Khuất tất trong vụ án chạy 'quota' ở Bộ Thương mại

Khuất tất trong vụ án chạy 'quota' ở Bộ Thương mại
TP - Vụ án chạy quota ở Bộ Thương mại đã khép lại bằng phiên toà phúc thẩm. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề mà chính Hội đồng Xét xử đã đặt ra chưa được làm rõ. Có dấu hiệu vụ án còn để lọt người, lọt tội...

Thời điểm các doanh nghiệp đang khát quota, bà Nguyễn Thị Mỹ Hà - Phó Giám đốc Cty Qualitex đã gặp ông Đặng Vũ Quang - Phó Giám đốc Cty TNHH Hàng Đầu - đặt vấn đề “chạy” quota cho Cty của bà. Ông Quang hứa sẽ tìm “mối cũ”.

Theo tài liệu điều tra, sau đó ông Quang đã  liên lạc  với  Mai Thanh Hải và Hải nhận “chạy” quota cho Qualitex với giá 1 USD/tá. Ông Quang đã viết giấy xác nhận với bà Hà có nội dung “lo thủ tục giấy tờ” và nhận từ bà Hà 1,5 tỷ đồng. Nhưng ông Quang chỉ chuyển cho Hải 560 triệu đồng (tương đương 30.000USD = 28.000 tá sản phẩm).

Tại  phiên toà sơ thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng đã có phán quyết: Yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, khởi tố vụ án điều tra anh em ông Nguyễn Đức Chính, bà Nguyễn Thị Mỹ Hà hành vi “Đưa hối lộ”, đồng thời kiến nghị Viện KSND tối cao phục hồi điều tra xử lý theo pháp luật đối với ông Đặng Vũ Quang tội “Môi giới hối lộ”.

Thực tế những gì diễn ra tại phiên toà sơ thẩm, cho thấy, với ý thức chủ quan từ việc muốn Qualitex có được thành tích xuất hàng bằng việc có quota với Chủ tịch Cty này nên ông Nguyễn Đức Chính cùng bà Nguyễn Thị Mỹ Hà đã chủ động vay tiền (tổng cộng 1,5 tỷ đồng) từ người thân trong gia đình để đưa cho ông Đặng Vũ Quang.

Điều cần nói ở đây là vào năm 2003, Qualitex đã có chủ trương khen thưởng cho những ai có công giúp Qualitex xin được quota. Ông Quang khi ấy là Phó giám đốc Cty TNHH Hàng Đầu – doanh nghiệp chuyên thực hiện hợp đồng dịch vụ vận tải, giao nhận hàng cho Qualitex, nên biết việc ông Chính, bà Hà đang “kẹt” vụ quota, nên đã chủ động gọi bà Hà và bảo bà fax hồ sơ xin cấp quota đến cho ông Quang, dù Cty Hàng Đầu không có chức năng hoạt động môi giới  kiểu  này.

Còn phần ông Quang, sau khi nhận tiền (có viết giấy biên nhận, nội dung: Lo giấy tờ thủ tục) liền gặp Mai Thanh Hải (Hải hoàn toàn không biết bà Hà và ông Chính) nhờ chạy giúp quota và số tiền Hải nhận từ ông Quang là 560 triệu đồng.

Tại sao ông Quang nhận 1,5 tỷ đồng nhưng chỉ đưa cho Hải 560 triệu đồng? Một bút lục có lời khai ông Quang cho thấy, Qulitex còn nợ 1 hợp đồng dịch vụ của Cty ông Quang 8.000 USD và ông Quang muốn cấn trừ này vào chung tiền nhận chạy quota. Vì thế sau đó ông Quang đã nâng giá “chạy” quota với phía ông Chính và bà Hà lên 1,4 USD/tá.

Sau vài tuần của vụ giao dịch này, quả nhiên Qualitex được cấp 28.000 hạn ngạch thành tích, nhưng phía Qualitex cho rằng việc cấp hạn ngạch này là đúng chỉ tiêu Cty chứ không phải do “chạy chọt” nên ông Chính và bà Hà đòi lại tiền.

Ngày 24/6/2003, Đặng Vũ Quang mang trả lại cho Hà 1 tỷ đồng và yêu cầu Mai Thanh Hải trả lại 560 triệu đồng (số tiền còn lại), nhưng Hải chỉ giao lại 204 triệu đồng, số còn lại thì không trả với lý do đó là công “chạy”.

Do vậy, ông N.V.P, cha của bà Hà, ông Chính đã làm đơn tố cáo gửi đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTƯ) về vụ việc…. Lập tức Mai Thanh Hải trả lại số tiền còn lại, song lại đưa dư thêm 104 triệu đồng. Tại phiên toà, Mai Thanh Hải thừa nhận: Có nhận tiền từ ông Quang đưa là 560 triệu đồng (làm 2 lần).

Từ nghiên cứu trở thành “ngâm” cứu 

Tháng 6/2004, hồ sơ vụ việc chính thức được Phòng Cảnh sát Kinh tế CA TP Hà Nội (PC15) thụ lý theo yêu cầu của UBKTTƯ Đảng. Lời khai của ông Nguyễn Đức Chính và bà Nguyễn Thị Mỹ Hà với PC15 rằng: Sau khi đạt thoả thuận giá quota từ 1USD đến 1,4USD/tá ông Chính đã chi cho ông Đặng Vũ Quang 1,5 tỷ đồng.

Ngày 7/7/2004, PC15 báo cáo kết quả điều tra xác minh vụ việc với Phó Giám đốc CA TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh để xin ý kiến và nhận được chỉ đạo chuyển cho Phòng Cảnh sát Điều tra (PC16) và Viện KSND TP Hà Nội.

Ngày 18/8/2004, PC16 đã có đề xuất lên ông Nguyễn Đức Nhanh: Không xử lý hình sự mà kỷ luật hành chính đối với những người liên quan. Kế tiếp, ngày 9/9/2004, Viện KSND TP Hà Nội cũng có văn bản số 120 cho đây là vụ việc tranh chấp dân sự đã chấm dứt, không có dấu hiệu hình sự. Bởi các bị can đã hoàn trả hết số tiền cho nhau và không còn khiếu nại tố cáo nữa.

Thấy vụ việc khá phức tạp, ông Nguyễn Đức Nhanh (nay là Thiếu tướng, Giám đốc CA TP Hà Nội) đã chỉ đạo phải báo cáo lãnh đạo 3 ngành: Công an, cơ quan công tố và TAND TP Hà Nội để thống nhất quan điểm.

Ngày 14/9/2004, kết quả đánh giá của cuộc họp liên ngành như sau: Hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ đã hoàn thành. Việc khắc phục hậu quả chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ và hồ sơ được chuyển cho Viện KSND TP Hà Nội nghiên cứu và có quan điểm chính thức khởi tố xử lý hình sự vụ án. Nhưng rất tiếc, hồ sơ này đã bị “ngâm” cho đến nay.

Bài 2: “Cùng hội cùng thuyền” nhưng người bị tù, kẻ không

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).