Tiếp bài 'Cuộc khám xét kỳ quái':

Không thể biện minh 'vì nhiệt tình công tác'

Không thể biện minh 'vì nhiệt tình công tác'
TP - Có dư luận cho rằng các thanh tra viên “vì nhiệt tình công tác”, không nên xử lý hình sự. Mới đây, Viện KSNDTC đã có hướng dẫn giải quyết.
Không thể biện minh 'vì nhiệt tình công tác' ảnh 1
Thẩm phán Hoàng Thị Huyền tại phòng làm việc, nơi từng bị làm nhục

Tiền phong đã có bài “Cuộc khám xét kỳ quái” phản ánh việc một số cán bộ thanh tra huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) tổ chức khám xét trái pháp luật ở cơ quan TAND huyện này.

Sau đó, 3 thanh tra viên bị khởi tố. Có dư luận cho rằng các thanh tra viên “vì nhiệt tình công tác”, không nên xử lý hình sự. Mới đây, Viện KSNDTC đã có hướng dẫn giải quyết.

Tóm lược “cuộc khám xét kỳ quái”

Ngày 25/9/2006, Chánh thanh tra huyện Võ Nhai là ông Đỗ Đức Đại nhận được đơn của bà Bế Thị Điệp tố cáo thẩm phán TAND huyện Võ Nhai là bà Hoàng Thị Huyền “đòi hối lộ”.

Đơn viết: Sáng 27/9/2006, “tiền hối lộ” sẽ trao và nhận tại phòng làm việc của bà Huyền. Ông Đại làm quyết định cử ông Phan Thanh Phương và ông Ma Văn Năm (đều là thanh tra viên) đến TAND huyện Võ Nhai để “bắt quả tang”.

Ông Phương và ông Năm gặp Chánh án TAND huyện Võ Nhai là bà Hoàng Thị Bình, rồi gặp bà Điệp và tất cả kéo vào phòng làm việc của bà Huyền. Bà Điệp nói đã đưa 1,5 triệu đồng cho bà Huyền và bà Huyền để trong tủ.

Thẩm phán Hoàng Thị Huyền khẳng định bà Điệp vu khống. Tuy nhiên, nhóm người vừa vào vẫn lục soát phòng làm việc của bà Huyền nhưng không thấy tiền như bà Điệp khai. Họ bèn khám người bà Huyền.

Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Võ Nhai số 16 ngày 1/6/2007 viết: “Bà Huyền đứng vào phía sau tủ đứng kéo áo lên đến ngực, tụt quần dài, quần lót xuống đến đầu gối cho Bế Thị Điệp kiểm tra, có mặt bà Bình ở đó, qua kiểm tra không thấy số tiền như Điệp tố cáo.

Sau đó, Điệp lại quay ra tiếp tục kiểm tra các hồ sơ tài liệu cũng không thấy số tiền như Điệp tố cáo. Tiếp sau đó Điệp lại cùng bà Hoàng Thị Bình tiến hành kiểm tra người bà Huyền lần thứ hai, qua kiểm tra cũng không thấy số tiền như Điệp tố cáo”.

Cần nói thêm, bà Điệp đang là bị cáo trong một vụ án hình sự mà TAND huyện Võ Nhai đã phân công thẩm phán Hoàng Thị Huyền làm chủ tọa xét xử. Lục soát mãi không thấy tiền, họ lập biên bản, kết thúc cuộc khám xét kỳ quái.

Công an huyện Võ Nhai đã khởi tố bà Điệp, cùng các ông Đại, Năm, Phương tội “vu khống”. Với bà Chánh án Hoàng Thị Bình “đề nghị Ban thường vụ Huyện ủy Võ Nhai, Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên có hình thức kỷ luật Đảng và chính quyền”. Tuy nhiên, Viện KSND huyện Võ Nhai đã trả hồ sơ cho Công an huyện và xin ý kiến cấp trên.

Chỉ đạo của Viện KSNDTC

Theo một nguồn tin của Tiền phong, cuối tháng 7, Viện KSNDTC đã có công văn hướng dẫn Viện KSND tỉnh Thái Nguyên giải quyết vụ án. Theo đó, với bà Bế Thị Điệp đã rõ hành vi phạm tội “vu khống” theo điểm đ, khoản 2, Điều 122 Bộ luật Hình sự. Bởi bà Điệp tố cáo và đã cùng thanh tra viên khám xét nhằm bắt quả tang song hoàn toàn không có.

Với ông Chánh thanh tra huyện Đỗ Đức Đại có hành vi phạm tội “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Bởi đơn tố cáo hành vi phạm tội của thẩm phán Tòa án không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Thanh tra nhưng ông Đại vẫn ký quyết định phân công thanh tra viên đi “bắt quả tang”.

Biết việc không được làm nhưng vẫn làm, ông Đại đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của TAND huyện Võ Nhai và xâm hại trực tiếp đến nhân phẩm thẩm phán Hoàng Thị Huyền.

Với các thanh tra viên Phan Thanh Phương và Ma Văn Năm cũng có hành vi phạm tội “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” với vai trò đồng phạm thừa hành. Bởi biết việc phân công không đúng nhưng vẫn tích cực thực hiện.

Với bà Chánh án TAND huyện Hoàng Thị Bình có dấu hiệu phạm tội “làm nhục người khác”. Bởi thẩm phán Hoàng Thị Huyền đã khẳng định bị vu khống nhưng bà Bình vẫn tạo điều kiện thuận lợi và cho khám xét trái pháp luật ngay tại cơ quan TAND, lại trực tiếp cùng bà Điệp (đang là một bị cáo) tụt áo quần khám xét người bà Huyền là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của bà Huyền.

Hành vi của bà Chánh án Hoàng Thị Bình chưa được khởi tố, điều tra nên cần khởi tố điều tra bổ sung. Viện KSNDTC cũng yêu cầu làm rõ mối quan hệ giữa bà Điệp, bà Bình và ông Đại, nhất là động cơ mục đích trong việc tổ chức “cuộc khám xét kỳ quái”.

Đầu tháng 8 này, những ý kiến chỉ đạo của Viện KSNDTC đã được Viện KSND tỉnh Thái Nguyên truyền đạt tới Viện KSND huyện Võ Nhai để thực hiện. Rõ ràng công chức chỉ được làm những điều pháp luật cho phép. Vượt quá giới hạn là phạm pháp, không thể biện minh “vì nhiệt tình công tác”, đặc biệt ở cơ quan TAND càng phải nghiêm minh.

MỚI - NÓNG