Nhức nhối cướp giật tại TPHCM, vì sao?

Khuyến cáo người dân cách ứng phó với cướp

“Hiệp sĩ” Minh Tiến (trái) khống chế đối tượng cướp giật.
“Hiệp sĩ” Minh Tiến (trái) khống chế đối tượng cướp giật.
TP - Từ kinh nghiệm trong phá án cướp giật và thực tế hằng ngày “săn” cướp, lực lượng công an và các “hiệp sĩ” Sài Gòn khuyến cáo người dân cách ứng phó với loại tội phạm này.

Thượng tá Nguyễn Thành Lũy, Phó trưởng Công an quận 3 nói rằng thủ đoạn của bọn tội phạm thường đi từ 2 người trở lên, chạy xe dạo quanh các con đường để nắm bắt, thăm dò, tìm kiếm nạn nhân có tài sản. Sau đó, chúng gọi điện báo cho đồng bọn để thực hiện cướp, cướp giật. “Phụ nữ đi xe một mình, mang theo giỏ xách, đeo trang sức đắt tiền, điện thoại di động,…hoặc những người đi trên đường vắng vẻ là đối tượng của loại tội phạm này”- ông Luỹ lưu lý. Cũng theo ông Lũy, hiện nay xuất hiện băng nhóm chuyên dàn cảnh để trộm cắp, cướp giật tài sản như tạo ra các cuộc va chạm xe, cãi vã, đánh nhau để nạn nhân sơ hở hoặc hoảng sợ bỏ lại tài sản để rồi chiếm lấy.

Để đề phòng trước bọn tội phạm cướp giật, theo thượng tá Phạm Xuân Thao, Phó trưởng Công an quận 4 người dân cần bỏ túi xách vào trong cốp xe, hạn chế treo bên ngoài. Đặc biệt, chú ý có người theo sau, nhất là khi đi đến những ngã ba, ngã tư có đèn đỏ thì những đối tượng cướp giật sẽ dàn cảnh va quẹt xe để nạn nhân mất cảnh giác để trộm, cướp giật. Đối với phụ nữ có đeo trang sức, khi đi ra đường nên ngụy trang bằng cách đeo khẩu trang, mặc áo che kín, không nên nghe điện thoại và cần chú ý quan sát phía sau xe thông qua kính chiếu hậu. “Nếu phát hiện có người, nhóm người khả nghi theo mình thì nên dừng xe vào lề đường để họ chạy qua rồi tiếp tục đi”, thượng tá Thao khuyến cáo.

Còn đại diện Công an huyện Bình Chánh đề nghị người dân, khi gặp trường hợp các đối tượng cướp có vũ khí nguy hiểm, có thể trực tiếp đe dọa tính mạng thì không nên vì tiếc tài sản mà phản ứng ngay lập tức. Với những trường hợp này nên bình tĩnh tìm cơ hội chống trả, bắt giữ đối tượng, hoặc cố gắng ghi nhớ đặc điểm nhận dạng các đối tượng, để sau đó cung cấp cho công an, phục vụ công tác điều tra, khám phá án.

Khuyến cáo người dân cách ứng phó với cướp ảnh 1

Cảnh bắt cướp trên đường phố TPHCM.

“Công an thành phố ráo riết tuần tra ngăn chặn và bắt rất nhiều vụ. Nhưng để đối phó, bọn cướp giật phần lớn chuyển sang hình thức hoạt động mới”- “hiệp sĩ” Sài Gòn, Nguyễn Quang Thiện cho biết. Theo anh Thiện, khi đi “ăn hàng”, chúng ăn mặc bảnh bao như người kinh doanh, dân trí thức, chạy xe đắt tiền để người dân mất cảnh giác. “Ngày trước chỉ cần nghe tiếng pô, nhìn ngoại hình, tính cách… là anh em phán đoán được 70% nghi can có phải là cướp hay không, nhưng nay xe của chúng gắn pô xe zin, tiếng xe khi chạy nghe rất êm, nên khi chúng hành động thì mình trở tay không kịp”, “hiệp sĩ” Nguyễn Quang Thiện chia sẻ.

Thờ ơ vì quá sợ hãi

 “Hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến chia sẻ: “Gần 20 năm tham gia bắt hàng ngàn vụ cướp, tôi nhận thấy nếp sống “ăn chung uống chung” với cướp của người dân sinh sống, làm việc ở Sài Gòn trở thành mãn tính. Bước ra khỏi nhà là người dân sợ cướp, thậm chí ở nhà họ cũng sợ cướp”.

Theo “hiệp sĩ” Minh Tiến, nhiều vụ cướp giật xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật nhưng người dân vì sợ nên thờ ơ. “Nhiều vụ dù nạn nhân bị các đối tượng đè xuống đường nhằm cướp tài sản giữa chốn đông người nhưng người dân chỉ đứng nhìn chứ không ai lao vào can thiệp”- anh Tiến buồn bã.

Tuy nhiên, theo hiệp sĩ này, điều đó cũng có lý do vì đã không ít trường hợp các nghi phạm quay lại trả thù hay rút hung khí ra hành hung những người ở hiện trường dám xen vào việc “làm ăn” của chúng. “Tôi mong muốn chính quyền TPHCM có cơ chế đối với “hiệp sĩ” để anh em tự tin hơn nữa trong việc mang sức mình ra cống hiến và thực hiện trọn vẹn “phong trào toàn dân phòng chống tội phạm ”- “hiệp sĩ” Minh Tiến nói.     

Dù được người thân cảnh báo “cẩn thận giỏ xách, điện thoại khi đi chơi” nhưng sáng 17/3 khi chị Nguyễn Thanh L, 43 tuổi ở Huế vào Sài Gòn thăm bà con vẫn bị cướp giật chiếc điện thoại iphone 6. Chị L, cho biết khi vừa từ phố đi bộ Nguyễn Huệ ra đường Tôn Đức Thắng, quận 1, lấy điện thoại ra gọi cho người thân đến đón thì trong chớp nhoáng hai người đi trên xe máy vụt qua, chiếc điện thoại của tôi biến mất.     

MỚI - NÓNG