Không tố giác thân chủ, luật sư có phạm tội?

Không tố giác thân chủ, luật sư có phạm tội?
TP - Đó là một trong những nôi dung được các luật sư đưa ra bàn thảo, tại hội thảo về đạo đức nghề nghiệp luật sư, do Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF) phối hợp Quỹ hợp tác pháp luật quốc tế Đức (IRZ) tổ chức hôm qua.

Tại hội thảo, VBF công bố dự thảo lần 6 “Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”, dự kiến thông qua quý I năm 2011. Đáng chú ý, vấn đề bí mật thông tin, quy tắc 13 trong dự thảo nêu: “Luật sư giữ bí mật thông tin của khách hàng, kể cả trong trường hợp biết khách hàng đã phạm một tội khác từ trước đó (trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia)”.

Nếu làm theo quy tắc trên, luật sư có phạm vào tội “Không tố giác tội phạm”, quy định tại Điều 314 BLHS hay không? Tiến sỹ luật học, Phó Chủ tịch VBF Phạm Hồng Hải, phân tích: Khi tham gia tố tụng, các luật sư hành nghề trên tinh thần chung là đặt lợi ích thân chủ lên trên hết, và nội dung quy tắc 13 cũng được xây dựng trên tinh thần này.

Tuy vậy, cũng theo ông Hải, luật sư cũng như mọi công dân đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có BLHS. “Nên chăng, quy tắc này sẽ điều chỉnh theo hướng luật sư có thể không tố giác thân chủ đối với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, có mức hình phạt dưới 10 hoặc 7 năm tù. Các trường hợp khác sẽ xử lý như thông thường” - ông Hải nói.

Đồng tình quan điểm trên, luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) lập luận, khách hàng khi đến với luật sư họ đã đặt niềm tin vào luật sư, do vậy họ mới kể cho luật sư biết rằng mình đã phạm tội. Nếu áp dụng trường hợp “Không tố giác tội phạm” trong mối quan hệ này luật sư ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề. Song bà Nga cũng băn khoăn, quy tắc chỉ là văn bản dưới luật, do đó nhất thiết phải tuân thủ và không nên trái với BLHS.

Về cơ bản, các chuyên gia pháp lý đồng tình với các nội dung Dự thảo. Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng thư ký VBF, dự thảo lần này được hoàn thiện trên cơ sở tham khảo nhiều quy chế của các quốc gia có nền lập pháp tiên tiến, phù hợp với văn hóa và các thể chế của pháp luật Việt Nam.

MỚI - NÓNG