Kiến nghị hủy bản án xét xử '5 không'

Bị cáo Trần Thị Thanh Hương
Bị cáo Trần Thị Thanh Hương
TP - Điều tra không lấy lời khai, truy tố không giao cáo trạng, xét xử không có mặt bị cáo và bị hại nhưng cấp sơ thẩm vẫn tuyên người khác phạm tội. Tòa án cấp cao cho rằng việc này vi phạm tố tụng, cần điều tra lại từ đầu.

Xử án không cần  bị cáo

TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ra kháng nghị đình chỉ bản án sơ thẩm của TAND huyện Khoái Châu (Hưng Yên) tuyên phạt bị cáo Trần Thị Thanh Hương (SN 1972, ở Khoái Châu) phạm tội “Làm nhục người khác”. Kháng nghị cũng đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Cấp cao xét xử Giám đốc thẩm, hủy bản án này để điều tra, xử lý lại theo đúng quy định của pháp luật.

Nội dung án sơ thẩm thể hiện, gia đình bà Hương mâu thuẫn quyền thừa kế đất đai với cậu là Nguyễn Văn Thêm (có vợ là Nguyễn Thị Lan). Ông Thêm sau đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã chuyển nhượng cho người khác nhưng gia đình bị cáo Hương không đồng ý, nhiều lần cãi nhau và ngăn cản việc xây dựng của những người nhận chuyển nhượng. Chính quyền và người dân địa phương cũng bức xúc trước việc này.

Sáng 23/7/2018, gia đình bị cáo Hương đến khu đất nhà bà Lan chửi bới, đổ phân lợn. Vì vậy, bà Lan có tát cháu mình một lần và 2 bên xảy ra xô xát; Hương lấy phân lợn bôi lên người bà Lan, giằng co làm bà Lan rách áo... Tòa án Khoái Châu cho rằng hành vi của Hương là coi thường danh dự, nhân phẩm người khác, gây phẫn nộ trong nhân dân… nên phải chịu 24 tháng cải tạo không giam giữ, khấu trừ thu nhập 645.000 đồng/tháng cải tạo.

Cũng theo tòa sơ thẩm, bị cáo Hương cùng những người liên quan chống đối, không chấp hành nghĩa vụ, từ chối nhận các văn bản tố tụng. Đến phiên xử, bị cáo cũng vắng mặt dù tòa án đã yêu cầu công an áp giải. Việc vắng mặt này thể hiện ý thức coi thường pháp luật nhưng không gây cản trở cho quá trình xét xử. Tương tự, tòa án xác định bị hại và người liên quan vắng mặt cũng không ảnh hưởng.

Sau phiên tòa, bị cáo Hương không nhận được bản án, chỉ có quyết định thi hành án và trích lục bản án. Do đó, người phụ nữ kháng cáo khi đã hết hạn 15 ngày nên TAND tỉnh Hưng Yên không chấp nhận.

Vụ án 5 không

TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, dù bị cáo Hương chống đối việc tống đạt các quyết định tố tụng nhưng cơ quan điều tra không áp dụng bất cứ biện pháp nào để lấy lời khai của bị can. Vì vậy, hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào như bản tự khai, trình bày, biên bản hỏi cung của Trần Thị Thanh Hương. Hồ sơ vụ án cũng không có biên bản giao kết luận điều tra cho bị can.

Sau đó, Viện KSND huyện Khoái Châu lặp lại sai lầm tương tự, không lấy lời khai của Hương nhưng vẫn ra cáo trạng truy tố. Biên bản giao cáo trạng chỉ ghi Hương từ chối nhận với sự chứng kiến của chính quyền địa phương nhưng không thể hiện đã đọc cáo trạng cho người này nghe hay không. TAND Cấp cao kết luận, việc giao nhận cáo trạng không chặt chẽ, không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

“Như vậy, việc điều tra chưa được thực hiện đầy đủ; việc giao nhận, tống đạt các văn bản tố tụng chưa chặt chẽ. Lẽ ra, tòa sơ thẩm khi nhận hồ sơ vụ án phải trả lại để cơ quan điều tra thực hiện theo đúng quy định… nhưng TAND huyện Khoái Châu vẫn đưa vụ án ra xét xử và xét xử vắng mặt bị cáo là vi phạm trình tự thủ tục tố tụng” - kháng nghị Giám đốc thẩm nêu.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, luật sư Lê Huy Quang (Cty Luật The Light) cho biết quá trình trợ giúp pháp lý cho bị cáo Hương, ông nhận thấy phiên tòa xét xử vụ án có "5 không". “Không bị cáo; không bị hại; không nhân chứng; không bản cung hoặc bản tự khai; bị cáo không biết bị điều tra truy tố, xét xử. Thậm chí, bà Hương được người khác vứt vào sân trích lục bản án và quyết định thi hành án, hoàn toàn không nhận được bản án đã tuyên với mình” – luật sư Quang nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.