chưa bao giờ nhận tiền từ Phương hoặc giúp bị cáo này “xử lý” xe vi phạm.

Chủ tọa tiếp tục dẫn các tin nhắn nội dung bảo kê xe giữa Phương với số máy của ông Dũng và một số điện thoại khác có đuôi 1987. Vị này giải thích, khi nhận tin nhắn của Phương đang bận nên không đọc, chỉ đáp lại “ok” vì nghĩ liên quan việc xây dựng, sản xuất giữa 2 người.

Ông Dũng phủ nhận số điện thoại có đuôi 1987 là của mình. Chủ tọa nêu câu hỏi, tại sao số điện thoại được đăng ký đúng tên, địa chỉ của ông nhưng ông không sở hữu? Ông Dũng cho rằng có người khác đã lấy thông tin của mình để đăng ký.

Sau khi xét hỏi, kiểm sát viên khẳng định bị cáo Phương không đưa được chứng cứ, tài liệu nào thể hiện đã đưa tiền cho các CSGT; các cán bộ CSGT cũng phủ nhận việc này; sim điện thoại nhận tin nhắn biển số xe nộp tiền bảo kê thuộc sở hữu của vợ Phương... nên không thể xác định các CSGT đã nhận tiền từ bị cáo theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Như vậy, ông Phương đã có hành vi tự giới thiệu là quen biết CSGT, TTGT tại Bắc Ninh và Bắc Giang để những người có xe quá tải nộp tiền bảo kê cho mình rồi chiếm đoạt. Hành vi của Phương phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo Ngọc và Hiếu không biết việc Phương lừa đảo, nghĩ Phương có thể bảo kê các xe quá tải nên đi thu tiền giúp Phương tức ý chí chủ quan của các bị cáo là có thể hối lộ cơ quan chức năng. Vì vậy, hành vi của cả 2 phạm vào tội “Môi giới hối lộ”.

Các bị cáo Lâm, Bảo, Hải có ý thức đưa tiền cho Ngọc và Hiếu để chuyển tới CSGT nhưng bị Phương lừa đảo. Tuy vậy, hành vi của 3 bị cáo này phạm vào tội “Đưa hối lộ”.

Phương phải chịu trách nhiệm về hơn 1,6 tỷ đồng; Ngọc và Hiếu là đồng phạm giản đơn; Hải, Lâm, Bảo có hành vi đơn lẻ nên chỉ chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Từ đó, người giữ quyền công tố đề nghị tòa phạt Phạm Văn Phương từ 13 - 14 năm tù; Phùng Đức Ngọc từ 6 - 7 năm tù; Lê Văn Hiếu từ 5 - 6 năm tù; Trần Huy Lâm từ 5 - 6 năm; Ngô Sĩ Bảo và Đinh Văn Hải mỗi người từ 2 - 3 năm tù. 

MỚI - NÓNG